Làng nghề đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) từng nổi danh là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời bậc nhất Việt Nam. Thế nhưng, giờ đây nơi này lại trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường, khi hàng nghìn người dân phải sống trong cảnh khói bụi và xỉ đồng bao vây mỗi ngày.
 |
Khói bụi hàng đêm phát thải ra từ một lò đúc nhôm, đồng ở làng nghề đúc đồng Đại Bái |
Hoạt động đúc đồng Đại Bái hiện nay vẫn chủ yếu diễn ra thủ công, không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy, và an toàn lao động. Tình trạng này kéo dài hàng thập kỷ, khiến môi trường địa phương bị bức tử nghiêm trọng.
 |
Những ngọn lửa đỏ rực bên trong lò luyện đồng của người dân làng đúc đồng Đại Bái |
 |
Các hộ sản xuất đúc đồng Đại Bái hoạt động rầm rộ vào ban ngày |
Theo thống kê, xã Đại Bái hiện có 2.326 hộ dân, trong đó có 461 hộ sản xuất hàng mỹ nghệ, 184 hộ đúc đồng, nhôm và 26 hộ chuyên tái chế phế liệu kim loại. Đáng chú ý, toàn bộ hoạt động sản xuất tại đây đều diễn ra mà không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải nào, đẩy tình trạng ô nhiễm tại làng nghề đúc đồng Đại Bái lên mức báo động.
"Mỗi lần các hộ sản xuất đốt lò, cả làng chìm trong khói bụi dày đặc không thể nào chịu được", một người dân sống tại làng đúc đồng Đại Bái bức xúc chia sẻ. Để tránh ảnh hưởng, nhiều hộ dân đã phải xây bịt kín toàn bộ cửa sổ và cửa chính, chấp nhận sống trong cảnh ngột ngạt, bí bách để tự bảo vệ bản thân và gia đình.
 |
Người dân làng Đại Bái phải bịt kín cửa sổ bằng xi măng để phòng khói độc bay vào nhà |
 |
Xỉ thải nhôm, xỉ đồng vẫn đang đỏ rực lửa bị đổ trực tiếp ra môi trường |
 |
Nhiều người dân còn lợi dụng những xỉ thải nhôm, đồng này để lấp ao hồ, làm mặt bằng mới |
Bên cạnh đó, lượng xỉ đồng, nhôm thải ra từ quá trình tái chế tại làng nghề đúc đồng Đại Bái là chất thải nguy hại, có khả năng gây độc hại cao cho đất đai, nguồn nước và sức khỏe người dân nếu không được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, các loại xỉ này đang bị đổ bừa bãi ra khắp nơi từ các cánh đồng canh tác, khu dân cư cho tới khu vực đất công, khiến ô nhiễm ngày càng lan rộng.
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Đức Khuông, Bí thư Đảng ủy xã Đại Bái cho biết, lực lượng quản lý địa phương rất mỏng, trong khi hoạt động sản xuất, đổ thải lại thường diễn ra lén lút, rất khó để kiểm soát triệt để. Tình trạng đổ xỉ thải trái phép tại làng đúc đồng Đại Bái vì thế ngày càng nghiêm trọng và các bãi xỉ ngày càng lớn thêm.
 |
Ông Vũ Đức Khuông, Bí thư Đảng ủy xã Đại Bái trả lời phỏng vấn Báo Công Thương |
 |
Một chủ cơ sở sản xuất đúc đồng tại làng nghề Đại Bái đang đứng trên sân bê tông mới đổ để che giấu lớp xỉ thải đổ trộm ở bên dưới |
 |
Xỉ nhôm, đồng từ quá trình sản xuất bị đổ ở khắp nơi trong làng Đại Bái, chất cao thành từng đống |
Theo ghi nhận của phóng viên, những diện tích đất nông nghiệp vốn phục vụ cho sản xuất lúa, rau màu giờ đây đã biến thành những điểm tập kết xỉ thải trái phép của làng đúc đồng Đại Bái. Một số đối tượng còn cố tình phủ cát hoặc thậm chí đổ bê tông lên trên bề mặt các bãi xỉ để che giấu vi phạm. Hành vi này diễn ra công khai cả ngày lẫn đêm, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thống kê chính xác được bao nhiêu diện tích đất đã bị sử dụng sai mục đích.
 |
Đa số các hoạt động sản xuất tại làng đúc đồng Đại Bái đều là tiểu thủ công nghiệp |
 |
Việc sản xuất không theo quy trình an toàn về môi trường đã gây ô nhiễm nghiêm trọng |
 |
Nghề đúc đồng ở làng nghề Đại Bái đã tồn tại lâu đời |
"Em chỉ đổ có một ít thôi, mới đổ bê tông lên", một chủ cơ sở sản xuất tại làng đúc đồng Đại Bái phân trần khi bị phát hiện. Câu chuyện này diễn ra phổ biến và không còn xa lạ gì với người dân địa phương nhưng không thường xuyên bị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh phát hiện và xử lý.
Theo quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh, làng nghề đúc đồng Đại Bái sẽ phải di dời đến Cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái để đảm bảo các nguyên tắc về môi trường trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, ở cụm công nghiệp này lại đang tồn tại một nghịch lý vẫn chưa được giải quyết triệt để đó là đất để xây dựng lò luyện, xưởng sản xuất đã bị ‘hô biến’ thành đất ở.
Theo thống kê, xã Đại Bái hiện có 2.326 hộ dân, trong đó có 461 hộ sản xuất hàng mỹ nghệ, 184 hộ đúc đồng, nhôm và 26 hộ chuyên tái chế phế liệu kim loại. Đáng chú ý, toàn bộ hoạt động sản xuất tại đây đều diễn ra mà không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải nào, đẩy tình trạng ô nhiễm tại làng nghề đúc đồng Đại Bái lên mức báo động. |