KQKD ngành ngân hàng quý 2/2023: Chú ý đến chất lượng tài sản

(Banker.vn) Mới đây, Công ty CPCK VNDIRECT đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh ngành ngân hàng trong quý 2/2023. Theo VNDIRECT, tỷ lệ nợ xấu của Top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tăng lên 2,1% tại cuối quý 2 từ mức 1,9% tại cuối quý 1/2023. Dựa trên số liệu từ VNBA, tính đến cuối quý 2/2023, nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Tăng trưởng tín dụng: Nhu cầu tiêu dùng cho thấy dấu hiệu cải thiện

Tại cuối Q2/23, tín dụng toàn hệ thống tăng 4,7% so với đầu năm – thấp hơn mức tăng 9,4% tại cuối Q2/22, nhưng đã tăng đáng kể từ mức 3,17% tại cuối T5/23. Trong Q2/23, những ngân hàng tỷ lệ cho vay cao với ngành bất động sản như TCB, HDB cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại khi thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn (tăng trưởng tín dụng của TCB và HDB chỉ đạt lần lượt 0,57% và 0,19% so với quý trước). Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong Q2/23 (ACB: 5,51%; VIB: 2,19% so với quý trước), cho thấy dấu hiệu hồi phục nhẹ từ nhu cầu tiêu dùng.

MBB, với kế hoạch tham gia tái cấu trúc một TCTD yếu kém, cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao trong Q2/23 (6,49% so với quý trước) cũng như giới hạn tín dụng tốt hơn so với ngành (~24%). Trường hợp tương tự với VPB (tăng trưởng tín dụng đạt 5,0% sv quý trước và ~24% hạn mức cho năm 2023) chủ yếu nhờ thanh khoản dồi dào sau thương vụ bán 15% vốn cho SMBC.

Cho nửa cuối năm, bên cạnh dư địa tín dụng còn lại, VNDIRECT kỳ vọng những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu. Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay BĐS cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi TT06/23 (hiệu lực từ T9/23) sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

KQKD ngành ngân hàng quý 2/2023: Chú ý đến chất lượng tài sản
Tỷ lệ nợ xấu của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tăng lên 2,1% tại cuối quý 2/2023 từ mức 1,9% tại cuối quý 1/2023.

Vùng đáy NIM có thể ở quanh mức hiện tại

NIM toàn ngành (từ 25 NH niêm yết lớn nhất) giảm 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,41% trong Q2/23 với 19/25 ngân hàng ghi nhận mức sụt giảm ở NIM. Trong nhóm các ngân hàng vừa và lớn, chỉ có STB, VIB và CTG có thể duy trì mức NIM cao hơn so với cùng kỳ xuống. Cụ thể, VIB và CTG đã thành công trong việc tận dụng nguồn vốn liên ngân hàng (có sự sụt giảm mạnh trong Q2/23) khi tỷ lệ vốn liên NH/tổng nguồn vốn của VIB và CTG tăng lần lượt 4,3% và 4,9% so với cùng kỳ xuống tại cuối Q2/23. NIM của STB cải thiện mạnh trong 2023 khi không còn áp lực lãi dự thu.

Trong khi đó, NIM của VPB, TCB, LPB và TPB tiếp tục giảm mạnh nhất khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản. CASA toàn ngành cho thấy sự cải thiện từ mức 17,6% tại cuối Q1/23 lên 18,2% tại cuối Q2/23 khi lãi suất tiền gửi giảm liên tục theo 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành.

VNDIRECT kỳ vọng chi phí vốn sẽ giảm mạnh hơn khi lần thứ 3 và 4 cắt giảm lãi suất diễn ra vào cuối Q2/23 sẽ có hiệu lực toàn bộ từ nửa cuối 2023 trở đi. Tuy nhiên, VNDIRECT không kỳ vọng sự cải thiện ở NIM ngay lập tức khi việc cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Cho nửa cuối năm, VNDIRECT kỳ vọng một số ngân hàng sở hữu: i) tỷ lệ cho vay cá nhân cao, ii) tỷ lệ LDR thấp và iii) tỷ trọng vốn ngoại tệ trên tổng nguồn vốn thấp sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện NIM tốt hơn so với toàn ngành như MBB, VIB.

Cần chú ý đến chất lượng tài sản

Tỷ lệ nợ xấu của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tăng lên 2,1% tại cuối quý 2/2023 từ mức 1,9% tại cuối quý 1/2023. Theo đó, tỷ lệ LLR cũng suy giảm từ 106% cuối Q1/23 xuống 98% cuối Q2/23. Ngoài ra, tổng giá trị nợ tái cơ cấu theo TT02/23 đạt 62,5 nghìn tỷ tại cuối T6/23, tương đương với 0,5% tổng tín dụng toàn hệ thống (theo số liệu của NHNN).

Trước tình hình thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn về vấn đề thanh khoản như hiện tại, VNDIRECT ưa thích các NHTM với dự phòng vững chắc và danh mục tín dụng lành mạnh. Top 3 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất bao gồm: VCB (386%), CTG (169%) và MBB (156%).

Xem chi tiết báo cáo tại đây >>>>

Ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu cao nhất?

Khép lại quý 2/2023, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng bất ngờ tăng vọt. "Làn sóng" nợ xấu tại ngành ngân hàng đã được giới chuyên gia dự báo và nhận định từ trước. Tình hình ảm đạm của nền kinh tế chính là nguyên nhân tạo ra làn sóng nợ xấu tại các ngân hàng. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp liên tiếp gặp nhiều khó khăn trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài, đặc biệt là do ảnh hưởng từ khó khăn của bất động sản và tài chính tiêu dùng.

Dựa trên báo cáo tài chính quý 2, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (HNX: NVB) là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao nhất hệ thống. Kết thúc quý 2, NCB ghi nhận khoản lãi hơn 8 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của NCB đạt 14 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản NCB ở mức 84.616 tỷ đồng, giảm 5,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 1,1% lên 48.246 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 1,4% xuống 70.381 tỷ đồng.

Xếp thứ hai sau NCB là Ngân hàng TMCP An Bình (UPCOM: ABB) với tỷ lệ nợ xấu chiếm 4,55% tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng. Tại ABBank, nợ xấu tăng mạnh ở nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ), với mức tăng lần lượt là 156% và 211%. Nợ xấu nội bảng tăng "phi mã" buộc ABBank phải tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ lên 814 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ. Qua đó, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 541 tỷ đồng, thấp hơn 60% kết quả thực hiện trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022.

Vị trí thứ 3 là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB). Theo báo cáo tài chính riêng quý II/2023 của ngân hàng, nợ xấu của VPB tính đến ngày 30/6/2023 là 16.195 tỷ đồng, chiếm 3,88%.

Xếp thứ 4 là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (UPCOM: VBB) với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 3,86%, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2022.

Vị trí còn lại lần lượt là Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB); Ngân hàng TMCP Bản Việt (UPCOM: BVB); Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (UPCOM: PGB); Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB); Ngân hàng TMCP Nam Á (UPCOM: NAB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HOSE: SHB)...

Nhìn chung, chỉ có 2/27 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cải thiện với đầu năm 2023 là Kienlongbank và SHB. Cụ thể, Kienlongbank giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,92% xuống 1,65%. SHB cũng giảm tỷ lệ nợ xấu từ 2,81% xuống 2,58% trong nửa đầu năm 2023.

Dựa trên số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), đến cuối quý 2/2023, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Thị trường sắp bước vào vùng trũng thông tin, VNDirect gợi ý hai nhóm ngành tiềm năng

VNDirect cho rằng, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi sẽ là vùng trũng thông tin và đà tăng của thị trường ...

"Bừng sáng" tháng 7 và xu hướng của cổ phiếu ngân hàng cuối năm

Tháng 7 vừa tiếp tục chứng kiến sự tỏa sáng đáng kể của cổ phiếu nhóm ngân hàng, triển vọng những tháng cuối năm của ...

VCCI: Giảm tỷ lệ sở hữu ngân hàng thời điểm này là không phù hợp

Theo VCCI, tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu tối đa có ...

Nguyễn Hoàng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán