Kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng Covid-19

(Banker.vn) Tại phiên họp ngày 16/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Hỗ trợ 118.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, người dân bị tác động vì dịch

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, kể từ thời gian đầu xảy ra dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội trong nước, Chính phủ đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Theo đó, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng).

Bước sang năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến còn hết sức phức tạp của dịch Covid-19 và để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền để tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

“Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách Nhà nước thì các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cũng đã được triển khai thực hiện vừa qua theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, với tổng kinh phí ước tính trên 26 nghìn tỷ đồng.

Xem xét, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ

Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 như nêu trên đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành như du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, thể thao, vui chơi và giải trí, báo chí, truyền hình... Theo đó, việc xem xét, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 là cần thiết.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa có quy định việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cùng với các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp các khoản tiền thuế và tiền thuê đất đã được áp dụng trong năm 2020 và thời gian tiếp theo của năm 2021 thì giải pháp về giảm 30% số thuế TNDN của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội đã mang lại hiệu quả hỗ trợ tích cực và được nhiều chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Kết quả thực hiện của năm 2020, việc thực hiện Nghị quyết số 116/2020/QH14 nêu trên, số tiền thuế TNDN được giảm khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng. Thống kê tình hình thực hiện, đã có gần 156,3 nghìn doanh nghiệp được giảm thuế năm 2020, chiếm khoảng 57% số doanh nghiệp có lãi phải nộp thuế năm 2020.

Theo đó, tại Tờ trình số 289/TTr-CP, Chính phủ đã đề xuất tiếp tục áp dụng việc giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020. Theo đánh giá sơ bộ, trên cơ sở kết quả thực hiện của năm 2020 và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, việc áp dụng giải pháp trên có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 6 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của các Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chính phủ đã hoàn chỉnh lại nội dung đề xuất để đảm bảo chính sách nhắm vào đúng đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước.

Cụ thể, bổ sung thêm điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 để đảm bảo đối tượng được giảm thuế thực sự bị khó khăn do tác động của dịch Covid-19; đồng thời, việc xác định tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 sẽ không áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2021. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỷ đồng.

Về giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu, theo các Luật về thuế hiện hành đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt,...) chưa có quy định việc giảm thuế trong trường hợp đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh (như dịch Covid-19). Thực tế cho thấy, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng đã phải chịu ảnh hưởng từ những khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Chính phủ đề xuất thay vì giảm 50% số thuế phải nộp của quý III và quý IV/2021 thì sẽ thực hiện miễn số thuế phải nộp của quý III và quý IV/2021 (tương đương với việc giảm 50% số thuế phải nộp của cả năm 2021 để tránh việc xử lý lại số thuế đã nộp của quý I và II rất phức tạp). Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Quỳnh Nga

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục