Ngân hàng Standard Chartered tổ chức tọa đàm về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2024 và chiến lược hành động Ra mắt Sách trắng Kinh tế Việt Nam Sắp diễn ra Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN |
Kết quả 2023 với tín hiệu lạc quan trong một năm đầy thử thách
Theo Báo cáo, dữ liệu do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố vào cuối năm ngoái (29/12/2023) cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã tăng lên 6,72% so với cùng kỳ trong Quý IV/2023, kéo dài đà tăng trong Quý III/2023 (5,33% so với cùng kỳ) và Quý II/2023 (4,14% so với cùng kỳ).
Kết quả này cũng vượt xa cuộc thăm dò của Bloomberg là 6,00%, nhưng thấp hơn một chút so với dự đoán của chúng tôi là 7,00%. “Đây là một tín hiệu lạc quan trong một năm đầy thử thách”, UOB đánh giá.
Động lực chính trong Quý IV/2023 được UOB ghi nhận là sự đảo chiều của cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu từ mức giảm so cùng kỳ bắt đầu từ gần một năm trước (kể từ tháng 11/2022) khi lập trường chính sách thắt chặt của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới và sự suy thoái trong nhu cầu ngành bán dẫn xảy ra đã tác động đến nhu cầu bên ngoài tại Việt Nam và các nơi khác.
“Điều này dẫn đến sự sụt giảm chưa từng có về sản lượng sản xuất trong Quý I/2023 (không kể đến Quý III/2021 do lệnh phong tỏa vì đại dịch Covid-19), tuy nhiên sau đó đã quay trở lại vùng tích cực trong các quý tiếp theo cùng với sự cải thiện trong hoạt động ngoại thương”, báo cáo nhận định.
Với tốc độ kinh tế phục hồi như hiện nay, Việt Nam sẽ có triển vọng tốt hơn trong năm 2024 |
Bên cạnh đó, UOB cho rằng, khu vực dịch vụ (chiếm 43% tỷ trọng GDP) đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng trong Quý IV/2023, trong khi khu vực công nghiệp (chiếm 35% tỷ trọng GDP) đã không còn giữ được vai trò truyền thống là động lực tăng trưởng chính, khi chỉ đóng góp một phần nhỏ vào mức tăng trưởng chung 6,72%.
Trong khi nhu cầu bên ngoài phục hồi vào cuối năm, xuất khẩu vẫn ghi nhận mức giảm cả năm là 4,3% và nhập khẩu giảm 9,1%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2009 khi thế giới bị cuốn vào hậu quả của Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. “Điểm tích cực là Việt Nam vẫn ghi nhận thặng dư thương mại năm thứ 8 liên tiếp với mức cao kỷ lục là 28 tỷ USD”, báo cáo chỉ rõ.
Tất cả các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, ngoại trừ “máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện”, đều giảm trong năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của phân khúc điện thoại di động giảm gần 8% vào năm 2023 trong khi xuất khẩu dệt may, giày dép, cùng nhiều mặt hàng khác, giảm hai con số trong năm.
Tuy vậy, xuất khẩu sang các thị trường lớn vẫn tiếp tục tăng trong năm 2023, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 97 tỷ USD trong năm so với 87,9 tỷ USD vào năm 2022 với thị phần 27,4%. Tiếp theo là Trung Quốc đạt 60,7 tỷ USD so với 55,1 tỷ USD vào năm 2022; thị phần 17% và Hàn Quốc đạt 23,4 tỷ USD so với 21,4 tỷ USD vào năm 2022. Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng xuất khẩu thêm 6% vào năm 2024, với thặng dư thương mại dự kiến sẽ kéo dài năm thứ 9 liên tiếp.
Đáng chú ý, bất chấp một năm khó khăn đối với cả các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và căng thẳng địa chính trị, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thực hiện (hoặc giải ngân) vào Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, dòng vốn FDI đăng ký vào năm 2023 đã tăng 32% lên 36,6 tỷ USD từ 27,7 tỷ USD vào năm 2022, gần bằng mức cao kỷ lục 38 tỷ USD vào năm 2019.
Theo UOB, các chỉ số này cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Bên cạnh đó, sự gia tăng cả dòng vốn FDI giải ngân thực tế và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong các quý tới, bao gồm cả xây dựng và việc làm. Hơn hết, sự khẳng định niềm tin và cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài đối với đất nước trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm thiểu rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay.
Ở khu vực trong nước, chi tiêu của người tiêu dùng đã ổn định vào nửa cuối năm 2023, với tổng doanh số bán lẻ tăng 9,6% so với tốc độ 19,8% vào năm 2022, do lệnh phong tỏa vì Covid-19 trong năm 2022 đã dẫn đến những biến động lớn trong hành vi chi tiêu. Chi tiêu bán lẻ liên quan đến du lịch tiếp tục là điểm sáng với mức tăng hai con số trong hầu hết năm 2023 khi lượng du khách đến đạt tổng cộng 12,6 triệu, tương đương khoảng 70% so với con số 18 triệu du khách vào năm 2019. Với đà tăng của lượng du khách đến từ nhiều nguồn chính khác nhau, nhiều khả năng lượng du khách năm nay sẽ vượt mức cao điểm của năm 2019.
Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam được giữ ổn định ở mức 3,25% so với cùng kỳ năm 2023, đạt mục tiêu chính thức đề ra, so với mức 3,15% vào năm 2022. Đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam bắt đầu tăng tốc từ giữa năm 2023 lên khoảng 3,0%, mặc dù được tính toán dựa trên mức giá cơ sở cao hơn nhiều vào năm 2022.
Những điều này cho thấy mức độ “liên kết” của chỉ số CPI, có nghĩa là tỷ lệ lạm phát có thể vẫn là mối lo ngại trong những tháng tới, đặc biệt với mức tăng lương tối thiểu 6% dự kiến diễn ra từ tháng 7/2024, mức tăng lớn hơn một chút so với mức 5,88% vào tháng 7/2022. Việt Nam đã tăng mức lương tối thiểu lần lượt là 7,3%, 6,5% và 5,3% vào các năm 2017, 2018 và 2019.
Chi tiêu của người tiêu dùng đã ổn định vào nửa cuối năm 2023, với tổng doanh số bán lẻ tăng 9,6% |
Triển vọng tươi sáng hơn vào năm 2024
Theo báo cáo của UOB, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,05% vào năm 2023 do chịu sức ép từ nhu cầu bên ngoài bị suy yếu và trên nền cơ sở tăng cao trong năm trước. Trong năm tới, vẫn còn nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới, những tranh chấp địa chính trị giữa các cường quốc và môi trường lãi suất cao.
Xung đột quanh khu vực Biển Đỏ - chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hàng năm - đã khiến các công ty vận tải toàn cầu phải định tuyến lại quanh Mũi Hảo Vọng, do đó kéo dài hành trình, gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển, làm cho chi phí giao hàng cao hơn và sự gián đoạn trong mạng lưới vận chuyển. Điều này sẽ gây tổn hại không chỉ cho người tiêu dùng và người sử dụng cuối cùng, mà cả các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, vì các đơn đặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và chi phí cao hơn, và do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Một yếu tố khác cần xem xét là việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE), có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Chính phủ Việt Nam ước tính rằng 122 công ty nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này, với mức tăng doanh thu thuế hàng năm là 14,6 nghìn tỷ đồng (601 triệu USD) cho nhà nước.
Vấn đề quan trọng hơn là các ưu đãi thuế khác nhau như thuế suất ưu đãi, miễn thuế, cùng nhiều ưu đãi khác dành cho các MNE đã giúp giảm thuế suất doanh nghiệp xuống 20%. Với sự thay đổi hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các MNE sẽ cần tính đến chi phí thuế cao hơn trong kế hoạch kinh doanh trong tương lai của mình. Điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp để bù đắp GMT, chẳng hạn như giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến đầu tư.
“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như sự chuyển dịch chuỗi cung ứng phần lớn có lợi cho Việt Nam và các nước ASEAN khác. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho năm 2024, nằm trong mục tiêu chính thức là 6,0-6,5%. Chúng tôi dự đoán áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng, với dự báo CPI sẽ tiếp tục tăng ở mức 3,7% vào năm 2024, từ mức 3,25% vào năm 2023”, UOB nhận định.
Về chính sách tiền tệ, UOB đánh giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước tình trạng suy thoái kinh tế và những thách thức với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp nhanh chóng. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6 năm 2023 khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%.
“Tuy nhiên, với tốc độ hoạt động kinh tế đang phục hồi và triển vọng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất hơn nữa đã giảm đi. Vì vậy, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%”, UOB nêu quan điểm.
Thay vì tiếp tục hạ lãi suất vì sẽ bị hạn chế bởi giới hạn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Một trong số đó là gia tăng sự chú trọng vào việc đưa tín dụng đến với người đi vay (tức là các biện pháp định lượng).
Theo UOB, một dấu hiệu nữa là việc sửa đổi gần đây của Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật sửa đổi tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, bao gồm các khoản vay không lãi suất và các khoản vay không cần thế chấp, từ đó có thể hướng tới các mục tiêu chính sách cụ thể cho phép hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và để triển khai hoạt động thanh khoản khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn như các trường hợp rút tiền hàng loạt tại ngân hàng. Điều này phản ánh cam kết và các phương tiện của chính phủ trong việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
“Vào năm 2023, tín dụng ngân hàng đã tăng 13,5% so với cùng kỳ, thấp hơn một chút so với mục tiêu 14-15% đặt ra cho năm, do cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cho vay và cải thiện khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng của doanh nghiệp. Đến năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 15% với khả năng điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong năm”, UOB nhận định.
Duy Minh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|