Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng dẫn đầu ASEAN trong năm nay

(Banker.vn) Các tổ chức uy tín trên thế giới dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam có thể đứng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa để “kích” tăng trưởng GDP Nhiều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 cao nhất chỉ ở mức 6%
Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng dẫn đầu ASEAN trong năm nay
Năm 2023 sẽ có nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Ảnh: Nam Khánh

Nền kinh tế đối mặt với nhiều "cơn gió nghịch"

Ban Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa phát đi những dự báo mới nhất về nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã bị chững lại do các "cơn gió nghịch" vào cuối năm trước và nửa đầu năm nay. IMF dự báo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ tới từ xuất khẩu phục hồi trở lại và các chính sách nới lỏng (đặc biệt là chính sách tài khoá). Dự kiến lạm phát vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5%. Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng cao về trung hạn với sự hỗ trợ của các cải cách cơ cấu.

Các Giám đốc Điều hành nhất trí hoan nghênh nhiều cơ quan chức năng Việt Nam đã hành động nhanh chóng để duy trì ổn định nền kinh tế khi phải đối mặt với nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. Dù vậy, rủi ro vẫn gia tăng và cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ sự ổn định tài chính vĩ mô và thúc đẩy cải cách sâu rộng. Từ đó giải quyết những yếu tố dễ bị tổn thương, đảm bảo tăng trưởng xanh, mạnh mẽ và bao trùm trong trung hạn.

Bên cạnh đó, do dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ bị hạn chế nên chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế nếu cần thiết. IMF khuyến nghị cần củng cố khuôn khổ tài khoá, quy trình lập ngân sách và tăng thu ngân sách trong trung hạn để hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đầy tham vọng.

IMF hoan nghênh các cơ quan chức năng đã kiểm soát hiệu quả rủi ro lạm phát, nhưng nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ cần tiếp tục thận trọng trong bối cảnh phức tạp và dư địa chính sách còn hạn chế. Đồng thời đánh giá cao tỷ giá linh hoạt và khuyến khích tiếp tục đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực này cùng với hiện đại hoá khuôn khổ chính sách tiền tệ.

Tăng trưởng GDP sẽ vẫn lạc quan

Nhận thấy năm 2023 sẽ có nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam, các chuyên gia từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng vừa dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,8%, giảm nhẹ so với hồi tháng 4.2023. Tuy nhiên, ADB cho rằng mức tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn đứng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Sang đến năm 2024, với dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 6%, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Philippines (6,2%). Dự báo lạm phát cũng giảm xuống, có thể ở mức 3,8% năm 2023 và 4% năm 2024.

Trong báo cáo gần nhất, Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan - Pyn Elite Fund nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Quỹ kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức 5 - 7% hàng năm trong thời gian tới. Mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm của các công ty niêm yết sẽ duy trì ở mức 12 - 25%...

Riêng về tỷ giá, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB - ông Nguyễn Bá Hùng đánh giá Ngân hàng Nhà nước đang điều hành linh hoạt, nới rộng biên độ, các biến động tỷ giá nằm trong biên độ đặt ra từ trước. Vì thế nên Ngân hàng Nhà nước chưa gặp khó khăn về chính sách với tỷ giá. Trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu, sự phối hợp về chính sách có thể giúp kinh tế phục hồi một cách hiệu quả. Trong ngắn hạn, cần thực hiện chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng.

“Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả”- chuyên gia kinh tế trưởng của ADB - ông Nguyễn Bá Hùng đánh giá.

Lao Động

Theo: Báo Công Thương