Kinh tế Việt Nam 2024: Góc nhìn từ các tổ chức và định chế tài chính quốc tế

(Banker.vn) Với tăng trưởng ở mức cao trên thế giới và trong khu vực, định chế tài chính quốc tế đánh giá cao khả năng thực hiện mục tiêu của Việt Nam trong năm 2024.
Tăng trưởng kinh tế năm 2024: Cơ hội từ những chính sách được thực thi Chuyên giá kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Năm 2024 và 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế

5,05% là mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023. Con số này cao hơn gấp 1,5 lần so với mức tăng 2,9 của kinh tế toàn cầu và cũng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng chưa tới 1% của EU. Trong khu vực Asean, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đứng sau Philippin.

Với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã đạt được mục tiêu ở hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng vĩ mô của năm 2023. Đơn cử: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%; khu vực công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02%, đóng góp 1,0 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, với giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82%, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020-2021. Xuất nhập khẩu đạt kim ngạch 683 tỷ USD và là năm thứ 8 Việt Nam xuất siêu với gần 27 tỷ USD; CPI tăng 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Về kết quả của kinh tế của Việt Nam trong năm 2023, Giám đốc ADB tại Việt Nam ông Shantanu Chakraborty đánh giá cao công tác điều hành vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái, đồng thời cho biết ADB sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam trong những năm tới trong việc đối thoại, tư vấn chính sách…

Theo ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của quỹ đầu tư AFC Vietnam Fund, những tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đã nhen nhóm từ đầu quý 3 và phục hồi tốt hơn từ tháng 9. Bên cạnh đó sự hồi phục mạnh mẽ của du lịch cũng có tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm qua.

Khái quát bức tranh kinh tế Việt Nam với những thành tựu đạt được, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Andrea Coppola cho rằng, bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương đối nhanh. Rõ nét là giai đoạn cuối năm 2023, chúng ta đã thấy có dấu hiệu phục hồi kinh tế với đầu tư công tăng khoảng 35% so với năm trước, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Phân tích cụ thể hơn, ông Andrea Coppola chỉ ra rằng sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, nhất là những tháng cuối năm, được hỗ trợ nhiều bởi sự hồi phục của các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; sự đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ và tiêu dùng trong nước cũng phục hồi tốt với sự tăng trưởng của doanh số bán lẻ, một chỉ số nói lên tiêu dùng cá nhân, ổn định ở mức khoảng 7,5% kể từ tháng 8/2023.

Năm 2024, Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%; Tốc độ tăng CPI bình quân 4-4,5%.

Kinh tế Việt Nam 2024: Góc nhìn từ các tổ chức và định chế tài chính quốc tế
Xuất khẩu được kỳ vọng là động lực lớn của Việt Nam trong đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 2024

Từ những kết quả của Việt Nam đã đạt được trong năm qua, các tổ chức quốc tế và các định chế tài chính đều có đánh giá đầy tin tưởng về một năm kinh tế Việt Nam 2024 sẽ có bứt phá. Chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, ông Jonathan Pincus nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 trên 6% của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Lý giải cho đánh giá này, ông Jonathan Pincus cho rằng xuất khẩu vẫn là động lực chính của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 thông qua những yếu tố về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, thiết bị máy tính. Từ đó, chúng ta có thể kỳ vọng xuất khẩu tăng cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, dự báo thương mại toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt 2,5-3% thì sẽ có tác động tích cực đến sản xuất hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng quan điểm tin tưởng về sự hồi phục của xuất khẩu sẽ là động lực tác động và lan tỏa cho việc đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng của năm 2024, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của quỹ đầu tư AFC Vietnam Fund, phân tích: GDP của Việt Nam có thể đạt 5,5-6% trong năm 2024. Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2024 tiếp tục là sự cải thiện của công nghiệp khi xuất khẩu hồi phục và tăng trưởng dương trở lại. Tiếp theo đó là đầu tư công, du lịch và tiêu dùng nội địa hồi phục.

Ở một góc nhìn khác, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, ông Andrea Coppola cho rằng, nhu cầu xuất khẩu đối với hàng Việt Nam từ các thị trường nhập khẩu sẽ phục hồi vào năm 2024, nhưng nhìn chung bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất định, thách thức. Vì thế, để đạt được các mục tiêu vĩ mô, theo ông Andrea Coppola, Việt Nam cần giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài và ngày càng tận dụng sức mạnh nội tại và năng suất trong nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vị chuyên gia này khuyến nghị rằng, để hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa, Việt Nam cần đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và nâng cao năng suất.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Shantanu Chakraborty: ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam vào năm 2024 ở mức 6%, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN trong bối cảnh nền kinh tế của các đối tác thương mại chính của Việt Nam tăng trưởng tốt.

Để giải quyết những thách thức trong năm 2024, Việt Nam cần đảm bảo lợi thế cạnh tranh với tư cách là "nam châm" thu hút vốn FDI; Cần nâng cấp sản phẩm và dịch vụ cũng như hướng tới nhóm sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, cần đề ra biện pháp để tiêu dùng trong nước trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính, giúp nền kinh tế chống lại rủi ro trước những thách thức mang tính toàn cầu.

Duy Minh

Theo: Báo Công Thương