Kinh tế từng bước phục hồi

(Banker.vn) Bức tranh kinh tế 11 tháng có nhiều điểm sáng, tạo động lực cho tăng trưởng GDP năm 2022. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng trong năm tới.

Năm 2021, kinh tế Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động, nhiều lao động không có việc làm. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế 11 tháng vẫn có những điểm sáng được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao.

Cụ thể, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 11 tháng đầu năm vẫn đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được 12,78 tỷ USD vốn FDI, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3% của năm 2020 – năm mà Việt Nam không chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa gặp khó khăn về nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, phí vận chuyển và logistics tăng cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng vẫn tăng so với cùng kỳ 2020. Cùng với đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất ước tính đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Đây là nhóm hàng dùng trong sản xuất, tạo tăng trưởng cho nền kinh tế.

Mặc dù có nhiều tín hiệu khá tích cực, song nhiều ý kiến cũng cho rằng, bức tranh kinh tế năm 2021 vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục, như: Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng chậm, đạt 73,8% kế hoạch, giảm 8,7% so với cùng kỳ 2020. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu ấn tượng với 299,67 tỷ USD, nhưng kim ngạch của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 79 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 11,1% so với mức tăng 20% của khu vực FDI.

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 dự báo ở mức thấp so với mục tiêu 4%, tuy vậy, áp lực lạm phát cao của năm 2022 đối với kinh tế nước ta đang hiện hữu do giá nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ thế giới tăng cao. Đồng thời, các gói kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cũng tạo sức ép lớn cho lạm phát năm 2022. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp với những biến chủng mới, đặt nền kinh tế năm 2022 đứng trước rất nhiều thách thức.

Trước bối cảnh trên, để tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước mắt Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thành tiêm vắc-xin cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng để sớm đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng. Trong đó, cần ưu tiên cho lực lượng lao động của khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để hai khu vực sản xuất này sớm quay lại sản xuất, kinh doanh. Kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nên chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Tập trung nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến khu vực đầu tư tư nhân và khu vực FDI…

Ông NGUYỄN BÍCH LÂM - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Những điểm sáng về xuất nhập khẩu, đầu tư và thương mại 11 tháng đầu năm phản ánh nền kinh tế đang từng bước phục hồi, là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các năm tới.

Nguyễn Hòa

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương