Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố ngày 17/01 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2,9% trong quý IV so với cùng kỳ năm trước đó, chậm hơn mức 3,9% của quý III. Mức tăng trưởng này vẫn hơn so với mức 0,4% của quý II và kỳ vọng của thị trường, tăng 1,8%.
Tính trên cơ sở hàng quý thì GDP quý IV không tăng, chỉ ở mức 0,0%, so với mức tăng trưởng 3,9% trong quý III.
GDP năm 2022 tăng 3,0%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu chính thức là "khoảng 5,5%" và giảm mạnh so với mức tăng trưởng 8,4% vào năm 2021. Nếu không tính mức tăng 2,2% sau đợt tấn công đầu tiên của COVID-19 vào năm 2020, đây là mức tồi tệ nhất kể từ năm 1976.
Các chỉ số khác của tháng 12 như doanh số bán lẻ và sản lượng sản xuất cũng được công bố cùng với dữ liệu GDP vượt kỳ vọng nhưng vẫn ở mức yếu.
Louise Loo, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics cho biết: “Dữ liệu hoạt động trong tháng 12 gây bất ngờ về xu hướng tăng nhưng vẫn yếu, đặc biệt là ở các phân khúc về phía cầu như chi tiêu bán lẻ”.
Chuyên gia này cho biết thêm: “Dữ liệu cho đến nay ủng hộ quan điểm lâu nay của chúng tôi rằng việc thúc đẩy mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ hơi yếu lúc ban đầu, với chi tiêu của người tiêu dùng là yếu tố gây chậm trễ chính trong giai đoạn đầu”.
Hao Zhou, kinh tế trưởng tại GTJAI, mong đợi sự cải thiện ổn định trong tiêu dùng và đầu tư, được củng cố bởi việc mở cửa trở lại và đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, tăng trưởng có khả năng phục hồi lên 4,9% vào năm 2023, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc chuyển sang giải quyết một số lực cản chính đối với tăng trưởng - chính sách "Zero COVID" và sự suy thoái nghiêm trọng của lĩnh vực bất động sản. Hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng từ quý II/2023.
Sự phục hồi mạnh mẽ ở Trung Quốc có thể làm giảm bớt suy thoái kinh tế toàn cầu dự kiến, tuy nhiên bất kỳ sự phục hồi mạnh mẽ nào của quốc gia này cũng có thể gây ra nhiều vấn đề đau đầu về lạm phát trên toàn thế giới ngay khi các nhà hoạch định chính sách bắt đầu xử lý các đợt tăng giá kỷ lục.
Dữ liệu của NBS cho thấy đầu tư vào bất động sản của Trung Quốc đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm đầu tiên kể từ năm 1999 và doanh số bán bất động sản giảm mạnh nhất kể từ năm 1992, cho thấy các biện pháp hỗ trợ của chính phủ cho đến nay có tác động rất ít.
Các nhà chức trách đã đưa ra một loạt các chính sách hỗ trợ nhắm vào người mua nhà và các nhà phát triển bất động sản trong những tuần gần đây, để giảm bớt tình trạng siết chặt thanh khoản kéo dài đã ảnh hưởng đến các nhà phát triển bất động sản và làm chậm tiến độ hoàn thành nhiều dự án nhà ở.
Một vấn đề đau đầu khác của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này là, dân số Trung Quốc năm 2022 lần đầu tiên giảm kể từ năm 1961, một bước ngoặt lịch sử dự kiến sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ dài sụt giảm số lượng công dân và chứng kiến Ấn Độ trở thành quốc gia có đông dân nhất thế giới.
Việc Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ các biện pháp hạn chế COVID-19 vào tháng trước đã khiến các nhà phân tích nâng cấp triển vọng kinh tế và chứng kiến mức tăng vọt trên thị trường tài chính Trung Quốc, tuy nhiên các doanh nghiệp đã phải vật lộn với tình trạng lây nhiễm gia tăng, cho thấy sự phục hồi sẽ còn khó khăn trong thời gian tới.
Sản lượng sản xuất tăng 1,3% trong tháng 12 so với một năm trước đó, chậm lại so với mức tăng 2,2% trong tháng 11, trong khi doanh số bán lẻ, thước đo tiêu dùng chính, giảm 1,8% trong tháng 12, nối dài mức giảm 5,9% của tháng 11.
Qingjie Xia, giáo sư tại khoa kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống COVID-19, có rất nhiều động lực trở lại bình thường hóa, vì vậy có lẽ đó là lý do tại sao các số liệu cao hơn dự kiến”.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết ưu tiên mở rộng tiêu dùng để hỗ trợ nhu cầu trong nước trong năm nay, khi các nhà xuất khẩu địa phương đang gặp khó khăn trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tại cuộc họp vào tháng 12, các nhà lãnh đạo hàng đầu đã cam kết tập trung vào việc ổn định nền kinh tế trong năm 2023 và tăng cường hỗ trợ chính sách để đảm bảo đạt được các mục tiêu chính.
Các nguồn tin chính sách cho biết Trung Quốc có thể đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 5% năm 2023 để hạn chế thất nghiệp.
Ngân hàng trung ương dự kiến sẽ dần nới lỏng chính sách trong năm nay, bơm thêm thanh khoản và giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp, trong khi chính quyền địa phương có thể sẽ phát hành thêm trái phiếu nợ để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Vân Anh -
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|