Kinh tế thế giới đối mặt với rủi ro tăng trưởng thấp, lạm phát gia tăng

(Banker.vn) Giá cả tăng cao và lan rộng cùng với áp lực lạm phát dai dẳng đã buộc Ngân hàng Trung ương (NHTW) tại nhiều nước phải thắt chặt tiền tệ, rủi ro kinh tế tăng cao và việc cân bằng chính sách trở thành thách thức chưa từng có trong lịch sử.

Sau hai năm chìm trong đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của nhiều biến thể virus nguy hiểm, kinh tế toàn cầu được kỳ vọng bắt đầu phục hồi từ quý II/2022. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã cản trở tiến trình phục hồi kinh tế, GDP toàn cầu được dự báo sẽ chỉ tăng 3,6% trong năm 2022 và 2023. Lạm phát năm 2022 sẽ tăng 5,7% tại các nước phát triển (AEs) và 8,7% tại các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs), lần lượt cao hơn 1,8% và 2,8% so với dự báo đưa ra hồi tháng 01/2022. Xung đột vũ trang bổ sung thêm các cú sốc cung ứng, vốn đã giáng lên nền kinh tế toàn cầu trong thời kỳ đại dịch COVID-19, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trong khu vực năng lượng và nông nghiệp. Thông qua các mối liên kết cung ứng chặt chẽ, rối loạn sản xuất tại một nước sẽ nhanh chóng lan truyền trên phạm vi toàn cầu. Tình hình kinh tế có thể xấu đi đáng kể, cuộc xung đột vũ trang có thể trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối cung - cầu. Nếu giá cả tiếp tục leo thang, lạm phát cao có thể kéo dài. Cùng với đó, chiến lược zero COVID của Trung Quốc đã kìm hãm các hoạt động kinh tế tại quốc gia này và gây ra những tắc nghẽn mới trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá cả tăng cao và lan rộng cùng với áp lực lạm phát dai dẳng đã buộc Ngân hàng Trung ương (NHTW) tại nhiều nước phải thắt chặt tiền tệ, rủi ro kinh tế tăng cao và việc cân bằng chính sách trở thành thách thức chưa từng có trong lịch sử.

Lạm phát tiếp tục gia tăng và còn kéo dài

Trước xung đột Nga - Ukraine, lạm phát đã tăng tốc tại nhiều quốc gia, do giá cả hàng hóa leo thang và tình trạng mất cân đối cung cầu bắt nguồn từ đại dịch. Một số NHTW, bao gồm Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và NHTW các nước Mỹ Latinh trước áp lực lạm phát đã phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Tại nhiều nước, lạm phát bắt đầu trở thành mối lo ngại lớn, tại một số AEs, như Mỹ và một số nước châu Âu, lạm phát tăng lên mức kỷ lục trong hơn 40 năm qua. Rủi ro sẽ tăng cao, nếu lạm phát kỳ vọng chệch hướng khỏi lạm phát mục tiêu, buộc các NHTW phải đẩy nhanh tiến độ thắt chặt tiền tệ.

Ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, dòng vốn đào thoát khỏi EMDEs tăng cao, điều kiện tài chính trở nên khó khăn, nhất là đối với khách hàng rủi ro và các nước nhập khẩu hàng hóa, gây áp lực phá giá đối với những đồng bản tệ có mức độ rủi ro khá cao. Cho đến nay, mọi thứ vẫn diễn ra một cách trật tự, nhưng nhiều nước mới nổi có thể vấp phải khó khăn, nếu các nước tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thắt chặt tiền tệ (nhất là tại Mỹ), và thị trường cấp tập định giá lại tài sản, cản trở triển vọng kinh tế toàn cầu. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung do chiến sự gây ra sẽ phóng đại những áp lực này, nhất là thông qua giá năng lượng, kim loại, và thực phẩm. Mặc dù mức độ tắc nghẽn được kỳ vọng sẽ giảm nhẹ khi hoạt động sản xuất thích ứng với mức giá cao và bắt đầu phục hồi trở lại, tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ kéo dài sang năm 2023. Hậu quả là, lạm phát được dự báo sẽ tăng cao và kéo dài, cả tại AEs và EMDEs.

Về năng lực tài khóa, dư địa chính sách tại nhiều nước bị xói mòn do phải trang trải chi tiêu liên quan đến COVID-19. Nợ nần đã tăng đáng kể, và các nước sẽ rút dần chính sách hỗ trợ tài khóa đặc biệt ngay trong năm 2022-2023. Chiến sự và mặt bằng lãi suất tăng cao trên toàn cầu trong thời gian tới đây sẽ tiếp tục thu hẹp dư địa tại khóa tại nhiều quốc gia, nhất là đối với EMDEs phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu.

Rủi ro gia tăng do chiến sự sẽ chia tách kinh tế thế giới thành những khu vực địa chính trị với sự khác biệt về tiêu chuẩn công nghệ, hệ thống thanh toán qua biên giới, và đồng tiền dự trữ. Sự chuyển dịch này sẽ làm tăng chi phí điều chỉnh và gây thiệt hại lâu dài khi định hình lại các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất, đây là thách thức chủ yếu đối với khung khổ luật pháp về các mối quan hệ kinh tế và quốc tế hình thành trong 70 năm qua. 

Trong năm 2023, lạm phát được dự báo tăng 2,5% tại AEs và tăng 6,5% tại EMDEs. Cùng với bất ổn kinh tế, lạm phát còn diễn biến khó lường. Trong đó, những yếu tố cơ bản chi phối triển vọng lạm phát bao gồm:

- Xung đột tại Ukraine tiếp thêm động lực tăng giá cả hàng hóa vốn đang ở mức cao. Năm 2021, năng lượng và thực phẩm là yếu tố chủ yếu chi phối lạm phát với sự khác biệt giữa các khu vực trên thế giới. Giá dầu và khí tự nhiên leo thang phản ánh xu hướng cắt giảm nhiên liệu hóa thạch do đầu tư trầm lắng trong nhiều năm trước đó và bất ổn địa chính trị, đây là yếu tố chủ yếu dẫn đến lạm phát cao tại châu Âu và Mỹ. Tại hầu hết EMDEs, giá thực phẩm tăng cao cũng đóng vai trò đáng kể, do thời tiết xấu dẫn đến thất thu và giá dầu khí ở mức cao đã kéo theo chi phí phân bón tăng cao. Tác động bắt nguồn từ lạm phát giá thực phẩm có sự khác biệt đáng kể tùy thuộc vào thói quen ăn uống và tiêu dùng hàng ngày. Trong đó, người dân tại các nước thu nhập thấp tại cận Sahara châu Phi bị tổn thương nhiều nhất, do bột mỳ và các loại ngũ cốc chiếm tỷ trọng lớn trong bữa ăn hàng ngày. Biến động giá thực phẩm toàn cầu cũng gây tác động tương tự đến một số nước mới nổi tại Trung Đông và Trung Á. Xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Belarus sẽ bổ trợ những tác động này, gây rối loạn nguồn cung thực phẩm và yếu tố đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tại châu Á, giá gạo giảm đã góp phần giảm bớt chi phí tiêu dùng tại các nước thu nhập thấp. Xu hướng tăng giá cả hàng hóa sẽ kéo dài trong năm 2022, sau đó sẽ giảm phần nào từ năm 2023. Giá dầu khí giao sau sẽ tăng nhanh trong năm nay (lần lượt tăng 55% và 147%), trước khi hạ nhiệt trong năm 2023 nhờ nguồn cung thay đổi. Tương tự, lạm phát giá thực phẩm sẽ tăng vững trong năm nay, trước khi giảm nhẹ trong năm 2023.

- Mất cân đối cung cầu. Trong năm 2021, nhu cầu phục hồi mạnh (một phần là nhờ chính sách hỗ trợ). Trong khi đó, nguồn cung thiếu hụt trầm trọng. Trong năm 2022, nhu cầu được kỳ vọng sẽ giảm nhẹ do kinh tế phục hồi chậm và các nước rút dần các gói hỗ trợ chính sách. Vì thế, lạm phát lõi tại hầu hết các nước sẽ vượt mức lạm phát trước đại dịch. Mặc dù tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ được khắc phục dần nhờ hoạt động sản xuất thích ứng với mức giá cao, kinh tế Trung Quốc tăng chậm (do chiến lược zero COVID), xung đột tại Ukraine, và các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ tiếp tục gây rối loạn một số khu vực kinh tế trong năm 2023, có thể trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt năng lượng và các yếu tố đầu vào trong sản xuất.

- Tái cân bằng nhu cầu từ hàng hóa sang dịch vụ. Do các biện pháp giãn cách để đối phó với COVID-19, dịch vụ cá nhân bị rối loạn và sụt giảm mạnh. Sau khi khống chế được đại dịch, nhu cầu về dịch vụ sẽ tăng trở lại.

- Khả năng cung ứng lao động hạn chế và được dự báo là sẽ chỉ tăng khiêm tốn.

Những yếu tố trên đây có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn so với dự báo, và dự báo lạm phát phụ thuộc vào những bất ổn này, chủ yếu liên quan đến tình hình tại Nga và Ukraine, đại dịch, và tác động của lạm phát đến các yếu tố đầu vào trong sản xuất.

Lãi suất và nợ nần tăng cao

Đây là vấn đề đặt ra đối với EMDEs. Xu hướng tăng lãi suất đã hình thành từ trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, gây áp lực lên khách hàng vay vốn tại một số EMDEs. Cho tới nay, thị trường có sự khác biệt giữa những nước liên quan trực tiếp và gián tiếp với xung đột Nga - Ukraine. Trong đó, mức tín nhiệm của Belarus, Nga, và Ukraine đã giảm sâu, ở mức độ thấp hơn là các nước trong khu vực, như Ba Lan, Hungary. Thực tế trước đây cho thấy, lãi suất tăng cao tại AEs sẽ khiến điều kiện vay vốn đối với EMDEs trở nên khắt khe hơn. Đại dịch đã buộc các nước phải đẩy mạnh chi tiêu, trong khi nguồn cung sụt giảm mạnh. Gánh nặng nợ nần vì thế đã tăng cao lên mức kỷ lục, gây tổn thương cho nhiều nước, nhất là EMDEs. Trong năm 2021, nợ trung bình tại các nước thu nhập trung bình đã chạm ngưỡng 60% GDP, tăng khoảng 40% so với năm 2013. Đối với các nước thu nhập thấp, nợ trung bình đã tăng gấp đôi so với năm 2013. Do chi phí vay nợ tăng cao, thanh toán lãi suất sẽ tăng đáng kể, ảnh hưởng đến khả năng hoàn trả nợ vay.

Rút kinh nghiệm từ những cuộc khủng hoảng trước đây, dự trữ ngoại hối của các nước mới nổi nhìn chung vẫn dồi dào, tăng đáng kể so với năm khó khăn 2013 và chu kỳ thắt chặt tài chính năm 2018. Tại các nước thu nhập thấp, tỷ trọng dự trữ ngoại hối so với nhập khẩu ghi nhận mức tăng cao nhất, một phần là nhờ nguồn dự trữ phân bổ theo Quyền Rút vốn đặc biệt từ IMF. Tuy nhiên, khi so sánh với dịch vụ nợ nước ngoài, dự trữ ngoại hối trong thập kỷ qua tăng rất ít tại các nước thu nhập trung bình chỉ và sụt giảm mạnh tại các nước thu nhập thấp.

Các EMDE bước vào chu kỳ thắt chặt tài chính lần này với sự khác biệt rất lớn về gánh nặng nợ nần. Khoảng 60% số nước thu nhập thấp gặp khó khăn về nợ nần hoặc rủi ro nợ nần tăng cao. Trong giai đoạn này, kinh tế Trung Quốc và một số nước mới nổi khác tăng chậm (trái với trước đây là tăng cao trong giai đoạn trung hạn, tạo thuận lợi cho những EMDE khác). Hiện nay, căng thẳng địa chính trị khiến tình hình tài chính toàn cầu trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, lạm phát cao có thể dẫn đến rối loạn xã hội. Những yếu tố này tăng thêm mức độ rủi ro về tài sản của EMDEs.

Thương mại toàn cầu tăng chậm, giảm từ mức tăng trưởng 10,1% trong năm 2021 xuống 5% trong năm 2022 và 4,4% trong năm 2023. Trong giai đoạn trung hạn, thương mại toàn cầu có thể giảm xuống mức tăng trưởng 3,5%.

Giải pháp duy trì phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tác động của xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt đến kinh tế toàn cầu sẽ tùy thuộc vào chính sách tại những quốc gia liên quan trực tiếp, các quyết định tăng sản lượng dầu khí hay giải phóng kho dự trữ có thể góp phần giảm nhẹ áp lực giá cả, các gói hỗ trợ tài khóa bổ sung tại châu Âu sẽ bù đắp phần nào mức độ suy giảm nhu cầu. Ngoài ra, đối sách của các NHTW (nhất là tại những nền kinh tế lớn) cũng sẽ định hình tác động kinh tế của chiến tranh, nhiều NHTW sẽ cân nhắc giữa tăng lạm phát và hoạt động kinh tế yếu ớt.

Mặc dù các nỗ lực nhằm sớm chấm dứt xung đột sẽ củng cố niềm tin, giảm bớt áp lực lên thị trường hàng hóa, và giảm dần tình trạng tắc nghẽn nguồn cung, song GDP toàn cầu có thể sẽ tiếp tục tăng chậm và lạm phát tăng cao hơn kỳ vọng. Về tổng thể, rủi ro sẽ tăng cao và mở rộng hơn so với trước đại dịch. Những rủi ro chính bao gồm: (i) Xung đột Nga - Ukraine sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu đi, gây tác động tiêu cực đến dự báo cả trên phương diện  trực tiếp và gián tiếp; (ii) Rối loạn xã hội tăng cao; (iii) Đại dịch tái bùng phát; (iv) Kinh tế Trung Quốc tăng chậm hơn so với dự báo; (v) Lạm phát kỳ vọng gia tăng trong giai đoạn trung hạn; (vi) Lãi suất tăng cao trầm trọng thêm khó khăn về nợ nần; (vii) Môi trường địa chính trị diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu đi; (viii) Biến đổi khí hậu trầm trọng hơn.

Trong bối cảnh lãi suất và chi phí tăng cao, chính sách tài khóa sẽ tùy thuộc vào mức độ thiệt hại do xung đột Nga - Ukraine gây ra, diễn biến đại dịch, và tiến trình phục hồi kinh tế. Sau các gói hỗ trợ tài chính quy mô lớn tại nhiều nước, nợ nần đã lập kỷ lục mới và lãi suất cao đã khiến các chính phủ phải  đối mặt với rủi ro chưa từng có từ trước đến nay. Yêu cầu củng cố tài khóa không ngăn cản các gói hỗ trợ của chính phủ dành cho người di tản, các hộ gia đình gặp khó khăn do giá cả tăng cao, và những đối tượng bị tổn thương do đại dịch. Cần tiếp tục mở rộng ưu tiên chi tiêu y tế và xã hội, xây dựng khung khổ rõ ràng về tài khóa trung hạn, nhằm ổn định nợ công, góp phần tạo thêm dư địa chính sách để hỗ trợ khi cần thiết. Nếu dư địa tài khóa cho phép, có thể mở rộng các biện pháp hỗ trợ tài chính, tùy thuộc vào mức độ suy giảm tổng cầu, nhưng phải tránh nguy cơ trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối cung cầu và áp lực giá cả. Nếu dư địa tài khóa hạn chế, chính phủ cần khắc phục khó khăn bằng cách tăng cường các nỗ lực củng cố tài khóa và ưu tiên những khoản chi tiêu cần thiết. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tỉnh táo trước những tổn thương bắt nguồn từ xu hướng tăng do lãi suất đối với khu vực tư nhân. 

Các nước cần tập trung các nỗ lực giảm thiểu tác động của xung đột Nga - Ukraine và COVID-19, đồng thời duy trì các mục tiêu dài hạn, bao gồm đào tạo lại lao động trong kỷ nguyên số và tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi thị trường lao động để đạt mục tiêu loại bỏ khí thải, nâng cao tính bền vững của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các nhà tạo lập chính sách cũng cần tăng cường các nỗ lực đảm bảo hệ thống tài chính toàn cầu hoạt động an toàn nhằm giúp các nước nghèo điều chỉnh chính sách khi lãi suất và lạm phát tăng cao. Đối với một số nước, cần hỗ trợ thanh khoản hợp lý để vượt qua khó khăn về nguồn vốn ngắn hạn. Đối với những nước khác, tái cơ cấu toàn diện nợ quốc gia là yêu cầu cần thiết, nhằm giải phóng các nguồn lực dành cho chi tiêu y tế, xã hội và phát triển. Cần quan tâm đặc biệt đến ổn định trật tự kinh tế toàn cầu, đảm bảo duy trì các biện pháp xóa đói giảm nghèo. 

Chuẩn bị cho phát triển kinh tế trong tương lai. Vượt qua những thách thức hiện nay do chiến sự và đại dịch gây ra, các nhà tạo lập chính sách cần chủ động và quan tâm đến những mục tiêu dài hạn. Cụ thể là, các chính phủ cần tận dụng lợi thế để thay đổi cơ cấu, bao gồm chuyển đổi số và đào tạo lại lao động để đáp ứng những thách thức bắt nguồn từ thay đổi này. Cải cách trợ giá nhiên liệu hóa thạch và định giá carbon cũng có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang sản xuất thân thiện môi trường. Ngoài ra, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng đòi hỏi phải bố trí lại thị trường lao động giữa các ngành nghề và khu vực.

Phối hợp đa phương vẫn là yêu cầu cần thiết để đạt những mục tiêu này, ưu tiên trước mắt là tìm kiếm giải pháp hòa bình để chấm dứt chiến sự tại Ukraine, ngăn ngừa xu hướng phân đoạn kinh tế, duy trì thanh khoản toàn cầu, quản lý nợ vay. Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, cần phối hợp các nỗ lực quốc gia trong việc ngăn ngừa rủi ro bắt nguồn từ thảm họa thời tiết. Ngoài ra, cần đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận vắc xin, góp phần kiềm chế virus, và xử lý những yêu cầu khác về y tế toàn cầu.

Khuyến nghị với các NHTW

Lạm phát tăng cao phản ánh tình trạng mất cân đối cung cầu do xu hướng phục hồi kinh tế trong năm 2021 và một phần do các gói hỗ trợ chính sách, một số tác nhân lạm phát đã vượt quá tầm kiểm soát của các NHTW. Trong đó, giá năng lượng và thực phẩm chi phối cú sốc cung ứng toàn cầu, bao gồm chiến sự tại Ukraine.

Đối với các nhà tạo lập chính sách, chiến sự tại Ukraine đã chất thêm khó khăn trong việc cân đối chính sách: giữa chống lạm phát và đảm bảo tiến trình phục hồi kinh tế, và giữa việc hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương với yêu cầu củng cố năng lực tài khóa. Điều này đòi hỏi các NHTW phải theo dõi chặt chẽ tác động của xu hướng tăng giá trên toàn cầu đối với kỳ vọng lạm phát trong nước, qua đó đưa ra biện pháp đối phó và thắt chặt tiền tệ một cách phù hợp để kiểm soát chu kỳ tác động của lạm phát đối với tiền lương và kỳ vọng lạm phát, tác động của tiền lương và kỳ vọng lạm phát đến xu hướng tăng lạm phát.

Các NHTW cần định kỳ thông báo rõ ràng về triển vọng chính sách và quan điểm tiền tệ dựa trên các dữ liệu thực tế. Việc truyền tải cú sốc chiến sự tại Ukraine có sự khác biệt giữa các quốc gia, tùy thuộc vào các mối liên kết thương mại và tài chính, rủi ro giá cả hàng hóa leo thang, và diễn biến lạm phát trước đó. Vì thế, việc lựa chọn chính sách đối phó thích hợp sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế tại mỗi quốc gia. Tại Mỹ, chiến sự tại Ukraine được dự báo chỉ trực tiếp tác động nhẹ, trong khi áp lực lạm phát tăng trên diện rộng, thị trường lao động tiếp tục thắt chặt, mức lương danh nghĩa tăng, vì vậy cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất.

Tại những quốc gia bị tác động trực tiếp của chiến sự và lạm phát tăng cao, nhất là tại châu Âu, thắt chặt tiền tệ là quyết định khó khăn. Trong những trường hợp này, tiến độ thắt chặt tiền tệ cần được xác định dựa trên mức độ trầm trọng của tác động đối ngược do chiến sự gây ra, và cần định hướng chính sách để sẵn sàng điều chỉnh quan điểm chính sách tiền tệ nhằm duy trì độ tin cậy của khung khổ lạm phát mục tiêu. Kỳ vọng lạm phát sẽ là tín hiệu quan trọng về độ tin cậy này, và phải bám sát dự báo dài hạn nhằm đảm bảo độ tin cậy của khung khổ chính sách.

Tại những quốc gia mà kỳ vọng lạm phát tăng quá cao, cần truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của ổn định lạm phát trong mục tiêu của NHTW, hỗ trợ chính sách đối phó tại những nơi cần thiết. Một số NHTW các nước mới nổi đã chủ động hành động để đón đầu áp lực tăng giá, trong khi những NHTW khác mới chuẩn bị bắt đầu. Tuy nhiên, khi NHTW các nước phát triển thắt chặt tiền tệ, nếu đồng tiền của quốc gia mới nổi nào đó bị mất giá thì có thể sẽ gây ra kỳ vọng lạm phát cao và khi đó bắt buộc phải tiếp tục tăng lãi suất.

Vấn đề chủ chốt trong trung hạn tại những quốc gia mà mặt bằng lãi suất sẽ ổn định sau đại dịch: Thậm chí với kỳ vọng tăng lãi suất chính sách dựa trên triển vọng lạm phát, lãi suất ngắn hạn có thể thực âm vào cuối năm 2022. Với lạm phát tăng cao trong nhiều thập kỷ qua tại Mỹ, Anh, và khu vực euro, câu hỏi đặt ra là phải tăng lãi suất chính sách đến mức nào để ổn định lạm phát. Trong quá khứ, phải thắt chặt tiền tệ trong thời gian khá dài để đưa lạm phát vào tầm kiểm soát.

Chuẩn bị cho tình huống thắt chặt tiền tệ và tác động lan tỏa từ bất ổn địa chính trị: Các cơ quan điều tiết cần sớm hành động và thắt chặt những công cụ lựa chọn về vĩ mô thận trọng để khắc phục những tổn thương lớn. Điều này quan trọng đặc biệt đối với việc thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang, làm tăng rủi ro tiềm tàng về định giá lại tài sản. Khách hàng vay vốn tại các nước mới nổi có thể giảm rủi ro ngắn hạn bằng cách gia hạn nợ vay nếu có thể và kiềm chế phát sinh sai lệch tiền tệ. Nhìn chung, tỷ giá linh hoạt có thể giúp hấp thụ các cú sốc. Tuy nhiên, tại những quốc gia có thị trường ngoại hối ngầm, dòng vốn đảo chiều đột ngột có thể đe dọa tính ổn định tài chính. Tại những quốc gia này, có thể cần tiến hành can thiệp ngoại hối để ổn định tình hình; trong bối cảnh khủng hoảng cận kề, có thể tiến hành các biện pháp tạm thời về quản lý dòng vốn - nhưng không thể thay thế yêu cầu về điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô. Nếu lạm phát có tín hiệu kéo dài trong trung hạn, các NHTW cần phản ứng nhanh hơn, bao gồm tăng lãi suất và xử lý nợ, nhất là tại EMDEs.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 10 năm 2022

Xuân Thanh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ