Tóm tắt: COVID-19 đã làm kinh tế thế giới có nhiều biến động sâu sắc. Chính phủ Việt Nam và cả hệ thống chính trị đang nỗ lực để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19. Trong khủng hoảng của kinh tế và giãn cách xã hội đó, ở khía cạnh khác, đây thực sự là cơ hội để nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo tiền đề, nền tảng quan trọng và cần thiết để phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Bài viết phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan đến kinh tế số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Digital economy in VietNam - bottlenecks to be solved and basic solutions for sustainable development
Abstract: COVID-19 has produced many dramatically changes in the world economy. Vietnamese government and its political system are making efforts to recover and develop the economy post COVID-19 pandemic. In that economic crisis and social distancing globally, on the other hand, this is a real opportunity to realize the advantages of the digital economy as well as the urgent need for digital transformation. National digital transformation will create a premise, an important and necessary foundation for the development of digital economy in Vietnam. The article analyzes, clarifies theoretical and practical issues related to digital economy of VietNam at current stage.
1. Mở đầu
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang là xu thế mang tính tất yếu khách quan trong quá trình phát triển của thế giới. Việc ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn, tối ưu hơn đã hình thành một nền kinh tế số không biên giới, mang lại giá trị lợi nhuận cao. Và nền kinh tế số là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hoà. Kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế, mà còn làm các nền kinh tế thay đổi phương thức sản xuất (nguồn lực, hạ tầng, cách thức vận hành sản xuất kinh doanh) và cấu trúc kinh tế. Đáng lưu ý là, bên cạnh các nguồn lực truyền thống xuất hiện nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, quyền lực tài chính đang dần chuyển sang quyền lực thông tin. Sức mạnh của một quốc gia được đo bằng sự phát triển của công nghệ cao, thông tin và trí tuệ con người cũng là tính tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề này, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW 1 đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh. Do vậy, trong thời gian tới, để tận dụng được những lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế số, việc nhận thức được những vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong quá trình bứt phá kinh tế số theo hướng bền vững là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
2. Nội dung
2.1. Nội hàm cơ bản của khái niệm kinh tế số
Với sự xuất hiện của CMCN 4.0, xu hướng số hóa thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Công nghệ số được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, quản trị... Kinh tế số đang dần trở thành chính bản thân nền kinh tế, nội hàm của kinh tế số cũng có những điểm tiệm cận với các nội hàm của khái niệm kinh tế.
Trong cuốn “The Digital Economy”2 (1995) của Don Tapscott, ông đã cho rằng, khái niệm kinh tế số được khởi nguồn vào tháng 11/1994 với sự kiện chíp Pentium, một trong những sản phẩm chiến lược của Intel bị công bố có lỗi vào ngày 30/10/1994 và mãi tới ngày 20/12/1994, Intel mới thừa nhận lỗi được phát hiện. Sự chậm hiểu về thị trường số và hạ thấp vấn đề đã đưa Intel tới một hậu quả đau đớn là phải thu hồi toàn bộ chíp Pentium của hãng. Don Tapscott nhận định câu chuyện về chip Pentium đánh dấu một bước ngoặt kinh tế mới, theo đó thị trường số (digital market) có sự khác biệt lớn so với thị trường truyền thống (physical market) ở một số khía cạnh: mua sắm so sánh không giới hạn, công ty có sản phẩm thực sự khác biệt hoặc hiệu năng giá cả tốt hơn sẽ nhanh chóng nổi lên, công ty không có sẽ thất bại. Trong các thị trường số, mọi công ty đều đứng ở cùng một ngã tư đường. Chính sự phát triển nhanh chóng và ứng dụng rộng rãi của Intenet vạn vật vào kinh doanh kéo theo việc hình thành và phát triển tốc độ cao của các hoạt động kinh tế liên quan, đã dẫn tới sự đa dạng và phong phú các định nghĩa về kinh tế số. Theo định nghĩa chung của nhóm cộng tác kinh tế số thuộc Đại học Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet”3. Ở một khía cạnh khác, kinh tế số đôi khi cũng được gọi là kinh tế internet (internet economy), kinh tế mới (new economy) hoặc kinh tế mạng (web economy). Cho tới nay, các nhà nghiên cứu có cùng nhận định là chưa có một định nghĩa được đồng thuận về kinh tế số. Theo quan điểm của người viết, kinh tế số là một phần của nền kinh tế, trong đó lấy việc ứng dụng, sử dụng công nghệ số, dữ liệu số làm nền tảng trong toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, hướng đến nâng cao hiệu quả, năng suất trong lao động và kinh doanh.
2.2. Tổng quan quan điểm của Đảng và Nhà nước về kinh tế số
Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nền kinh tế số đối với quá trình phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, giải pháp có liên quan đến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số. Có thể kể đến Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về vấn đề này như: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Tháng 8/2018, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập do Thủ tướng trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban. Ngoài ra, nhiều qui định liên quan đến kinh tế số cũng thể hiện trong các luật liên quan như: Luật Giao dịch điện tử (2005), Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật Tần số vô tuyến điện (2009), Luật An ninh mạng (2018).
Trong tầm nhìn chiến lược dài hạn, Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đề ra nhiệm vụ tận dụng CMCN 4.0 và kinh tế số để đạt mục tiêu thoát “bẫy thu nhập trung bình”, phát triển bền vững, đưa Việt Nam vào nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đề ra các nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế số, như xây dựng giải pháp phát triển nhân lực quốc gia đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0; thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0; phát triển bứt phá hạ tầng viễn thông, internet băng rộng và mạng di động 5G; xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, từng bước tạo môi trường pháp lý để triển khai kế hoạch chuyển đổi số; thay đổi mô hình quản trị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, môi trường, đô thị thông minh... Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, nhằm thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 52-NQ/TW. Tất cả những điểm trên đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước về việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
2.3. Khái quát giá trị kinh tế số Việt Nam và những điểm nghẽn cần tháo gỡ
Một thực tế mà chúng ta có thể cảm nhận khá rõ nét trong thời gian vừa qua đó chính là quá trình chuyển đổi số đã - đang - sẽ làm cho tương lai của chúng ta thay đổi mạnh mẽ. Với nền kinh tế số, cốt lõi là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Công nghệ kỹ thuật số phát triển đã mở đường cho sự đổi mới và phát triển mang tính toàn cầu. Việc áp dụng những tiến bộ công nghệ trong nhiều năm qua đã tác động vào các ngành kinh doanh cũng như mọi khía cạnh của cuộc sống. Công nghệ số thúc đẩy nhiều ngành kinh doanh cải tiến mô hình phát triển, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và xóa mờ đường biên giới địa lý.
Trong giai đoạn 2000-2010, nhiều ông lớn đã xuất hiện và thành danh nhờ nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy kinh tế số, tiêu biểu như: Google, Amazon, Facebook, Apple. Theo sau Mỹ, châu Âu tiếp bước với tầm nhìn và kế hoạch cho một “Single Digital Market”, Úc có “Digital Australia”, và Singapore nêu cao khẩu hiệu “Smart Nation”. Quốc gia số trở thành tầm nhìn và mục tiêu, để từ đó các chính phủ xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế, hòng không bị bỏ lại đằng sau trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên một thị trường toàn cầu. Cũng nhờ có kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), đến giao thông vận tải (Uber, Grab), phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shoppee)... châu Á - Thái Bình Dương cũng đã và đang trở thành khu vực kinh tế sản sinh ra nhiều doanh nghiệp dựa trên kinh tế số tiểu biểu như WeChat, TikTok, Grab, LINE, Go-Jek.
Giá trị và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam
Nguồn: Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019”
Với Việt Nam, nghiên cứu về kinh tế số thường được dẫn lại trong thời gian qua chính là báo cáo do Google và Temasek công bố, qui mô nền kinh tế số của Việt Nam chỉ tính riêng bốn lĩnh vực gồm di chuyển (taxi công nghệ, giao hàng, giao thức ăn), thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến và du lịch trực tuyến đạt 9 tỷ USD vào năm 2018 từ mức 3 tỷ USD năm 2015 4. Cũng theo báo cáo của Google và Temasek, đến năm 2025, qui mô nền kinh tế số Việt Nam dự báo sẽ đạt 33 tỷ USD với mức tăng trưởng 25% mỗi năm, cao thứ hai (sau Indonesia) về mức tăng trưởng và cao thứ ba (sau Indonesia và Thái Lan) về qui mô thị trường trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2025, qui mô thị trường kinh tế số khu vực dự báo tăng lên 240 tỷ USD và Việt Nam chiếm khoảng 18% giá trị thị trường kinh tế số Đông Nam Á.
Vào thời điểm năm 2018, qui mô thị trường kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt giá trị 72 tỷ USD, và Việt Nam xếp vị trí thứ 6 sau Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam chỉ chiếm 1/8 tổng giá trị tương ứng khoảng 11%. Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong những địa điểm đầu tư kinh tế số được ưa thích ở Đông Nam Á 5, đứng sau Indonesia và Singapore. Số lượng các thương vụ năm 2018 là 137 với tổng giá trị 350 triệu USD, tăng ấn tượng so với 83 thương vụ có tổng trị giá 140 triệu USD của năm 2017. Ngoài ra, để thích ứng với sự thay đổi, một số doanh nghiệp cũng lựa chọn hình thức cộng sinh, bắt tay hợp tác để mở rộng kho sản phẩm dịch vụ: Tháng 5/2019, Grab triển khai dịch vụ liên kết đặt phòng khách sạn với Agoda và Booking.com. Tháng 3/2019, Sea (trước đây là Garena) – công ty mẹ của Now và Shopee – đã quyết định tích hợp NowFood ngay trên ứng dụng Shopee để tận dụng lượng khách hàng của nền tảng thương mại điện tử6.
Các doanh nghiệp của nền kinh tế số có xu hướng bành trướng sang các dịch vụ sản phẩm khác theo thời gian
Nguồn: Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019”
Cũng theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” 7 do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019 tại TP. Hồ Chí Minh, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, với trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Singapore), với 600 triệu USD đầu tư từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2019 so với tổng giá trị 350 triệu USD năm 2018 và 140 triệu USD của năm 2017. Tổng giá trị giao dịch (GMV) trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 5 tỷ USD trong năm 2019, cao gấp 12,5 lần mức 0,4 tỷ USD của năm 2015 và sẽ tăng tới 23 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 49%. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến cũng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam8 .
Đại dịch COVID-19 vừa qua cùng với các lệnh giãn cách xã hội đã giúp doanh nghiệp nhận ra vai trò ngày một quan trọng của chuyển đổi số. Tuy nhiên, cũng chính đại dịch COVID-19 đã cho thấy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang phải đối đầu với một số điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ, cụ thể:
Một là, hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng cứng và mạng lưới viễn thông làm nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số, giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế vẫn chưa đáp ứng tối đa như kỳ vọng.
Hai là, tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu (cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, tài chính, dân cư, quản lý đất đai) và tri thức mở có ích cho việc dự đoán kịp thời và ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao chưa được thực hiện, hoàn thiện so với đòi hỏi của thực tiễn.
Ba là, chính sách chuyển đổi số, bao gồm các dịch vụ, chính sách chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ trong thực tế còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa theo kịp xu thế của sự phát triển.
Bốn là, việc bảo vệ quyền riêng tư trên môi trường Internet, việc rò rỉ dữ liệu, mua bán và khai thác dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp cũng đang là vấn đề đáng quan tâm trong phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay.
Năm là, công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là vấn đề thu thuế, đảm bảo quyền lợi cho người lao động đối với các hoạt động thương mại và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hiện nay.
Sáu là, thực tế cũng phản ánh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam còn diễn ra chậm chạp, thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ9 tại Việt Nam.
Bảy là, bảo đảm an toàn, an ninh trong môi trường số cũng là vấn đề quan trọng nếu muốn đưa kinh tế số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế.
Tám là, sự chuyển đổi nhanh của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số đã dẫn tới một số quy định pháp luật không theo kịp. Do sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, kinh tế số cùng các phương thức kinh doanh và các ý tưởng sáng tạo mới làm cho các cơ quan quản lý Nhà nước còn lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số.
2.4. Một số giải pháp cơ bản phát triển kinh tế số Việt Nam theo hướng bền vững
Kinh nghiệm của các nước đang phát triển trên thế giới và trong khu vực như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và các nước phát triển như Mỹ, Đức,… cho thấy, biện pháp để đưa nền kinh tế các nước đi lên phát triển một cách bền vững là phải dựa vào việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ. Đảng và Nhà nước đã sớm nhận ra tiềm năng to lớn của mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó phát triển kinh tế số được xem là xu hướng tất yếu để tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong bối cảnh làn sóng CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Thời gian tới, để phát triển kinh tế số Việt Nam theo hướng bền vững, cần tiến hành thực hiện các giải pháp đồng bộ sau:
Thứ nhất, sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin được xem là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam, do vậy cần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Việc làm này có thể triển khai theo hướng thúc đẩy và nâng cao mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục đại học cần có những khóa đào tạo lại và nâng cao, kéo dài từ 6-12 tháng để cấp chứng chỉ chứ không phải đào tạo bằng cấp. Chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cần gắn với các xu thế công nghệ mới như: internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin...
Thứ hai, sớm có cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế số tại các vùng kinh tế trọng điểm để góp phần phát triển các ngành công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng lớn, từ đó tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững. Xét về bản chất, các vùng kinh tế trọng điểm không chỉ là nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tập trung sản xuất công nghiệp của cả nước mà còn là nơi có hệ thống các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu hàng đầu; bảo đảm đào tạo và cung cấp nhân lực cho cả vùng, có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế số.
Thứ ba, Nhà nước nên phân bổ phù hợp ngân sách cho các địa phương; kích thích các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm cùng hợp tác phát triển hạ tầng. Ngoài ra, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vùng kinh tế trọng điểm. Chính phủ cần tạo không gian thử nghiệm đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển nền kinh tế số. Bởi các ứng dụng công nghệ số sẽ là “cú hích” quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các cá nhân và doanh nghiệp.
Thứ tư, để phát triển kinh tế số theo hướng bền vững, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp cần khẩn trương nâng cấp hạ tầng số, trong đó có việc chuẩn bị các phương án triển khai dịch vụ 5G cũng như các hạng mục hạ tầng công nghệ khác có liên quan.
Thứ năm, chú trọng đối ngoại đa phương với các tổ chức từ cấp độ toàn cầu (WTO, WB, IMF…), liên khu vực (ASEM, APEC, FEALAC…), khu vực (ASEAN, ADB…) nhằm xây dựng những quy tắc phối hợp và ứng xử chung, các hiệp định, công ước và thỏa thuận hợp tác, phối hợp trên những vấn đề liên quan nảy sinh từ sự phát triển của kinh tế số nhằm bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng.
3. Kết luận
Cả thực tiễn và lý luận đã chứng minh rằng, thực hiện kinh tế số là một quá trình chuyển đổi lâu dài, là quá trình thay đổi số trên bình diện quốc gia ở mọi lĩnh vực khác nhau, mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân đều có thể sử dụng công nghệ số làm tốt hơn công việc, giúp tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, giúp tăng trưởng bền vững, bao trùm và tăng cơ hội cho nhiều người hơn tham gia vào nền kinh tế.
Để Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị với mục tiêu kinh tế số ở Việt Nam đến năm 2025 đạt 20% GDP, năm 2030 chiếm trên 30% GDP thành hiện thực, cần xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp phù hợp. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế số, bài viết nêu ra một số gợi ý nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số ở Việt Nam thời gian tới.
Chú thích:
1. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-52-nqtw-ngay-2792019-cua-bo-chinh-tri-ve-mot-so-chu-truong-chinh-sach-chu-dong-tham-gia-cuoc-cach-mang-cong-5715
2. Don Tapscott. The Digital Economy: Promise and Peril in the Age of Networked Intelligence. McGraw-Hill, 1995
3. http://hdll.vn/vi/nghien-cuu—-trao-doi/kinh-te-so—-co-hoi-but-phacho-viet-nam.html
4. https://www.vcci.com.vn/viet-nam-dang-o-dau-trong-xu-the-kinh-te-so
5. Việt Nam đang trở thành điểm đến ưu tiên trong khu vực của các tập đoàn, công ty công nghệ sau khi vì gặp khó khăn trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung buộc họ phải rút một phần khỏi Trung Quốc để tránh hàng rào thuế cao của Mỹ.
6. https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/5-nam-gia-tri-nen-kinh-te-so-viet-nam-tang-gap-bon-lan-7818.html
7. e-Conomy Southeast Asia 2019
8. http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/100-trieu-dan-100-nghin-doanh-nghiep-so-va-muc-tieu-30-gdp-318094.html
9. Theo báo cáo của VCCI cho thấy, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm tới hơn 98% số lượng doanh nghiệp, song trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, có đến 80 - 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.
Tài liệu tham khảo
- Think Tank Vinasa (2019), Việt Nam thời chuyển đổi số, Nxb Thế giới, Hà Nội
- http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-52-nqtw-ngay-2792019-cua-bo-chinh-tri-ve-mot-so-chu-truong-chinh-sach-chu-dong-tham-gia-c- uoc-cach-mang-cong-5715
- Don Tapscott (1995), The Digital Economy: Promise and Peril in the Age of Networked Intelligence. McGraw-Hill.
- http://hdll.vn/vi/nghien-cuu—-trao-doi/kinh-te-so—-co-hoi-but-phacho-viet-nam.html
- https://www.vcci.com.vn/viet-nam-dang-o-dau-trong-xu-the-kinh-te-so
- https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/5-nam-gia-tri-nen-kinh-te-so-viet-nam-tang-gap-bon-lan-7818.html
- http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/100-trieu-dan-100-nghin-doanh-nghiep-so-va-muc-tieu-30-gdp-318094.html
- https://www.temasek.com.sg/en/news-and-views/subscribe/google-temasek-e-conomy-sea-2019
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 8/2021
PGS,TS. TRẦN MAI ƯỚC
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|