Kinh tế chưa ổn định, Việt Nam cần chặt chẽ trong điều hành chính sách tiền tệ

(Banker.vn) Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam đã linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến của nền kinh tế tuy nhiên vẫn cần theo dõi chặt chẽ.
Chính sách tiền tệ 2023: Trạng thái "tiền rẻ" ngập tràn sẽ không còn Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Điều hành chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”

Công nghiệp, thương mại chưa khởi sắc

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam ban hành tháng 6/2023, Ngân hàng Thế giới đưa ra những thông số không mấy khả quan về công nghiệp, thương mại của Việt Nam.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục suy yếu khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 chỉ tăng 0,1% và giảm 0,5% so với tháng 4. IIP suy yếu phần lớn là do sản xuất bị thu hẹp trên diện rộng. Chỉ số quản lý thu mua của Việt Nam vẫn nằm trong vùng thu hẹp (dưới mức 50) trong tháng thứ ba liên tiếp, giảm xuống 45,3 từ 46,7 trong tháng 4.

Cùng đó, thương mại hàng hóa vẫn nằm trong vùng suy giảm, mặc dù xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 đã tăng 4,3% so với tháng 4 nhưng vẫn thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu bên ngoài yếu.

Bộ Công Thương
Điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất chính tiếp tục bị thu hẹp xuất khẩu, như: Hàng may mặc và giày dép lần lượt giảm 16,7% và 5,4%; máy tính, máy móc và điện thoại thông giảm 11,4%, 6,4% và 5,2%. Kim ngạch nhập khẩu giảm cũng 18,4%, điều này phản ánh nhu cầu đối với đầu vào từ nguồn nhập khẩu của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tiếp tục giảm. Đáng kể: Nhập khẩu nguyên liệu dệt may giảm 37,5%; điện tử và linh kiện máy tính giảm 10%; máy móc, giảm 17,3%; điện thoại thông minh giảm 56%.

Theo Ngân hàng Thế giới, sự sụt giảm liên tục của các yếu tố đầu vào nhập khẩu có thể cho thấy khu vực doanh nghiệp dự đoán hoạt động xuất khẩu sẽ còn suy yếu trong những tháng tới.

Tương tự, dòng vốn FDI chậm lại. Cam kết FDI tháng 5/2023 còn 1,98 tỷ USD, giảm 42,3% so với tháng 4. Cam kết FDI lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 10,9 tỷ USD, thấp hơn 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo vẫn là lĩnh vực cam kết FDI chính.

Điểm sáng duy nhất trong bức tranh công nghiệp, thương mại của Việt Nam tháng 5/2023 là tăng trưởng doanh thu bán lẻ vẫn mạnh. Cụ thể, doanh thu bán lẻ tiếp tục tăng ở mức 11,5%, tương đương với tốc độ tăng trưởng trong 2 tháng trước đó và so với giai đoạn trước đại dịch. Doanh thu bán hàng được cải thiện từ 9,7% trong tháng 4 lên 10,9% trong tháng 5. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu của dịch vụ giảm từ 19,2% trong tháng 4 xuống còn 7,6% trong tháng 5. Sự suy giảm này chủ yếu là do sự tăng trưởng chậm lại của các dịch vụ du lịch.

Linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ nhưng cần theo dõi chặt chẽ

Ngân hàng Thế giới cũng nhìn nhận, để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ ba kể từ tháng 3/2023. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5% xuống 5%, lãi suất cho vay qua đêm giảm từ 6,0% xuống 5,5%. Ngân hàng Nhà nước cũng áp trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (6 tháng trở xuống) ở mức 5%, giảm 50 điểm cơ bản. Lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh giảm theo các điều chỉnh lãi suất điều hành.

Dù vậy, bất chấp những nỗ lực này, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục giảm từ 9,2% trong tháng 4 xuống 9,0% trong tháng 5, mức thấp nhất trong những năm gần đây. Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng yếu do các hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục suy yếu và nhu cầu vốn giảm từ thị trường bất động sản, chứng khoán. Tăng trưởng yếu hơn trong gia nhập kinh doanh ròng cũng như vốn bình quân trên mỗi công ty mới thành lập thấp hơn cũng có thể là nguyên nhân khiến nhu cầu tín dụng yếu đi.

Cùng đó, nhu cầu bên ngoài tiếp tục yếu và những bất ổn toàn cầu đang có tác động bất lợi đến nền kinh tế, dẫn đến xuất khẩu và nhập khẩu bị thu hẹp, sản xuất công nghiệp chậm lại. Thêm vào đó, khu vực miền Bắc đã bắt đầu bị thiếu điện tiêu dùng và sản xuất vào cuối tháng 5, Ngân hàng Thế giới lo ngại, nếu không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Khi lạm phát có dấu hiệu giảm dần, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới lỏng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, điều mà có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá”, báo cáo của Ngân hàng Thế giới nêu rõ.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Đồng thời, ưu tiên đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững lâu dài.

Trong khi hoạt động xuất khẩu chế biến, chế tạo chậm lại và việc làm trong lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng, điều quan trọng là phải nhanh chóng xác định và hỗ trợ những người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng thông qua hệ thống bảo trợ xã hội. Hợp lý hóa các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và đầu tư cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục