KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS
Chính sách thuế, phí phát triển logistics
Singapore
Singapore có một vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong eo biển Malaca, trấn giữ con đường hàng hải huyết mạch từ Đông sang Tây, nối liền Thái Bình Dương. Vì vậy, Singapore đặt mục tiêu, chiến lược là phát triển trở thành trung tâm logistics tích hợp hàng đầu thế giới. Với việc định hướng phát triển hệ thống cảng biển và trung tâm logistics, tự do hóa thương mại bằng các khu kinh tế tự do (FTZ) đã giúp Singapore cạnh tranh có hiệu quả với các cường quốc kinh tế thế giới trong giai đoạn chuyển tiếp những ngành kinh tế quan trọng từ châu Âu, châu Mỹ sang Đông Nam Á, đặc biệt là công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy, lọc hóa dầu, đóng giàn khoan khai thác dầu khí trên biển, tin học…
Để khuyến khích các doanh nghiệp đa quốc gia nói chung, các doanh nghiệp logistics nói riêng chuyển trụ sở đến Singapore, Chính phủ nước này đã đưa mức thuế suất doanh nghiệp 17% - đây là mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp nhất trong khu vực ASEAN. Mức thuế suất này được áp dụng đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp, thay vì doanh thu.
Bảng 1. Một số loại thuế doanh nghiệp áp dụng tại Singapore
Singapore sử dụng hệ thống thuế theo lãnh thổ1. Singapore đã ký hơn 80 hiệp ước thuế với các quốc gia khác để tránh đánh thuế thu nhập hai lần.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển logistics, Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA) đã phát triển một số chương trình khuyến khích để thúc đẩy các công ty vận tải biển phát triển và nâng cao hoạt động kinh doanh, ví dụ như Chương trình ưu đãi dành cho Khu vực Hàng hải (MSI). Theo đó, chương trình đưa ra các ưu đãi dành cho các công ty tham gia vào hoạt động vận tải biển quốc tế, cho thuê hàng hải (tàu hoặc container), các dịch vụ hỗ trợ vận chuyển.
(i) Chương trình ưu đãi dành cho Khu vực hàng hải (MSI) bao gồm nhiều chương trình ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải.
Nhìn chung, đối tượng ưu đãi của các chương trình thuộc MSI là các công ty logistics phát triển mạnh, có quy mô lớn, đang kinh doanh có hiệu quả, có cam kết làm ăn lâu dài và phát triển mở rộng tại Singapore. Đây được xem như trái ngược với các quy tắc thông thường bởi lẽ thường các doanh nghiệp “yếu” mới nhận được ưu đãi. Chính sách này của Singapore đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty kinh doanh logistics có quy mô lớn và hiệu quả phát triển (so sánh với mức thuế TNDN thông thường là 17%, thì những công ty vận tải và logistics mà Chính phủ đang quan tâm khuyến khích phát triển được hưởng ưu đãi rất lớn). Việc ban hành và thực thi chính sách ưu đãi thuế này cho thấy tầm nhìn của Chính phủ trong định hướng phát triển dài hạn của Singapore.
Bảng 2. Các chương trình ưu đãi thuộc MSI
Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore còn thực hiện miễn, giảm thuế nhà thầu nước ngoài. Các tổ chức2 thuộc danh mục Hoạt động vận chuyển quốc tế của MSI, tùy theo các điều kiện, sẽ được miễn thuế nhà thầu nước ngoài tự động đối với các khoản thanh toán liên quan đến các khoản vay nước ngoài dùng để tài trợ cho việc mua hoặc đóng cả tàu mang cờ Singapore và tàu mang cờ nước ngoài. Để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong thời gian từ ngày 1/6/2011 đến ngày 31/5/2016 các tổ chức này không cần phải nộp đơn xin miễn trừ.
(ii) Các ưu đãi khác
Chính phủ Singapore cũng cung cấp các ưu đãi khác cho các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ ngành hàng hải. Từ ngày 1/7/2010, mức thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) 0% được mở rộng đối với các tàu vui chơi và giải trí được sử dụng hoàn toàn cho hoạt động du lịch quốc tế. Ngoài ra, mức thuế này còn được áp dụng cho tất cả hàng hóa được cung cấp để sử dụng trên tàu hoặc lắp đặt trên tàu, bất kể tàu có ghé cảng bên ngoài Singapore hay không. Mức thuế GST 0% cũng mở rộng đối với việc vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách thông qua một con tàu đến hoặc đi từ vùng biển quốc tế, bất kể con tàu có ghé vào một cảng bên ngoài Singapore hay không. Các công ty vận tải biển quốc tế có mạng lưới rộng khắp thế giới và đang hoạt động tốt sẽ được miễn thuế đối với thu nhập từ các hoạt động của các tàu bên ngoài Singapore trong thời hạn 10 năm.
Theo Chương trình Block Transfer Scheme (BTS), việc miễn thuế nhà thầu nước ngoài có thể được áp dụng đối với khoản lãi phải trả đối với khoản vay của một doanh nghiệp vận tải biển bên ngoài Singapore để mua một con tàu mang cờ Singapore. Việc miễn loại thuế này dành cho các tàu đã đăng ký với Cơ quan đăng ký tàu biển Singapore (SRS) trong thời gian từ ngày 1/1/2009 - 31/12/2013.
Người điều hành tàu và người cho thuê tàu có thể được miễn thuế đối với lợi nhuận thu được từ thải bỏ các tàu đã đăng ký với Cơ quan đăng ký tàu Singapore (SRS) và các tàu thuộc sở hữu hoặc điều hành theo Chương trình MSI-AIS Award; bán các tàu sau đó sẽ được thuê lại bởi các công ty vận tải biển; bán 100% cổ phần trong Công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPC) sở hữu một con tàu đã đăng ký với SRS hoặc một con tàu theo Chương trình MSI-AIS Award; việc thanh lý các tàu đang đóng và các hợp đồng đóng mới; thu nhập từ việc thanh lý tàu thuyền nước ngoài.
Một lợi thế khác mà Singapore mang lại cho các công ty thương mại quốc tế là các Khu thương mại tự do (FTZ). FTZ lần đầu tiên được thành lập vào năm 1969 với mục tiêu cảng tự do thương mại, 99% hàng nhập khẩu vào Singapore được miễn thuế. Hiện nay 6/7 khu vực FTZ đều nằm ở 6 bến thuộc cảng Singapore, một khu tự do thương mại hàng không tại Sân bay Changi. Nơi đây logistics hàng không hoạt động rất sầm uất, phục vụ 43 triệu/lượt hành khách di chuyển đến 200 thành phố trên toàn cầu, vận chuyển khoảng 1,81 triệu TEU/năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và trung chuyển hàng hóa, khi hàng hóa được nhập khẩu và lưu trữ trong FTZ thì thuế GST được tạm đình chỉ đối với hàng hóa nhập khẩu được chỉ định. Hàng hóa chỉ phải chịu phí và thuế nếu hàng rời khỏi FTZ và nhập vào lãnh thổ hải quan để tiêu thụ. Tất cả hàng hóa chịu thuế có thể được lưu trữ trong các FTZ, trừ rượu và thuốc lá. Theo nguyên tắc chung, tất cả hàng hóa đưa vào Singapore (trừ hàng nhập khẩu được miễn thuế) đều phải chịu thuế GST ở mức phổ biến là 7% giá trị của hàng hóa, vì vậy nếu hàng hóa để xuất khẩu (tái xuất) thì FTZ có thể giúp cải thiện dòng tiền của các doanh nghiệp vì các doanh nghiệp sẽ không phải nộp thuế và thuế GST khi nhập khẩu.
Singapore rất chú trọng việc thu hút nhân tài nước ngoài trong mọi lĩnh vực bên cạnh việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới. Thông qua chính sách tuyển dụng mở cửa, cơ chế lương cao, thuế thu nhập thấp, được cấp giấy phép định cư và nhập tịch lâu dài tại Singapore, nguồn nhân lực logistics của Singapore đã phát triển rất đáng kể. Hiện nay, thuế thu nhập cá nhân đối với người ngoài cư trú tại Singapore chịu mức thuế lũy tiến từ 0 - 22%. Những người nước ngoài không cư trú tại Singapore được tính ở mức 15% hoặc mức thuế lũy tiến. Đây được coi là mức thuế tương đối cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malayisa…3
Malaysia
Malaysia phát triển cạnh tranh với Singapore để trở thành trung tâm vận tải biển và logistics trong khu vực. Cảng Tanjung Pelepas (PTP) thuộc bang Johor của Malaysia đã phát triển mạnh mẽ mặc dù bị ảnh hưởng do cạnh tranh từ cảng PSA của Singapore (chỉ cách 66 km theo đường biển, 24 km theo đường hàng không), cảng biển đứng thứ 2 thế giới về lượng hàng hóa thông qua. Chính phủ Malaysia đã phân loại logistics là một ngành công nghiệp ưu tiên và đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích trong Kế hoạch tổng thể về công nghiệp lần thứ ba (IMP3) giai đoạn 2006 - 2020, Kế hoạch tổng thể tạo thuận lợi cho thương mại và logistics giai đoạn 2015 - 2020 và Chính sách giao thông vận tải quốc gia giai đoạn 2019 - 2030. Để thúc đẩy đầu tư sang lĩnh vực dịch vụ logistics tổng hợp, Chính phủ Malaysia tiến hành các biện pháp ưu đãi thuế như áp dụng Ưu đãi thuế đặc biệt trong khuôn khổ Kế hoạch phục hồi nền kinh tế (PENJANA) cho các công ty có ý định chuyển hoạt động sang Malaysia và đầu tư mới. Khuyến khích này được đưa ra như một giải pháp thay thế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và sự bùng phát đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Malaysia cũng đưa ra các ưu đãi theo chính sách Principal Hub Incentives (PH)4 nhằm thu hút các doanh nghiệp đặt trụ sở và đưa chuỗi cung ứng đến Malaysia. Logistics là một trong những lĩnh vực được hưởng ưu đãi này. Theo đó, các công ty, tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được hưởng thuế TNDN từ 0 - 10%. Mức thuế áp dụng đối với từng công ty sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như số lượng nhân viên, mức lương chi phí hoạt động hằng năm. Ngoài ra, một số ưu đãi thuế khác mà Chính phủ Malaysia áp dụng như ưu đãi thuế cho vận chuyển và dịch vụ logistics tích hợp (ILS). Đối với vận chuyển, các cá nhân của Malaysia đang kinh doanh vận tải liên quan đến hành khách hoặc hàng hóa bằng đường biển bằng tàu của Malaysia thuộc sở hữu hoặc thuê tàu sẽ được miễn thuế đối với 70% thu nhập. Đối với dịch vụ logistics tích hợp (ILS), cá nhân hoặc công ty thực hiện các hoạt động như giao nhận hàng hóa, vận tải và kho bãi sẽ được miễn thuế cho 70% thu nhập trong 5 năm kể từ ngày bắt đầu hoạt động sản xuất - kinh doanh và được trợ cấp thuế đầu tư.
Các mức phí liên quan đến các hoạt động logistics liên tục được điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải. Mức phí của Malaysia đã được điều chỉnh theo hướng cắt giảm. Chi phí logistics từ Malaysia đến một cảng của Mỹ theo phương thức vận chuyển DTD trung bình chỉ vào khoảng 2.467 USD, thấp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Việt Nam và Singapore (Mohamed A. K., 2013). Do vậy, các nhà cung ứng và sử dụng dịch vụ logistics đã có những đánh giá hài lòng hơn với các chi phí điều chỉnh, đặc biệt là chi phí liên quan đến cảng biển, sân bay. Chi phí đường sắt có chiều hướng tăng, phản ánh sự chuyển hướng của các hoạt động logistics sang phương tiện vận tải đường sắt thu hút sự quan tâm của các nhà cung ứng và sử dụng dịch vụ vận tải.
Trung Quốc
Logistics là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Trung Quốc. Báo cáo Chỉ số logistics 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố đầu năm 2022 cho thấy, Trung Quốc đứng số 1 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về thị trường logistics. Diện tích rộng lớn và dân số đông đã tạo ra nhiều cơ hội để Trung Quốc phát triển ngành logistics. Chính phủ Trung Quốc cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển lĩnh vực logistics. Theo đó, ngày 19/8/2011, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn Guobanfa (2011) số 38 về việc cung cấp các ưu đãi về tài chính và hành chính cho các doanh nghiệp logistics nhằm xử lý các vấn đề liên quan đến chi phí logistics cao, chẳng hạn như phí đường bộ, thuế suất kinh doanh không đồng đều và các vấn đề liên quan đến thuế. Các hướng dẫn bao gồm 9 mục tiêu: Giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp logistics; cung cấp chính sách đất đai thuận lợi cho ngành; thúc đẩy phương tiện vận tải thuận tiện; đẩy mạnh cải cách trong quản lý logistics; khuyến khích tích hợp các nguồn lực logistics; thúc đẩy đổi mới và ứng dụng công nghệ logistics; tăng đầu tư vào ngành logistcs; ưu tiên phát triển dịch vụ logistics nông sản và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan ban ngành.
Trước đó, tháng 3/2009, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng đã ban hành “Kế hoạch tái cơ cấu và phát triển ngành logistics (Guofa [2009] số 8)”. Kể từ khi phát hành Kế hoạch này, Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực logistics. So với năm 2008, giá trị gia tăng của ngành logistics Trung Quốc đã tăng ròng 700 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 109,38 tỷ USD) trong năm 2010.
Ngày 22/3/2021, Bộ Tài chính (MOF) đã phát hành Thông báo STA (2022) số 14 cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc mở rộng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các DNNVV5 và các công ty đủ điều kiện trong 6 ngành, trong đó có lĩnh vực logistics6. Theo đó, để đủ điều kiện được hoàn thuế GTGT, doanh thu thuế GTGT liên quan đến một trong các lĩnh vực được quy định phải chiếm trên 50% tổng doanh thu thuế GTGT của doanh nghiệp7.
Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực, kinh doanh các công trình hạ tầng công cộng, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh các công trình hạ tầng công cộng. Theo đó, thu nhập từ các dự án cảng, bến, sân bay, đường sắt, đường bộ, giao thông công cộng đô thị, điện và thủy lợi được liệt kê trong Danh mục các dự án hạ tầng công cộng được hưởng chính sách ưu đãi thuế TNDN sẽ được miễn thuế TNDN trong 3 năm đầu kể từ năm tính thuế khi có doanh thu phát sinh từ hoạt động sản xuất - kinh doanh lần đầu tiên và bị đánh thuế một nửa từ năm thứ tư đến năm thứ sáu.
Tương tự như Singapore, Trung Quốc cũng thành lập các FTZ. Theo đó, các FTZ không yêu cầu hạn ngạch hoặc giấy phép xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi trong FTZ có thể lưu trữ hàng hóa theo yêu cầu trên thị trường nội địa và quốc tế, ngoại trừ những hàng hóa bị cấm theo quy định của pháp luật. Không có giới hạn thời gian cho việc lưu kho hàng hóa quá cảnh và hàng hóa quá cảnh có thể được xử lý, phân loại và đóng gói lại trong FTZ.
Mặc dù năm 2020 Trung Quốc phải đối mặt với sự bùng phát dịch COVID-19 nhưng tổng lượng hàng hóa vận chuyển của nước này đạt hơn 41,8 tỷ tấn, chỉ thấp hơn 1,2% so với cùng kỳ 2019. Một trong những yếu tố giúp hàng hóa vẫn được luân chuyển bất chấp đại dịch là nhờ những chính sách đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nói chung, góp phần vào sự phát triển và số hóa ngành logistics tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều các khuyến khích thuế nhằm phát triển R&D.
Bảng 3. Một số ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp công nghệ nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo
Chính sách tài chính - tín dụng
Singapore
Chính phủ Singapore cũng tạo điều kiện cho các công ty kinh doanh dịch vụ logistics sử dụng dịch vụ cho vay của nước này để thuê mua tàu biển và container. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chủ trương xây dựng các giáo trình giảng dạy chuyên ngành logistics rộng rãi, đồng thời định hướng xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ logistics và bồi dưỡng các nhân tài quản lý cao cấp chuyên ngành logistics trong các trường đại học, cao đẳng. Năm 2015, Chính phủ đã chi 20 triệu SGD (tương đương 17 triệu USD) để hỗ trợ cho Đại học quốc gia Singapore hợp tác với Viện Công nghệ Georgia Mỹ để thành lập Viện Nghiên cứu Logistics châu Á - Thái Bình Dương nhằm đào tạo, bồi dưỡng chuyên viên logistics trình độ cao cũng như tập trung nghiên cứu những cải tiến đột phá cho ngành logistics và hệ thống chuỗi cung ứng (Peter B., 2015).
Malaysia
Nền kinh tế Malaysia dự kiến tăng trưởng 5 - 6%, thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics. Chính phủ nước này đã đầu tư 34,3 triệu Ringgit cho cảng container vịnh Sepanggar để cải thiện cơ sở hạ tầng. Cộng thêm các ưu đãi khác nhau được công bố trong Kế hoạch phục hồi kinh tế ngắn hạn trị giá 35 tỷ Ringgit sẽ giúp khuyến khích dòng vốn FDI nhiều hơn. Những ưu đãi kịp thời này cùng với giá bất động sản và lao động cạnh tranh, Malaysia sẽ được định vị là một trong những nước hưởng lợi chính trong số các đối tác ASEAN, trong việc nắm bắt các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra.
Vào tháng 3/2020, Chính phủ đã công bố kế hoạch chi 2 tỷ Ringgit (tương đương 472,8 triệu USD) cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Malaysia đứng đầu khu vực ASEAN với 250 triệu USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông trên một triệu đầu người trong hai thập kỷ qua.
Từ năm 2002, Chính phủ Malaysia chủ trương khuyến khích các công ty giao nhận, công ty vận tải hợp nhất với nhau và trực tiếp đầu tư 744,7 triệu Ringgit cho 12 công ty trong nước chuyển sang mô hình hoạt động cung cấp loại hình dịch vụ logistics tích hợp (Ibrahim N., 2016). Malaysia cũng khuyến khích các công ty địa phương đầu tư ra nước ngoài, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2005, Công ty Logistics IDS của Malaysia đã tiến hành các hoạt động logistics tổng hợp quốc tế với số vốn đầu tư 44,5 triệu Ringgit để mở rộng hoạt động ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan cung cấp các dịch vụ bao gồm quản lý hàng tồn kho, quản trị logistics, vận tải và phân phối (Ibrahim N., 2016). Năm 2012, Chính phủ Malaysia lại tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng thị trường logistics và thương mại quốc tế thông qua những biện pháp của Chương trình cải cách Chính phủ và Chương trình cải cách kinh tế. Bằng những ưu đãi về thuế trong khuyến khích đầu tư, mục tiêu của Chính phủ là đạt mức tăng trưởng logistics hàng năm khoảng 11,6% trong giai đoạn 2012 - 2016 (Ibrahim N., 2016).
Ngoài ra, Chính phủ còn phân bổ 3 tỷ Ringgit cho các khoản vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Pembangunan Malaysia nhằm khuyến khích sự phát triển của ngành vận tải biển, nhà máy đóng tàu xây dựng, cũng như các hoạt động hỗ trợ liên quan đến hàng hải.
Trung Quốc
Mặc dù Trung Quốc là một trong những các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, tuy nhiên, quốc gia này cũng phải đối mặt với những tụt hậu về cơ sở hạ tầng. Bộ Đường sắt (MOR) đã dẫn đầu một số dự án để nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt của Trung Quốc và tăng công suất và tốc độ di chuyển nhằm thúc đẩy phát triển logistics. Vận tải đường bộ là lựa chọn ưu tiên cho vận chuyển hàng hóa, do đó, Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp hệ thống đường bộ ngay từ những năm 2000. Theo báo cáo của Tạp chí Kinh doanh Trung Quốc năm 2001, Trung Quốc đã chi 26,6 tỷ USD cho 50.000 km đường cao tốc mới trong năm 2000; đồng thời phân bổ hàng tỷ USD để xây dựng và mở rộng sân bay. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã đầu tư 1,7 tỷ USD đối với vận tải thủy nội địa, với mục tiêu phát triển mạng lưới container tiêu chuẩn quốc tế với khả năng đa phương thức.
Trong năm 2022, Chính phủ Trung Quốc sẽ tận dụng 1.000 tỷ Nhân dân tệ (157 tỷ USD) tài trợ từ một số chương trình cho vay lại của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) để hỗ trợ chuỗi cung ứng. Theo đó, 200 tỷ Nhân dân tệ từ chương trình cho vay lại tập trung vào đổi mới công nghệ, 100 tỷ Nhân dân tệ tập trung vào vận tải và logistics.
BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM
Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới như Singapore, Malaysia, Trung Quốc… có thể thấy, phát triển logistics là một trong những trọng tâm được các nước đưa vào trong những chiến lược với tầm nhìn dài hạn. Theo đó, nhiều chính sách đã được ban hành, đặc biệt là các chính sách tài chính nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển ngành logistics.
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực luôn được các quốc gia ưu tiên. Các nước đã đầu tư hàng tỷ USD, đưa ra các khoản vay để đầu tư phát triển hiện đại và không ngừng nâng cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng: từ đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, kho bãi, cảng, trạm trung chuyển, viễn thông… Việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại đã giúp các quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Malaysia cắt giảm được nhiều chí phí logistics, thúc đẩy quá trình tối ưu hóa từ đầu vào đến đầu ra của hoạt động logistics; đồng thời cũng giúp hệ thống cơ sở hạ tầng logistics của các nước này trở nên phát triển nhất trong khu vực châu Á, đóng góp lớn vào thành công trong quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế của các nước nói chung. Bên cạnh đó, các quốc gia như Singapore cũng có ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics có chất lượng như đưa ra mức lương cạnh tranh, mức thuế thu nhập cá nhân thấp… Đây là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển hệ thống logistics nói riêng.
Thứ hai, các quốc gia cũng đặc biệt chú trọng thu hút các công ty logistics quốc tế. Theo đó, chính phủ các nước đã khuyến khích các doanh nghiệp, công ty logistics bằng cách tạo điều kiện thuận lợi với ưu đãi thuế, không duy trì các hạn chế trong quá trình hoạt động so với các doanh nghiệp trong nước. Với sự có mặt của các tập đoàn logistics quốc tế, các công ty trong nước sẽ có điều kiện học hỏi kinh nghiệm quản lý và sớm nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước có thể tạo liên minh với nhau để đối trọng với các công ty nước ngoài. Sự kết hợp hài hoà giữa mở cửa từng bước ngành dịch vụ logistics với bảo hộ ở mức cần thiết sẽ tạo đà cho ngành logistics phát triển.
Thứ ba, xác định đầu tư phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ nhằm số hóa ngành logistics cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các chính sách phát triển ngành logistics nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung của các quốc gia. Theo đó, các nước đã đưa ra các ưu đãi về thuế TNDN, GTGT…, các chương trình tín dụng hấp dẫn đối với doanh nghiệp công nghệ. Điều này đã giúp các doanh nghiệp công nghệ có nhiều nguồn lực tài chính để tiếp cận, xây dựng và sáng tạo các sản phẩm công nghệ mới có thể áp dụng trong ngành logistics. Áp dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động logistics.
Thứ tư, việc gia tăng mức ưu đãi cho các công ty vận tải lớn cũng được quan tâm, theo đó, các công ty có nhiều đóng góp cho nền kinh tế sẽ được hưởng các mức ưu đãi thuế TNDN.
Thứ năm, việc hỗ trợ, khuyến khích các công ty giao nhận, công ty vận tải hợp nhất với nhau để cung cấp loại hình dịch vụ logistics tích hợp (3PL…) là một kinh nghiệm tốt, bởi dịch vụ logistics tích hợp mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung.
CHÚ THÍCH:
1 Trong trường hợp thu nhập kiếm được từ các nước hiệp ước, việc đánh thuế hai lần được tránh bằng cách áp dụng khoản tín dụng thuế nước ngoài được cấp theo các hiệp ước đó. Đối với các nước không tham gia hiệp ước, một khoản tín dụng thuế đơn phương được áp dụng đối với tất cả các khoản thu nhập có nguồn gốc nước ngoài
2 MSI-Shipping Enterprise (Cơ quan đăng ký tàu biển Singapore) (MSI-SRS); các công ty được MSI chấp thuận cho doanh nghiệp vận chuyển quốc tế (MSI-AIS) và các tổ chức cho thuê hàng hải.
3 Thang đánh thuế TNCN của Thái Lan cũng dao động từ 5% đến 35%. Maylaysia đánh thuế TNCN thấp nhất 1% và cao nhất 28%.
4 Principal Hub Incentives (PH) được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2015, với mục tiêu giúp Malaysia trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty đa quốc gia (MNC) đang có xu hướng xây dựng các trụ sở ở Đông Nam Á. Chính phủ nước này hy vọng rằng bằng cách thu hút nhiều các công ty đa quốc gia hơn, các trung tâm sản xuất của Malaysia có thể nâng cao chuỗi giá trị.
5 Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực logistics là các doanh nghiệp có từ 50 - 300 lao động, doanh thu từ 5 - 20 triệu CNY; doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực logistsics là các doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên và doanh thu trên 2 triệu CNY.
6 6 ngành bao gồm; (i) Sản xuất; (ii) Dịch vụ nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ; (iii) Sản xuất và cung ứng điện, hơi nóng, gas và nước; (iv) Dịch vụ công nghệ thông tin; (v) Bảo vệ sinh thái và quản lý môi trường; (vi) Giao thông, logistics, kho bãi và bưu chính. Thông báo STA (2022) số 21 ngày 07/6/2022 cũng mở rộng đối tượng được hương chính sách hoàn thuế là các doanh nghiệp thuộc 7 lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ; nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản; khách sạn; dịch vụ sửa chữa cư trú; giáo dục; chăm sóc sức khỏe; văn hóa, thể thao và giải trí.
7 Tỷ trọng doanh thu thuế GTGT được tính toán và xác định dựa trên doanh số bán hàng của công ty trong 12 tháng liên tục trước khi nộp đơn xin hoàn thuế. Trường hợp công ty mới hoạt động trên 3 tháng nhưng dưới 12 tháng trước khi nộp hồ sơ đề nghị hoàn thì doanh thu thuế GTGT được tính và xác định căn cứ vào doanh thu bán hàng trong kỳ hoạt động thực tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tiếng Việt
1. Quân Anh (2016), Triển vọng của logistics trên thế giới.
2. Bùi Trần Hoàng (2017), Phát triển dịch vụ logistics tại một số nước châu Á - Thái Bình Dương và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Ngoại Thương.
3. Nguyễn Khánh Ly (2021), Phát triển dịch vụ logistics trên thế giới và Việt Nam, Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 11/2021.
4. Hoàng Đình Minh và cộng sự (2016), Định hướng phát triển Logistic Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế.
5. Đoàn Ngọc Ninh (2020), Nghiên cứu sự phát triển hệ thống logistics Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Công Thương.
6. Viễn Thông (2016), 'Tường lửa' trong thị trường lao động ASEAN.
7. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn số 12 đến số 17/2022 các bài có thông tin có liên quan.
8. Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ tháng 2/2022, tháng 8/2022 tham khảo một số thông tin có liên quan.
9. Các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Thông tư, QĐ của NHNN, BTC có liên quan.
Tiếng Anh
1. Bloomberg (2022), China Turns Focus on Supply Chains, Pledging More Financial Aid, https://www.bloomberg.com/news....
2. Bohatala (2022), China Logistics Industry Analysis
3. CorporateServices (2022), Singapore Corporate Tax Rate, Exemptions, Filing Requirements - Complete Guide, https://www.corporateservices.....
4. Dezan Shira & Associates (2022), China Offers New Incentives to Logistics Industry.
5. HKTDC (2021), China’s 14th Five-Year Plan: Transportation, Logistics and Regional Development.
6. Ernst & Young Singapore (EY) et al (2020), Study of the Impact of Industry 4.0 on Singapore’s Logistics Workforce, Company Report.
7. Ibrahim N. (2016), Legal Governance Frameworks of Logistics Service Providers Companies in Malaysia, Journal of Applied Environmental and Biological Sciences, 6(9), pp. 27-34.
8. Mida (2014), Logistics Sector - Generating Economic Growth, Invest Byte No.5/2024.
9. OECD (2021), OECD competition assessment reviews - Singapore: Logistics sector.
10. OECD, Laws and Regulations in the Logistics Sector in Malaysia.
11. RikVin (2022), 6 Reasons why MNCs should setup HQ in Singapore, https://www.rikvin.com/press-r....
12. Xinhua (2022), China's logistics sector on the mend under govt support.-https://tapchitaichinh.vn/ngan....
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 8 năm 2023
TS. Ngô Xuân Thanh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|