Kinh nghiệm khi tham gia lễ hội chùa Hương năm 2024

(Banker.vn) Chùa Hương là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn ở Hà Nội, thu hút du khách mỗi năm, đặc biệt là vào những ngày lễ và Tết Nguyên đán.
Khai hội chùa Hương là ngày nào, nguồn gốc và ý nghĩa? Nhà trọ nghỉ chân giá 50.000 đồng ở chùa Hương Dòng người đội mưa đổ về chùa Hương ngày khai hội

Khu di tích và thắng cảnh chùa Hương (ở huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) đã chính thức khai hội vào ngày 15/2, tức mùng 6 tháng Giêng và lễ hội sẽ kéo dài đến hết tháng 4 Âm lịch.

Kinh nghiệm khi tham gia lễ hội chùa Hương năm 2024
Khai mạc Lễ hội chùa Hương 2024. Ảnh: Hoàng Quyên/ Hanoimoi

Sau đây là một số thông tin để du khách tham quan, du xuân đầu năm tại đây thuận lợi hơn.

Cách di chuyển

Hệ thống giao thông từ Hà Nội tới chùa Hương hiện nay rất thuận tiện, cung cấp nhiều phương tiện di chuyển đa dạng.

Ô tô: Hành trình từ trung tâm Hà Nội đến chùa Hương đi qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - nút giao Đồng Văn - Quốc lộ 38 - Chợ Dầu - Chùa Hương. Thời gian di chuyển bằng xe ô tô cá nhân từ Hà Nội đến chùa Hương là khoảng 1 giờ, tùy thuộc vào tình trạng giao thông.

Xe bus: Có 3 tuyến xe bus từ trung tâm Hà Nội đến chùa Hương là 211, 78 và hoặc 75. Khi sử dụng xe bus, du khách sẽ phải chờ đợi một khoảng thời gian, điều này có thể ảnh hưởng đến lịch trình tham quan chùa Hương trong một ngày. Ngoài ra, vì xe bus là phương tiện công cộng nên cần phải cẩn thận với việc chen chúc, nguy cơ mất mát tài sản.

Xe máy: Sử dụng xe máy du khách có thể tự do quản lý thời gian và lịch trình di chuyển của mình. Ngoài ra, du khách cũng sẽ có cơ hội thưởng thức gió mát từ thiên nhiên và chiêm ngưỡng cảnh đẹp hai bên đường. Kinh nghiệm du lịch chùa Hương cho thấy, có thể lựa chọn con đường đi như sau: Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Đông - ngã ba Ba La - Vân Đình.

Các nghi thức và hoạt động trong lễ hội chùa Hương

Nghi thức khai sơn - lễ mở cửa rừng

Lễ khai sơ, hay lễ mở cửa rừng, thường diễn ra từ ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Nghi thức này bao gồm việc dâng lên các sinh vật như đèn, hoa, nến, hương, đồ chay, hoa quả… Hai tăng ni sẽ mặc áo cà sa và mang đồ lễ khi họ chạy đàn đến cung. Sau đó, họ thực hiện những động tác độc đáo theo truyền thống. Phía bên ngoài sảnh còn thờ các vị thần với nhiều nghi thức mang đậm tín ngưỡng Đạo giáo.

Kinh nghiệm khi tham gia lễ hội chùa Hương năm 2024
Các tiết mục văn hóa, văn nghệ được biểu diễn tại lễ hội chùa Hương

Nghi thức dâng hương

Du khách và người dân sẽ thực hiện nghi thức dâng hương với những lễ vật tự chuẩn bị. Chùa Hương, nổi tiếng với sự linh thiêng, thu hút đông đảo người tham gia để cầu nguyện về những điều tốt lành cho năm mới, cầu sức khỏe và bình an cho mọi gia đình.

Phần hội của lễ hội chùa Hương

Ngoài những nghi lễ trang trọng, lễ hội tại chùa Hương còn thu hút với phần hội sôi động như chèo thuyền, hát chầu văn, hát chèo, leo núi... Điều đặc biệt là ngồi thuyền thưởng ngoạn cảnh sông nước hữu tình tại danh thắng chùa Hương.

Đi chùa Hương cầu gì?

Khi tham gia lễ chùa, mọi người thường cầu bình an và sức khỏe.

Tại chùa Hương linh thiêng, người ta thường cầu cho công danh, sự nghiệp, tiền tài và phúc lộc. Một trong những điều được cầu nhiều nhất là ban cô, ban cậu, nơi những người hiếm muộn đến cầu tự, mong được ban phước cho đường con cái.

Chùa Hương từ lâu đã nổi tiếng với nghi lễ cầu tự, đặc biệt là đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn, mong muốn có thêm quý tử, đảm bảo hạnh phúc trong tuổi già.

Các điểm tham quan

Du lịch chùa Hương, ngoài đi lễ và trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc, du khách đừng quên thưởng ngoạn cảnh đẹp tại một số địa điểm nổi tiếng sau đây:

Suối Yến: Với chiều dài khoảng 4km, Suối Yến là con đường thủy duy nhất dẫn vào chùa Hương. Bạn có thể ngồi thuyền qua suối để tới chùa và chiêm ngưỡng cảnh đẹp khác biệt nơi đây.

Đền Trình: Ở khuôn viên đền Trình có nhiều ngôi đền được xây dựng theo kiểu chữ tam tinh xảo (bao gồm hậu cung, đại bái tiền đường), kết hợp với phong cảnh hùng vĩ, uy nghiêm của núi Ngũ Nhạc, tạo nên cảnh đẹp như chốn bồng lai.

Động Tiên Sơn: Đây là hang động nhỏ có nhiều thạch nhũ mang hình thù đẹp khác nhau như hình trái tim, hình bàn tay Phật, hình ngà voi trắng.

Làng Yến Vỹ: Du khách có thể tham quan làng Yến Vỹ để tận hưởng không gian yên bình của làng quê Bắc Bộ xưa.

Chùa Thiên Trù: Sau khi đi hết dòng Suối Yến, chùa Thiên Trù xuất hiện trước mắt du khách với kiến trúc cổ kính thời Lê - Nguyễn và khung cảnh yên bình, thanh tịnh, trong lành.

Giá vé

Giá vé dịch vụ thuyền đò vận chuyển khách năm nay gồm các tuyến: Hương Tích với mức giá 85.000 đồng/người cho 2 lượt; tuyến Long Vân giá 65.000 đồng/người 2 lượt; tuyến Tuyết Sơn giá 65.000 đồng/người 2 lượt.

Giá vé thu phí thắng cảnh năm nay là 120.000/người/lượt; vé ưu tiên: 60.000/người/lượt (giá vé trên đã có 2.000 đồng bảo hiểm).

Giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách gồm: Tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; Tuyến Long Vân: 65.000 đồng/người/ 2 lượt vào, ra; Tuyến Tuyết Sơn: 65.000 đồng/người/ 2 lượt vào, ra.

Giá vé cáp treo khứ hồi: Người lớn: 220.000 đồng, Trẻ em: 150.000 đồng. Một lượt: Người lớn: 150.000 đồng, Trẻ em: 100.000 đồng. Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện: 20.000 đồng/người/lượt.

Về thời gian vận chuyển xuồng đò đưa khách tham quan lễ Phật:

Từ thứ 2 đến thứ 6: Thời gian vận chuyển từ 5h00 đến 20h00;

Thứ 7 và Chủ nhật: Thời gian vận chuyển từ 4h00 đến 20h00.

Kinh nghiệm khi tham gia lễ hội chùa Hương năm 2024
Giá vé dịch vụ thuyền, đò được niêm yết công khai

Ngoài ra, ban tổ chức cũng tiếp tục vận hành thử nghiệm đưa xe điện vào vận chuyển trong khu vực lễ hội để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Có 110 chiếc xe điện (từ 8 - 14 chỗ ngồi) đưa du khách từ các bến xe vào bến đò theo lộ trình tuyến với 3 tuyến đường: Bến xe Hội Xá - bến đò Yến Vỹ; bến xe Đục Khê - bến trượt Đồng Cừ; bến xe đường số 1 - bến đò chùa Tuyết Sơn.

Một số lưu ý khi đi lễ hội chùa Hương

Để hành trình đi lễ chùa Hương thêm trọn vẹn và đáng nhớ, du khách cần lưu ý một số thông tin sau đây:

- Nên chuẩn bị sẵn đầy đủ đồ lễ trước khi đến chùa;

- Đến với chùa Hương, du khách phải tham gia vào nhiều hoạt động tâm linh, lễ bái nên hãy chú ý mặc trang phục gọn gàng, lịch sự để thể hiện tôn kính đối với thần linh;

- Ngoài ra, phải đi bộ và leo bậc thang nhiều nên hãy lựa chọn đôi giày phù hợp, thoải mái nhất khi di chuyển;

- Đi lễ chùa Hương là tìm về bình yên trong tâm hồn nên đừng chen lấn, xô đẩy, to tiếng. Đồng thời, tuyệt đối không xả rác, làm mất đi vẻ đẹp của danh thắng;

- Do là mùa lễ hội nên tại chùa Hương rất đông người. Du khách cần chú ý giữ gìn tốt tài sản cá nhân của mình khi hành hương để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc;

- Để tránh tình trạng bị chặt chém, du khách nên hỏi giá trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ nào.

Chí Tâm

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục