Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 27,8 tỷ USD
6 tháng đầu năm 2024, thương mại Việt Nam - Trung Quốc chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ 95 tỷ USD.
Dòng chảy thương mại được khơi thông, đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường lớn gia tăng, kéo theo nhu cầu nhập máy móc, nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp của Việt Nam đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 67 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3%.
Thương mại Việt Nam - Trung Quốc chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ 95 tỷ USD |
Đáng chú ý, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 40 tỷ USD, tăng gần 68% so với cùng kỳ năm 2023 và chỉ kém mức nhập siêu của cả năm 2023 hơn 9 tỷ USD (năm 2023, Việt Nam nhập siêu từ thị trường này 49,4 tỷ USD).
Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp hàng hóa đầu vào lớn nhất cho Việt Nam, chiếm gần 37,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm. Trung Quốc được mệnh danh là "công xưởng thế giới," cung cấp đa dạng các sản phẩm từ máy móc, thiết bị đến nguyên liệu đầu vào cho các ngành xuất khẩu như điện thoại, máy tính, vải, và nguyên phụ liệu giày dép, dệt may.
Trong ngành dệt may, các doanh nghiệp đã chi 7,118 tỷ USD để nhập khẩu vải nguyên liệu, trong đó 70% được nhập từ Trung Quốc. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu điện thoại và máy tính từ Trung Quốc luôn dẫn đầu.
Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 6/2024 đạt hơn 5,14 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước đó, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 27,8 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,11 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 22% tỷ trọng; tiếp đến là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 6 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 21,6% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là nhóm hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD, tăng 84,2%, chiếm 8,7% tỷ trọng.
Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước: Hàng rau quả tăng 22,4%; hóa chất tăng 64%; hạt điều tăng 40%; cà phê tăng 45,1%; quặng và khoáng sản khác tăng 223,4%.
Năm 2024, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trọng điểm của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao. Ngoài các mặt hàng thế mạnh như rau quả, thủy sản, các doanh nghiệp đang tập trung tăng thị phần các mặt hàng còn nhiều tiềm năng như cao-su, hạt tiêu, sắn…
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc có thể đạt 200 tỷ USD
Với sự cải thiện mạnh mẽ về thương mại trong nửa đầu năm 2024, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm nay có thể tiến gần đến mức 200 tỷ USD. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như nửa đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt 190 tỷ USD; nếu phục hồi tốt hơn, con số này có thể vượt 200 tỷ USD.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6%, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6%, chiếm 33,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, các ngành hàng, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để hưởng ưu đãi thuế quan.
Năm 2023, giá trị hàng hóa được cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo các hiệp định như ACFTA và RCEP đạt 19,4 tỷ USD. Những mặt hàng xuất khẩu sử dụng ưu đãi cao này bao gồm rau quả, sợi dệt, cao su và các sản phẩm từ cao su, giày dép, và hàng dệt may.
Có thể thấy, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như ACFTA, RCEP.