Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 16 tỷ USD

(Banker.vn) 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 16,01 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm tên 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD Dư địa xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản còn rất lớn

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 2,27 tỷ USD, giảm 1,6% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2024 đạt 16,01 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Với dân số hơn 126 triệu người, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt, sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê…

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 16 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 16 tỷ USD. Ảnh: Minh An

Trong tháng 8, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này là hàng dệt may đạt 453 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng năm trước. Tiếp đến là phương tiện vận tải và phụ tùng đạt gần 278 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng năm trước.Tiếp sau là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 250,6 triệu USD, tăng 12,1% so với cùng năm trước.

Lũy kế 8 tháng năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 2,74 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 17,1% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,95 tỷ USD, tăng 3,2%, chiếm 12,1%. Tiếp sau là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 1,76 tỷ USD, chiếm 11% tỷ trọng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 36,5%; cà phê tăng 41,1%; phân bón các loại tăng 350,1%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 73,3%.

Đánh giá cao tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhất là liên quan tới mặt hàng nông sản, thực phẩm, theo các chuyên gia từ Nhật Bản, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam nhờ lợi thế ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chung giữa hai nước (04 FTA tính tới thời điểm này, gồm VJEPA, AJCEP, CPTPP và RCEP). Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này vẫn còn khá khiêm tốn khi chỉ chiếm 6,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới năm 2023.

Về phía Nhật Bản, Việt Nam đứng vị trí thứ 8 trong danh sách các nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Nhật Bản, tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cũng mới chỉ chiếm 3,3% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của nước này (Số liệu năm 2023 của ITC Trademap). Như vậy có thể thấy tiềm năng và dư địa cho xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản vẫn còn rất đáng kể.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục