Kiên trì, nỗ lực để Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

(Banker.vn) Cần sự nỗ lực, cố gắng của cả các cơ quan chức năng và doanh nghiệp để Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Quan điểm của Bộ Công Thương về việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường 'Việt Nam đáp ứng tất cả các tiêu chí công nhận nền kinh tế thị trường'

Quan tâm đặc biệt đến việc chặn gian lận xuất xứ hàng hoá

Ngày 2/8/2024, Bộ Công Thương thông tin, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận rằng, mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Kiên trì, nỗ lực để Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hoa Kỳ

Bày tỏ rằng đây là một quyết định đáng buồn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam – Hoa Kỳ mới nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trước mắt, quyết định này sẽ tác động đến các vụ kiện tranh chấp, chống bán phá giá hàng Việt Nam ở thị trường Hoa Kỳ. Từ đó, ảnh hưởng ít nhiều đến kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia, vốn đang có sự phát triển hết sức mạnh mẽ.

“Đây là quyết định chưa công bằng, nhất là với nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành của Việt Nam trong việc nỗ lực cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tuân thủ theo các khung khổ hội nhập đã ký kết. Song, đây là cuộc chiến lâu dài, cần tiếp tục kiên định mục tiêu chứng minh để Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam” – ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.

Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế kinh tế theo hướng thị trường, tạo môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, công bằng và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi công vụ, phục vụ hiệu quả cho việc phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực kinh tế theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đúng theo xu hướng của các nước tiên tiến đang đặt ra. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường.

Thêm nữa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước, đồng thời đáp ứng như cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, tiếp tục thực thi hiệu quả các FTA Việt Nam đã ký kết với các nước.

“Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần sẵn sàng giải trình các vấn đề với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ về giá thành sản xuất sản phẩm một cách minh bạch, trung thực. Đồng thời, quan tâm đặc biệt đến việc ngăn chặn hàng hoá của nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để gian lận xuất xứ hàng hoá” – ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Quyết định có tác động đến thương mại hai chiều, song không lớn

Trước đó, tính đến tháng 6/2024, đã có 72 nền kinh tế đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh…

Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực khẳng định, xây dựng và phát triển hiện thực hoá các thể chế kinh tế thị trường cả trong các văn kiện và quy định pháp lý nền tảng của Đảng, Nhà nước, cũng như trong hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành trên thực tế trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.

Nhờ chuyển đổi mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, trong suốt gần 40 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Đối với xuất nhập khẩu, trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002 - 2021) của Việt Nam đã đạt con số 5.146 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 10 năm từ năm 2012 đến năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần xuất nhập khẩu của 10 năm về trước cộng lại.

Năm 2022, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục với con số 732,5 tỷ USD. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 681 tỷ USD do những khó khăn của tình hình dịch bệnh. Năm nay, xuất nhập khẩu đang phục hồi mạnh và dự kiến sẽ đạt trên 750 tỷ USD, tiếp tục lập một kỷ lục mới.

Đối với Hoa Kỳ, thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt 74,4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng mạnh ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến tiếp tục vượt 100 tỷ USD, kéo dài thành tựu của những năm trước đó.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, hiện nay, các mặt hàng của Việt Nam như da giày, dệt may, nông sản, máy móc thiết bị... xuất khẩu sang Hoa Kỳ ngày càng được cải thiện về chất lượng, giá thành cạnh tranh nên được phía bạn ưa chuộng

“Trong bối cảnh thương mại hai chiều liên tục tăng trưởng mạnh, quyết định của phía Hoa Kỳ dù đáng buồn, nhưng trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều đến thương mại hai chiều của hai nước. Tuy nhiên, hàng Việt Nam vẫn sẽ chưa được xem xét công bằng và sẽ phải đối diện với nhiều các vụ kiện phòng vệ thương mại. Cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần kiên trì đấu tranh, đồng thời duy trì cho được chất lượng hàng hoá xuất khẩu sang phía bạn, dự báo sớm các nguy cơ phòng vệ thương mại để hạn chế tác hại từ sớm, từ xa” – ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Lan Phương

Theo: Báo Công Thương