Kiến tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác Hợp tác Việt Nam-Nam Phi

(Banker.vn) ĐS Hoàng Sỹ Cường cho biết Việt Nam - Nam Phi vẫn chia sẻ cách nhìn gần gũi về các vấn đề an ninh, hợp tác và quyết tâm thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương.
Việt Nam-Nam Phi quyết tâm đưa kim ngạch thương mại lên mức 2 tỷ USD Đưa quan hệ Việt Nam - Nam Phi đi vào chiều sâu, thực chất

Nhân dịp Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Cộng hòa Nam Phi từ ngày 14-17/9 và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, phóng viên TTXVN tại Pretoria đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Sỹ Cường về những thành tựu và triển vọng trong quan hệ song phương. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam-Nam Phi?

Đại sứ Hoàng Sỹ Cường: Việt Nam và Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức ngày 22/12/1993, nhưng từ lâu hai bên đã có mối quan hệ truyền thống, với dấu mốc lịch sử là cuộc gặp giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vào năm 1955 nhân Hội nghị Bandung, Indonesia.

Kien tao dong luc moi cho quan he Doi tac Hop tac Viet Nam-Nam Phi hinh anh 1

Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Sỹ Cường. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Thắng lợi của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân, đế quốc, thống nhất đất nước được xem là nguồn cảm hứng, sự khích lệ tinh thần mạnh mẽ và là kinh nghiệm tham khảo cho cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi đánh đổ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, xây dựng nền dân chủ vào năm 1994.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã không ngừng nỗ lực để phát triển quan hệ song phương phát triển thực chất, đạt kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực cụ thể.

Hiện nay, hai nước là đối tác hợp tác hàng đầu của nhau tại khu vực châu Phi và Đông Nam Á.

Trong giai đoạn mới, bối cảnh tình hình quốc tế và nhiều khu vực trên thế giới diễn biến nhanh và phức tạp, nhiều bất ổn, Việt Nam và Nam Phi vẫn chia sẻ cách nhìn gần gũi về các vấn đề an ninh, hợp tác và phát triển, nhất quán và quyết tâm thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương.

Có thể nói hai dân tộc đã cùng nhau đi qua chặng đường dài, đồng hành và ủng hộ nhau mạnh mẽ trong đấu tranh vì độc lập tự do, dân chủ, dân sinh và tiến bộ, công bằng xã hội.

Xin Đại sứ cho biết quan hệ Việt Nam-Nam Phi đã đạt được những kết quả, thành tựu gì trong 30 năm qua?

Đại sứ Hoàng Sỹ Cường: Trên nền tảng truyền thống quan hệ tốt đẹp, xuất phát từ nhu cầu và sự quan tâm, nỗ lực của hai bên, quan hệ giữa hai nước trong 30 năm qua đã phát triển tốt đẹp trên tất cả các kênh đảng, nhà nước, giao lưu nhân dân; tăng cường hợp tác nhiều mặt, có kết quả tốt.

Về chính trị, hai nước đã duy trì quan hệ song phương tốt đẹp, tin cậy, gần gũi và chia sẻ nhiều nét tương đồng, thể hiện ở việc lãnh đạo cấp cao hai bên thăm nhau, trong đó có chuyến thăm của Tổng thống Thabo Mbeki (2007), Phó Tổng thống Kgalema Motlanthe (2010), Phó Tổng thống Cyril Ramaphosa (2016) tới Việt Nam; của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (1994), Thủ tướng Phan Văn Khải (2004), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (2011), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (2019) tới Nam Phi.

Trao đổi đoàn thường xuyên giúp duy trì và củng cố sự tin cậy, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần định hướng cho hợp tác cụ thể của các bộ ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp hai bên.

Việt Nam và Nam Phi cũng phối hợp rất tốt trong tham vấn lập trường và ủng hộ nhau trên nhiều diễn đàn quốc tế đa phương quan trọng (Liên hợp quốc, Phong trào Không Liên kết, Hợp tác Nam-Nam...).

Gần đây, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy, góp phần vào việc Nam Phi chính thức được công nhận là Đối tác đối thoại theo lĩnh vực/ngành của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 7/2023, mở ra cơ hội để Nam Phi tăng cường quan hệ và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á phát triển năng động.

Nam Phi cũng đã ủng hộ Việt Nam trở thành quan sát viên của Liên minh châu Phi trong năm 2022; đặc biệt vừa mới đây, với tư cách là Chủ tịch Luân phiên Nhóm BRICS, Nam Phi đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS Mở rộng (ngày 24/8/2023), thể hiện quan hệ tốt đẹp đồng thời coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam.

Cho đến nay Nam Phi là Đối tác Hợp tác vì Phát triển duy nhất của Việt Nam tại châu Phi.

Hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển tương đối khá. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 6 lần trong khoảng 15 năm qua, từ 192 triệu USD năm 2007 lên gần 1,3 tỷ USD vào năm 2022.

Đặc biệt, trao đổi thương mại duy trì ổn định suốt đại dịch COVID-19 cho thấy cơ cấu trao đổi hàng hóa giữa hai nền kinh tế khá ổn định, có sự bổ sung cho nhau.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, hàng nông sản (cà phê, gạo, điều, tiêu), và nhập khẩu từ bạn trái cây (nho, táo, lê), gỗ, khoáng sản, hóa chất.

Các lĩnh vực hợp tác khác về an ninh, quốc phòng, gìn giữ hòa bình, quản lý động vật hoang dã và đa dạng sinh học, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục đại học, tư pháp, du lịch, phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã… cũng được hai bên quan tâm triển khai.

Theo Đại sứ, trong thời gian tới, Việt Nam và Nam Phi cần làm gì để thúc đẩy quan hệ đạt hiệu quả cao hơn?

Đại sứ Hoàng Sỹ Cường: Nhìn tổng thể, quan hệ chính trị giữa hai nước rất tốt đẹp, hai bên chia sẻ nhiều điểm chung. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, hiệu quả quan hệ kinh tế chưa xứng tầm với quan hệ chính trị.

Để từng bước nâng hiệu quả thực chất trong quan hệ, nhất là về kinh tế, cần kiên trì, quyết tâm thúc đẩy hợp tác trên các mặt.

Trước hết, cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, đặc biệt là cấp cao, trên tất cả các kênh, hình thức đa dạng hơn; tiếp tục phát huy tốt tham vấn, phối hợp, hợp tác trên các diễn đàn đa phương để không ngừng củng cố và xây dựng sự tin cậy chính trị.

Hai bên cần tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của hai nước; làm mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn sự quan tâm, hiểu biết về nhau giữa nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ; quan tâm chính đáng để dần phát triển cộng đồng người Việt ở Nam Phi - vốn còn khiêm tốn về số lượng và vị thế và cộng đồng người Nam Phi ở Việt Nam.

Thứ hai, tập trung lựa chọn những lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu, có khả năng bổ sung cho nhau cao để tập trung tăng chiều sâu hợp tác cùng có lợi (về khai khoáng, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch, giáo dục đào tạo, thương mại, logistics, tài chính ngân hàng...).

Cần nhìn thị trường Nam Phi không chỉ với 60 triệu dân của nước này mà còn là cửa ngõ quan trọng vào châu Phi, nhất là khu vực miền Nam châu Phi.

Kien tao dong luc moi cho quan he Doi tac Hop tac Viet Nam-Nam Phi hinh anh 2
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh Nam Phi Nomalungelo Gina trao đổi biên bản Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban Thương mại Hỗn hợp Việt Nam-Nam Phi. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)

Tương tự, Nam Phi cũng coi trọng thị trường Việt Nam với 100 triệu dân, cũng như rộng hơn là thị trường Đông Nam Á.

Tất nhiên, có một số khó khăn, thách thức, nhất là xa về địa lý, cũng như một số hạn chế, vướng mắc của cả hai bên, cần nỗ lực vượt qua với cái nhìn về lợi ích lâu dài.

Thứ ba, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Diễn đàn Đối tác Liên Chính phủ Việt Nam-Nam Phi, Ủy ban Thương mại Hỗn hợp Việt Nam-Nam Phi và các cơ chế hợp tác chuyên ngành khác.

Đặc biệt cần quan tâm rà soát để cập nhật, đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác song phương trên các lĩnh vực, bảo đảm khả thi, thiết thực.

Điểm nhấn hoạt động trong kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là gì thưa Đại sứ?

Đại sứ Hoàng Sỹ Cường: Trong suốt năm 2023, cả Việt Nam và Nam Phi đều có các hoạt động rất tích cực, sôi nổi để kỷ niệm 3 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo hứng khởi cho thúc đẩy quan hệ song phương.

Về phía Việt Nam, số lượng trao đổi đoàn các cấp tăng lên. Chương trình Ngày Việt Nam tại Nam Phi diễn ra trong tháng 9 với nhiều hoạt động về giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam; tọa đàm hợp tác kinh tế Việt Nam-Nam Phi với sự tham gia của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước sẽ là trọng tâm của năm.

Đặc biệt, dự kiến Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ có chuyến thăm chính thức đến Nam Phi sắp tới đây, diễn ra cùng dịp tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời được mong đợi tiếp thêm động lực để hai bên thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả với các nội dung cụ thể, nhất là để doanh nghiệp hai nước nắm bắt các cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Với sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Ngoại giao và các cơ quan trong nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đang tích cực phối hợp chuẩn bị cho các hoạt động này.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./

www.vietnamplus.vn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục