Kiến nghị sửa đổi nhiều nội dung về xếp hạng tín dụng ngân hàng phù hợp với thực tiễn

(Banker.vn) Sáng 27/8, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tham dự tọa đàm trực tuyến có ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; đại diện lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (CQTTGSNH), Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng; các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các thành viên CLB Pháp chế Ngân hàng; và các thành viên thuộc nhóm Công tác Ngân hàng nước ngoài (VBF).

Phát biểu tại khai mạc Tọa đàm, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Thông tư 52/2018/TT-NHNN (Thông tư 52) là văn bản pháp lý rất quan trọng liên quan đến xếp hạng các TCTD và sau hơn 2 năm thực hiện, cơ quan quản lý đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung. Qua nghiên cứu và lấy ý kiến các hội viên, chúng tôi nhận thấy Thông tư 52 có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến việc đánh giá xếp hạng các TCTD, cách xác định các hệ số, tỷ số, ngưỡng an toàn, chất lượng tài sản… để từ đó trong xếp hạng, chấm điểm phù hợp đối với các nhóm ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...

Để dự thảo Thông tư được hoàn thiện, phù hợp với các yêu cầu thực tế, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các TCTD trên tinh thần xây dựng, có trách nhiệm phản ảnh những vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 52 và các nội dung dự kiến sửa đổi đã sát thực tiễn chưa?. Cần bổ sung thêm nội dung nào?. Để cơ quan soạn thảo văn bản tổng hợp, tham mưu, xây dựng chính sách đảm bảo an toàn hệ thống, hạn chế lỗ hổng và phù hợp với thực tiễn.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng, cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 52, các TCTD gặp 16 khó khăn, vướng mắc đề nghị Ban soạn thảo Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Thông tư, gồm: phương pháp xếp hạng; phân nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) để xếp hạng; nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu (Điều 3); tiêu chí về vốn (Điều 7); tiêu chí về chất lượng tài sản (Điều 8); quản trị điều hành (Điều 9); chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh (Điều 10); tiêu chí khả năng thanh khoản (Điều 11); mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường (Điều 12); ngưỡng tính điểm từng chỉ tiêu định lượng (Điều 14); cách tính điểm nhóm chỉ tiêu định tính (Điều 16); quy định cách tính điểm xếp hạng (Điều 19); quy định về xếp hạng (Điều 20); thông báo kết quả xếp hạng (Điều 22); thời hạn và phương thức báo cáo kết quả tự chấm điểm xếp hạng của TCTD; các nội dung chấm điểm.

Đơn cử như khó khăn về phương pháp xếp hạng, ông Long cho biết, các hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, việc chia các mức xếp hạng chỉ gồm 5 mức A, B, C, D, E như hiện tại đang quá rộng. Dải điểm trong một hạng cũng khá lớn khiến nỗ lực của các ngân hàng trong việc cải thiện điểm số chưa được ghi nhận đúng khi các ngân hàng đạt điểm 4.49 sẽ đạt được xếp hạng tương tự ngân hàng đạt điểm 3.5. Do đó, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị: “NHNN xem xét xây dựng quy định xếp hạng các NHTM Việt Nam như đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế theo hướng xem xét chia nhỏ xếp hạng trong các xếp hạng lớn A, B, C, D, E thành các mức nhỏ hơn như A1, A2, B1, B2,… để đảm bảo ghi nhận việc phân loại được chính xác và đầy đủ nhất”.

Hay các quy định về phân nhóm các NHTM để xếp hạng cũng đang gây ra nhiều khó khăn cho các NHTM và chưa phù hợp với thực tế, bởi quy mô tổng tài sản của các NHTM là không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn về cấp độ, cách thức quản trị điều hành và hiệu quả kinh doanh cũng rất khác nhau. Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các quy định về tiêu chí, điểm số và trọng số tại Thông tư 52 là chưa phù hợp để đánh giá, xếp hạng đối với các NHTM lớn. Do đó, thay vì phân loại các NHTM thành 2 nhóm như quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Ban soạn thảo xem xét phân nhóm các NHTM theo các cấp độ chi tiết hơn, trong đó các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ đồng trở lên cần có phương thức đánh giá phù hợp.

Đối với tiêu chí về vốn, Hiệp hội cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét chỉnh sửa quy định về điểm đối với tiêu chí vốn theo hướng tính điểm tối đa đối với các NHTM tuân thủ tỷ lệ CAR theo quy định của NHNN; xem xét có cơ chế cộng điểm nếu tỷ lệ CAR cao hơn một mức nhất định để khuyến khích các NHTM thực hiện các giải pháp nâng cao mức độ an toàn vốn; đồng thời xem xét đánh giá, xếp hạng mức độ an toàn vốn của các NHTM theo các cấp độ gắn với quy mô tổng tài sản.

Theo quy định tại Thông tư 52, việc đánh giá tiêu chí về chất lượng tài sản (Điều 8) được dựa trên chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu và nợ cơ cấu tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu. Tuy nhiên, trong năm 2020, nợ cơ cấu tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu của một số TCTD tăng do một số nguyên nhân khách quan (do đại dịch COVID-19 và các NHTM thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với những khách hàng vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP), làm giảm điểm xếp hạng đối với tiêu chí chất lượng tài sản của TCTD. Để đảm bảo đánh giá đầy đủ và khách quan hơn, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Ban soạn thảo xem xét loại trừ một số các yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của NHTM khi tính điểm chỉ tiêu này.

Trực tuyến tại các điểm cầu - Ảnh chụp màn hình

Trao đổi tại Tọa đàm, đại diện Ngân hàng BIDV nhìn nhận Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều nội dung góp ý từ phía các TCTD và mong Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu thêm nhiều ý kiến khác nữa để tháo gỡ cho các TCTD. Dự thảo Thông tư phân các TCTD thành 2 nhóm (nhóm các TCTD có tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ đồng và từ 100 nghìn tỷ đồng trở xuống) là bất cập.

BIDV hiện có tổng trên 1,5 triệu tỷ đồng, có nhiều đặc thù trong hoạt động do là ngân hàng có vốn nhà nước. BIDV luôn tiên phong trong thực thi các chính sách của Chính phủ. Chẳng hạn, với chủ trương giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng khó khăn do dịch COVID-19 của Chính phủ, NHNN, BIDV đã giảm 6.400 tỷ đồng lãi suất theo nhiều chương trình vào năm ngoái. Năm nay, BIDV dự kiến sẽ giảm 6.000-7.000 tỷ đồng lãi suất, trong khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của ngân hàng rất mỏng. Với đặc thù hoạt động như vậy, đại diện BIDV cho rằng cần xem xét lại các ngưỡng tính điểm, các chỉ tiêu định lượng về vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu...

Thực tế, hệ số CAR của các ngân hàng có vốn Nhà nước đang thấp hơn các NHTM cổ phần, vì quá trình tăng vốn của các NHTM nhà nước phải qua nhiều quá trình phê duyệt, cần phải có thời gian. Do vậy, đại diện BIDV đề nghị: dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 52 cần quy định thông thoáng, thực tế, thực tiễn hơn để các ngân hàng có vốn nhà nước không bị mất lợi thế cạnh tranh, tạo điều kiện cho các TCTD trong quá trình thực thi.

Trong khi đó, đại diện Agribank đề nghị xem xét phân nhóm các ngân hàng với nhiều cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ chênh nhau khoảng 200 – 300 nghìn tỷ đồng, nhằm đảm bảo sự công bằng và đánh giá thực tế hơn. Bên cạnh đó, đại diện Agribank cũng cho rằng, Thông tư 52 và dự thảo Thông tư đang quy định việc tính và trừ điểm dựa trên số lần vi phạm bị xử phạt nhưng không xét trên cùng một mặt bằng về quy mô, mạng lưới, số lượng lao động… là bất hợp lý. Với mạng lưới 935 chi nhánh, Agribank sẽ có rủi ro vi phạm nhiều hơn so với các ngân hàng quy mô chỉ vài chục chi nhánh. Do vậy, đại diện Agribank đề nghị, khi tính điểm chỉ tiêu này cần xét đến các yếu tố đặc thù của các TCTD để đánh giá khách quan, công bằng, phù hợp thực tế hơn.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, đại diện Techcombank cho rằng, dự thảo quy định 5 mức xếp hạng là quá rộng, nên điều chỉnh thành 9 mức xếp hạng và điểm xếp hạng được chấm điểm trên thang điểm 10 để ngân hàng có cơ hội cải thiện khi so sánh với các ngân hàng bạn và so sánh với chính mình qua các thời kỳ.

Đối với nhóm chỉ tiêu định tính, trong việc tính và trừ điểm dựa trên số lần vi phạm, đại diện Techcombank đề nghị làm rõ và thống nhất cách hiểu thế nào là vi phạm tránh bất cập trong cách hiểu và xác định hành vi vi phạm giữa các cơ quan thanh tra. “Đề nghị chỉ trừ điểm đối với các vi phạm đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, đại diện Techcombank đề nghị.

Tại buổi tọa đàm, đại diện HDBank cũng kiến nghị: “nếu các vi phạm do công ty kiểm toán hoặc do chính các ngân hàng phát hiện, thì không tính điểm trừ vì đây là các vi phạm được phát hiện sớm, mang tính chất cảnh báo, nhắc nhở, chưa chắc có vi phạm”.

Là một trong những công ty tài chính tham gia phát biểu tại tọa đàm, đại diện HD Saison kiến nghị, Ban soạn thảo cần xem xét tính đặc thù của các công ty tài chính là cho vay tín chấp và rủi ro lớn. Nếu áp các tỷ lệ như ngân hàng thì các công ty tài chính không đáp ứng được, ví dụ như tỷ lệ nợ xấu, các công ty tài chính không thể đạt được tỷ lệ nợ xấu 3% như ngân hàng. Do đó, đại diện của HD Saison đề nghị áp dụng các chỉ số cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù công ty tài chính tiêu dùng.

Tham gia phát biểu tại tọa đàm, đại diện Standard Chartered Việt Nam - thành viên thuộc nhóm Công tác Ngân hàng nước ngoài (VBF) cho rằng, TCTD có cơ chế kiểm soát nội bộ tốt thì sẽ tự phát hiện các vi phạm và có biện pháp ngăn chặn. Do đó, với các vi phạm do TCTD tự kê khai thì không nên trừ điểm.

Còn đại diện Sumitomo Mitsui Bank (SMBC) cho rằng, nếu tính chỉ tiêu khách hàng có dư nợ tín dụng lớn là khách hàng có dư nợ cấp tín dụng chiếm từ 5% vốn tự có trở lên của TCTD thì rất khó cho ngân hàng bán buôn như SMBC vì khách hàng của ngân hàng hầu hết là doanh nghiệp lớn. Thực tế cho thấy, NIM của ngân hàng bán buôn thấp hơn so với NIM của ngân hàng bán lẻ. Do đó, nếu dùng NIM để đánh giá hiệu quả hoạt động của các TCTD là chưa chính xác. Trên cơ sở đó, đại diện của SMBC đề nghị: Cần có tiêu chí chính xác đối với từng loại TCTD.

Tại tọa đàm, đại diện Standard Chattered Việt Nam và SMBC cũng đề nghị NHNN cho phép ngân hàng báo cáo kết quả xếp hạng với ngân hàng mẹ, với điều kiện ngân hàng mẹ phải đảm bảo bí mật về kết quả này.

Trao đổi lại với các TCTD, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ ghi nhận những ý kiến đóng góp của các TCTD tại buổi tọa đàm và cho biết, Vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với CQTTGSNH – đơn vị đầu mối sửa đổi, bổ sung Thông tư 52 – sửa đổi Thông tư 52 sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Qua các ý kiến từ TCTD về vướng mắc trong cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 và Nghị định 55 của Chính phủ, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, các TCTD, trong đó có Agribank có lượng khách hàng rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khoản cấp tín dụng cho các đối tượng này có mức độ rủi ro rất cao. Nếu siết các khoản cơ cấu lại nợ theo Nghị định 55, hay nợ cơ cấu tiềm ẩn rủi ro để đánh giá xếp loại TCTD có thể gây bất lợi đối với TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn cao. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để sửa đổi các quy định sát với thực tiễn.

Đại diện CQTTGSNH cho biết, trong quá trình thực hiện Thông tư 52, các TCTD rất quan tâm và thực hiện nghiêm túc các quy định, điểm xếp hạng thay đổi hàng năm với xu thế tích cực hơn. Quá trình sửa đổi, bổ sung, CQTTGSNH cân nhắc điều chỉnh sửa đổi cùng với đánh giá tác động dịch COVID-19 tới các TCTD trong thời gian tới. CQTTGSNH đã lấy ý kiến các đơn vị, các TCTD và nghiên cứu ý kiến đóng góp, có đánh giá tác động của các kiến nghị đó để phù hợp, đảm bảo công bằng và phù hợp thực tiễn. Sắp tới, CQTTGSNH sẽ có báo cáo đánh giá cụ thể chi tiết đối với các góp ý để báo cáo NHNN và xem xét điều chỉnh trong thời gian tới.

Kết luận cuộc Tọa đàm, Tổng thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá dự thảo Thông tư chưa bao trùm hết các ý kiến hội viên. Tới đây, Hiệp hội tiếp tục tổng hợp ý kiến các TCTD và phối hợp cơ quan soạn thảo, báo cáo NHNN và mong cơ quan soạn thảo lắng nghe ý kiến hội viên để ban hành văn bản phù hợp với thực tiễn.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ với hội viên kết quả một số công việc tham gia xây dựng chính sách. Theo đó, về thuế giá trị gia tăng đối với thư tín dụng (L/C), cơ bản Bộ Tài chính thống nhất quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng, xác định nghiệp vụ thư tín dụng là nghiệp vụ lưỡng tính, phần nào là nghiệp vụ tín dụng sẽ chịu thuế VAT, phần không là nghiệp vụ tín dụng sẽ không phải chịu thuế. Hiệp hội đề nghị các hội viên tập trung rà soát báo cáo Ngân hàng Nhà nước để bóc tách xác định rõ phần thanh toán, phần tín dụng và Hiệp hội sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ, triển khai nội dung này để ý kiến của các hội viên được tiếp thu.

Đối với việc giảm phí tin nhắn dịch vụ SMS, Hiệp hội sẽ tổ chức Tọa đàm ghi nhận ý kiến các tổ chức hội viên và sẽ có báo cáo gửi Chính phủ. Về việc sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, trên cơ sở ý kiến các hội viên, Hiệp hội có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước. Về việc sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai và đồng hành cùng hội viên, phối hợp với cơ quan soạn thảo để ban hành chính sách sát với thực tiễn, tạo điều kiện cho hoạt động của các TCTD. Hiện, Hiệp hội đang rà soát tập hợp ý kiến các hội viên về Thông tư 22/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp, và sẽ tổ chức Hội thảo vào thời gian tới. 

Nhóm Phóng viên

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ