Kiểm toán Nhà nước: Nhiều hồ sơ không được hỗ trợ lãi suất 2%

(Banker.vn) Theo Kiểm toán nhà nước, Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/NĐ-CP không đạt mục tiêu, kết quả thực hiện còn rất thấp so với kế hoạch đề ra.
Kiểm toán nhà nước: Nhận diện những nút thắt trong quản lý đất đai Kiểm toán nhà nước kiến nghị Lào Cai thu hồi nộp ngân sách hơn 64,723 tỷ đồng

Kiểm toán nhà nước vừa trình Quốc hội báo cáo Tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung về hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Kiểm toán Nhà nước: Có hồ sơ đủ điều kiện nhưng số tiền hỗ trợ lãi suất bằng “0”
Theo Kiểm toán Nhà nước, có hồ sơ đủ điều kiện vay nhưng số tiền hỗ trợ lãi suất bằng “0”

Theo kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội về hỗ trợ lãi suất, nhìn chung công tác triển khai tại các tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo, các tổ chức tín dụng ban hành văn bản triển khai để các đơn vị trực thuộc có kế hoạch giải pháp thực hiện.

Báo cáo nêu rõ, công tác truyền thông của Ngân hàng Nhà nước chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, thể hiện ở việc sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn chưa như kỳ vọng, vẫn còn ý kiến phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhiều khó khăn khi tiếp cận chính sách.

Còn tại các ngân hàng thương mại, một số ngân hàng ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn còn chậm (MBBank, NCB, VIB, HSBC, Publicbank); chưa thực sự chú trọng tập huấn, hướng dẫn đào tạo nội bộ (NCB).

Theo tài liệu đơn vị cung cấp cho thấy không có bằng chứng thể hiện đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách (NCB, VIB, Publicbank, HSBC, Sacombank). Văn bản hướng dẫn nội bộ chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá “khả năng phục hồi” của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất (HSBC, Public Bank, NCB). Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa kịp thời, nội dung tuyên truyền sơ sài, không đầy đủ, rõ ràng (Shinhanbank, Publicbank).

Theo Kiểm toán nhà nước, tính đến ngày 31/12/2022, Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/NĐ-CP không đạt mục tiêu, kết quả thực hiện còn rất thấp so với kế hoạch đề ra, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 134 tỷ đồng, chỉ đạt 0,8%/tổng số hạn mức đã đăng ký và được phê duyệt, đạt 0,84% kế hoạch của năm 2022 (16.034,9 tỷ đồng).

Cũng trong năm 2022, có 15/44 ngân hàng thương mại không hỗ trợ lãi suất; 14/44 ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất dưới 01 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 7/2023, theo Báo cáo số 432/BC-CP của Chính phủ, số tiền hỗ trợ lãi suất mới đạt khoảng 681 tỷ đồng, tương đương 1,7% nguồn lực bố trí thực hiện chính sách.

Lý giải nguyên nhân, Kiểm toán nhà nước cho biết, có tâm lý e ngại về hồ sơ thủ tục hậu kiểm của khách hàng, hay việc khách hàng gặp khó khăn về chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với trường hợp khách hàng kinh doanh đa ngành nghề...

Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân chủ quan từ phía các ngân hàng thương mại như chưa chủ động, tích cực triển khai chính sách.

Theo số liệu thống kê các ngân hàng thương mại báo cáo Ngân hàng Nhà nước, có 13 ngân hàng thương mại không rà soát, thống kê được số hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo đánh giá chủ quan dẫn đến không triển khai chính sách một cách hiệu quả. Một số ngân hàng rà soát có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế số tiền lại bằng “0”.

Kiểm toán nhà nước chỉ ra việc một số ngân hàng tự rà soát số lượng khách hàng thuộc đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất tương đối lớn nhưng kết quả hỗ trợ lại rất thấp cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách còn hạn chế. Một số ngân hàng ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ chậm; công tác truyền thông chưa được chú trọng, không đẩy mạnh truyền thông sâu rộng đến từng khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất.

Song Hà

Theo: Báo Công Thương