Kiểm soát và xử lý nợ xấu: Thách thức lớn luôn thường trực

(Banker.vn) Kiểm soát và xử lý nợ xấu vẫn tiếp tục là cơn đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024.
Xử lý nợ xấu để gia tăng hiệu quả hoạt động Ngân hàng quyết liệt xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng Ngân hàng ''mắc kẹt'' với khoản nợ xấu hàng trăm tỷ của Tân Hoàng Minh

Nợ xấu đạt đỉnh vào quý III

Nợ xấu vẫn tiếp tục là cơn đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024. Ngay trong quý đầu năm, số dư nợ xấu của phần lớn ngân hàng đều ghi nhận tăng và có tới 2/3 trong số ngân hàng niêm yết là tăng hai chữ số.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng có công bố báo cáo tài chính quý I/2024, nợ xấu đã tăng từ 1,94% vào đầu năm 2023 lên 2,18% với tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng. Trong đó, số dư nợ xấu của 26/28 nhà băng đã tăng so với cuối năm rồi. Chỉ có 2 ngân hàng có chất lượng nợ vay cải thiện là VPBank giảm gần 1% nợ xấu và SHB giảm 0,1%.

Còn theo dữ liệu ngành của WiChart, trong quý đầu năm, số dư nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ngành ngân hàng đã bất ngờ quay đầu tăng thêm 14% so với cuối năm 2023, lên 224.010 tỷ đồng. Đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng, vượt qua mức đỉnh ghi nhận hồi quý III/2023. So với cuối năm 2022, nợ xấu toàn ngành đã tăng tới 64%. Đồng thời, nợ nhóm 2 tăng hơn 10% so với cuối năm 2023.

Nhìn từ số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 71,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước cho thấy thực tế một lớp nợ xấu mới sắp hình thành trong thời gian tới.

Tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,32 triệu tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023
Nợ xấu đã tăng từ 1,94% vào đầu năm 2023 lên 2,18% với tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng

Trong báo cáo phân tích mới đưa ra của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nguyên nhân khiến nợ xấu tăng trở lại phần nhiều liên quan đến cho vay lĩnh vực bất động sản, gồm cả nhóm khách hàng doanh nghiệp và nhóm khách hàng cá nhân. Trong quý I/2024, một số ngân hàng đã bị phân loại lại nhóm nợ theo CIC, dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Dự báo về chất lượng tài sản ngân hàng, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý III năm nay, hoặc chậm nhất là quý IV. “Sau khi tăng trưởng phục hồi, doanh nghiệp hồi phục thì nợ xấu sẽ đạt đỉnh” - ông Huân nói.

Tương tự, các chuyên gia phân tích của VDSC đánh giá cũng đánh giá nợ xấu dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong vài quý tới do thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn do các nút thắt chưa hoàn toàn được tháo gỡ.

VDSC cũng kỳ vọng bức tranh nợ xấu sẽ có tín hiệu khả quan từ quý cuối năm nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc và thị trường bất động sản phục hồi dần cũng như chính sách tín dụng thận trọng hơn.

Không thể để ngân hàng “đơn thương độc mã”

Điểm tích cực liên quan đến vấn đề nợ xấu của các ngân hàng là mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT- NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng đến hết ngày 31/12/2024.

Kiểm soát và xử lý nợ xấu: Thách thức lớn luôn thường trực
Thị trường bất động sản tuy có ấm lên nhưng chỉ ở một vài phân khúc, còn lại vẫn trầm lắng

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ, lãi và tiếp cận dòng vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh, việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn giảm bớt áp lực nợ xấu cho các ngân hàng, giúp ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt và các ngân hàng vẫn phải đề cao cảnh giác với tình trạng nợ xấu “ẩn mình” dưới dạng cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Bản thân một số lãnh đạo ngân hàng cũng quan ngại khi Thông tư 06 hết hiệu lực thì liệu số doanh nghiệp được cơ cấu nợ có phục hồi hay không? Sự không chắc chắn trong môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến mức độ phục hồi của doanh nghiệp, từ đó tác động nhất định đến chất lượng tài sản của ngân hàng có thể sẽ suy giảm, nguy cơ nợ xấu lại dềnh lên.

Áp lực nợ xấu phát sinh thêm có thể giảm bớt, nhưng theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, xử lý nợ xấu luôn là vấn đề làm đau đầu ngân hàng. Thị trường bất động sản tuy có ấm lên nhưng chỉ ở một vài phân khúc, còn lại vẫn trầm lắng. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, quyền xử lý nợ xấu nhất là tài sản đảm bảo của các ngân hàng bị hạn chế nhiều dẫn đến thu hồi nợ chậm hơn.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cho hay, muốn xử lý cục máu đông nợ xấu, không thể để ngân hàng “đơn thương độc mã” mà cần có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương mới giải quyết được. Cụ thể ở đây, phải tinh gọn quy trình thủ tục xử lý tài sản đảm bảo; sửa đổi Luật liên quan phù hợp hơn với thực tiễn như Luật Dân sự… quy trách nhiệm rõ ràng cho những người có khả năng mà chây ỳ không trả nợ.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, chỉ khi kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả mới giảm được rủi ro nợ xấu. Với các ngân hàng thì “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, giải pháp căn cơ đối với vấn đề nợ xấu vẫn là nâng cao chất lượng tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, mặc dù nợ xấu đã được tổ chức tín dụng xử lý một bước quan trọng nhưng có xu hướng tăng do biến động tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới cùng những khó khăn của nền kinh tế trong nước đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng trả nợ gốc/lãi ngân hàng suy giảm. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục