Kiểm soát thực phẩm nhập lậu, khó từ đâu?

(Banker.vn) Vi phạm về an toàn thực phẩm trên cả nước vẫn đáng lo ngại. 5 tháng đầu năm nay có 3.596 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, với số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng.
Bắc Giang: Xử lý hộ kinh doanh thực phẩm nhập lậu Quảng Ninh: Tạm giữ hơn 2.400 sản phẩm thực phẩm nhập lậu

Vi phạm thực phẩm nhập lậu còn lớn

Ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường – cho biết: Qua kết quả kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong 5 tháng đầu năm 2024 cho thấy, có tổng số 3.596 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm bị kiểm tra; trong đó xử lý 2.887 vụ, số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng. Vi phạm về thực phẩm nhập lậu có nguồn gốc động thực vật 345 vụ, xử phạt hơn 6 tỷ đồng.

Vi phạm thực phẩm nhập lậu còn lớn
Vi phạm thực phẩm nhập lậu còn lớn

Một số vụ điển hình trong những tháng đầu năm nay như: Tháng 1/2024, Đội Quản lý thị trường số 25, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chương Mỹ, Công an xã Hữu Văn tiến hành kiểm tra kho đông lạnh của ông Nguyễn Bá Minh (trú tại thôn Quang Trung, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ) phát hiện, thu giữ 40 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiễm virus tả lợn châu Phi và dịch bệnh tai xanh chứa trữ trong 2 kho đông lạnh. Ngày 25/1/2024, Ban chỉ đạo 389 huyện Chương Mỹ chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát buộc cơ sở tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Hay trong tháng 3/2024, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang phối hợp trạm Cảnh sát Giao thông huyện Hàm Yên, Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Tuyên Quang tiến hành kiểm tra phương tiện xe ô tô và phát hiện gần 1,4 tấn mỡ lợn không có nguồn gốc xuất xứ.

Trong 4 và tháng 5/2024, các đội Quản lý thị trường cũng đã phát hiện, thu giữ nhiều vụ vi phạm thực phẩm có nguồn gốc động thực vật.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phối hợp tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng hóa nhập lậu đối với mặt hàng thực phẩm tại các khu vực cửa khẩu, biên giới và thị trường nội địa, đặc biệt sau đợt dịch bệnh, đã mang lại kết quả khả quan; trong đó nhiều vụ việc kiểm tra, phát hiện và xử lý tịch thu với số lượng lớn tang vật vi phạm là các loại thực phẩm đông lạnh có nguồn gốc động, thực vật.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lê cũng chia sẻ, việc quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trên môi trường internet, thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc truy xuất các giao dịch trực tuyến, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Bên cạnh đó, công tác tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm; đặc biệt là động thực vật mang dịch bệnh, hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng, gây hại tới sức khỏe, môi sinh môi trường… dễ gây ô nhiễm môi trường, do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác tiêu hủy hàng hóa.

Cộng với đó, việc một bộ phận người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm, ý thức tố giác tội phạm còn e dè, khiến cho công tác này gặp nhiều khó khăn. Tại khu vực biên giới, cửa khẩu, hoạt động nhập lậu thực phẩm vẫn lén lút diễn ra và luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nhất là thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động, thực vật…

Ngoài ra, việc hạn chế kinh phí kiểm nghiệm mẫu, tiêu hủy thực phẩm, công tác tuyên truyền… đã ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tỷ lệ số lượng mẫu được lấy để kiểm nghiệm chưa nhiều.

Phối hợp ngăn chặn thực phẩm bẩn

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm, diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo trật tự an sinh xã hội. Chúng ta không đánh đổi sức khỏe lấy kinh tế. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm liên quan đến nhiệm vụ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và của toàn dân chứ không chỉ của ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay Công Thương.

Song với vai trò của mình, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê cho biết, để thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới...

Bên cạnh đó, tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; công khai thông tin cá nhân, tổ chức vi phạm, vụ việc điển hình theo quy định; chủ động tăng cường tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng, phương tiện thông tin đại chúng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu phát hiện dấu hiệu và công khai thông tin cho người tiêu dùng biết theo quy định.

Đặc biệt, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương như công an, thanh tra y tế, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thanh tra Sở Công Thương, Hải quan, bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm có nguồn gốc từ động thực vật qua biên giới; không để hình thành đường dây, tụ điểm về hàng lậu, hàng giả tồn tại tại các địa phương; góp phần ngăn chặn thực phẩm bẩn trà trộn trên thị trường và bảo vệ sản xuất trong nội địa cũng như lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chú trọng kiểm tra các mặt hàng thực phẩm do Bộ Công Thương quản lý và kiểm tra trong lưu thông, nhằm ngăn chặn việc buôn bán thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục