Ngăn chặn, xử lý kịp thời các nguy cơ đe dọa mất an ninh kinh tế | |
Moody's nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương |
Thông điệp mới từ Chính phủ
Tại báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 8/2022, VNDirect cho biết, cuối tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tiếp có các cuộc họp với các bộ, ngành liên quan và đưa ra thông điệp quan trọng: “Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu hiện nay”.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn Số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 yêu cầu tăng cường các giải pháp kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể, Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ và có biện pháp (nếu cần thiết) để bình ổn giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng có giá đầu vào giảm mạnh trong thời gian qua nhưng giá đầu ra chưa giảm.
Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho năm 2022 như kế hoạch từ đầu năm nay. Trước đó, một số hiệp hội ngành hàng và chuyên gia kinh tế đã đề xuất NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2022 lên 15- 16%.
Điều này cho thấy thái độ điều hành thận trọng của NHNN trước những bất ổn còn tồn tại, bao gồm: (1) Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất điều hành trong những tháng tới, (2) Đồng đô la Mỹ mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam (3) Áp lực lạm phát gia tăng trong những tháng tới khi nhu cầu trong nước phục hồi.
Ngoài ra, NHNN cũng muốn ngăn chặn cuộc đua tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại để tài trợ cho tăng trưởng tín dụng “nóng”. Chúng tôi cho rằng kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô là điều kiện tiên quyết để duy trì môi trường vĩ mô thuận lợi nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không chỉ trong năm 2022 mà cả giai đoạn 2023-2024 sau đó.
Lạm phát bình quân của Việt Nam có thể được kiểm soát dưới 4% trong năm 2022
Giá xăng trong nước đã 4 lần được điều chỉnh giảm trong tháng qua nhờ (1) Chính phủ giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500-1.000 đồng/lít đối với các mặt hàng xăng dầu từ ngày 6/7/2022; (2) Giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu toàn cầu đã giảm đáng kể trong tháng Bảy.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 21,7% trong tháng 7 xuống 24.520 đồng/lít trong khi giá xăng RON 95 giảm 22,1% xuống 25.600 đồng/lít. Giá xăng dầu trong nước giảm là tác nhân chính giúp giảm lạm phát trong tháng 7.
Theo TCTK, lạm phát của Việt Nam đã tăng 3,1% svck vào tháng 7 năm 2022 (thấp hơn mức 3,4% svck trong tháng trước). So sánh theo tháng, CPI tháng 7/22 tăng 0,4% (thấp hơn mức tăng 0,7% trong T6/22), chủ yếu là do đà tăng của chỉ số giá lương thực, thực phẩm (+1,4% so với tháng trước).
Mặt khác, chỉ số giá giao thông giảm 2,9% so với tháng trước nhờ giá xăng dầu giảm. Mới đây, Chính phủ cũng đã quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống 10%, do đó giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục giảm trong kỳ điều hành tới.
Việc tăng giá thịt lợn (tác động lớn đến chỉ số giá lương thực, thực phẩm cũng như lạm phát chung của cả nước) đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, sau khi vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg vào giữa tháng 7, giá thịt lơn hơn đã giảm dần và hiện giao dịch ở mức quanh 64.000-65.000 đồng/kg. Chúng tôi dự phóng giá heo hơi sẽ dao động trong khoảng 60.000-70.000 đồng/kg trong những tháng cuối năm 2022.
Tự chung lại, chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra là kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 dưới 4,0% svck. Do đó, chúng tôi duy trì dự báo CPI bình quân của Việt Nam năm 2022 tăng 3,5% svck.
NHNN cân bằng mục tiêu "ổn định kinh tế vĩ mô" và "hỗ trợ tăng trưởng kinh tế"
Báo cáo của VNDirect còn cho biết, NHNN sẽ tập trung kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô, đồng thời cũng theo đuổi mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Chúng tôi nhận thấy đà giảm của giá hàng hóa thế giới và lạm phát trong nước được kiểm soát tốt là điều kiện cho phép NHNN tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành trong năm nay. Bên cạnh đó, Chính
phủ cũng đã quyết liệt sử dụng chính sách tài khóa để san sẻ gánh nặng với chính sách tiền tệ trong mục tiêu quan trọng là “kiềm chế lạm phát” thông qua việc giảm thuế, phí đối với một số mặt hàng thiết yếu (điển hình là xăng dầu). Do đó, NHNN có thêm dư địa để trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo NHNN tính đến ngày 26/7, tín dụng tăng 9,42% so với đầu năm (+16,3% svck). Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng của Việt Nam năm 2022 tăng 14% svck. Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ nâng "trần" tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM từ cuối Q3/22. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực như công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, nông lâm nghiệp, thủy sản. Ngoài ra, NHNN sẽ kiểm soát cẩn trọng dòng tín dụng vào các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT.
Về lãi suất cho vay, NHNN đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất với quy mô 43.000 tỷ đồng, cung cấp lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19, bao gồm (1) doanh nghiệp vừa và nhỏ,(2) doanh nghiệp tham gia vào một số dự án trọng điểm quốc gia và (3) kinh doanh trong một số ngành nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải).
Tuy nhiên, việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất xảy ra chậm hơn dự kiến của chúng tôi, khiến chính sách này ít ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2022 (trước đây chúng tôi kỳ vọng rằng gói hỗ trợ lãi suất có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20-40 điểm cơ bản trong năm 2022).
Hồng Giang
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|