Kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại ngân hàng thương mại

(Banker.vn) Tóm tắt: Kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại ngân hàng thương mại (NHTM) là một vấn đề rất quan trọng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại mà loại giao dịch này mang lại. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có sự quan tâm nhất định trong việc kiểm soát các giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Bài viết tập trung phân tích đánh giá các quy định pháp luật Việt Nam về kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM và trên cơ sở đó, đưa ra một số giải pháp định hướng hoàn thiện đối với vấn đề này.
Từ khóa: NHTM, người có liên quan, giao dịch, kiểm soát giao dịch.
 
Abstract: Transaction control between relevant persons at commercial banks is a very important issue in order to limit the maximum of damages caused by this type of transaction. Currently, the law of Vietnam has interested in controlling transactions between relevant persons at commercial banks, however, besides the results achieved, there are still certain limitations. The article focuses on analyzing the regulations of Vietnamese laws on controlling transaction between the relevant persons at commercial banks, then suggests a number of solutions to the issue.
 
Keywords: Commercial banks, relevant persons, transactions, transaction control.
 
Đặt vấn đề
 
Hiện nay, tại một số NHTM có tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, thành lập công ty “sân sau”, cho vay vượt quá khả năng nguồn vốn cả về khối lượng và cơ cấu thời hạn; bên cạnh đó, một số cán bộ ngân hàng giữ vai trò chủ chốt cố ý làm sai chế độ, thể lệ quy định, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với các tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch trái pháp luật nhằm tham nhũng, chiếm đoạt tài sản ngân hàng. Điều này khiến cho tình hình nợ xấu và vấn đề thanh khoản tại các ngân hàng trở nên căng thẳng. Vấn đề trên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như việc quản trị ngân hàng yếu kém, nhiều khoản vay dựa vào “quan hệ”, nhiều loại giao dịch trái pháp luật, phi lợi ích ngân hàng... Tuy nhiên, một trong những lý do có thể kể đến, đó là việc ngăn chặn và triệt tiêu các giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan tại các NHTM chưa được thực hiện triệt để, hiệu quả. Vì vậy, việc khắc phục vấn đề này là điều rất quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
 
1. Sự cần thiết của việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM
 
Sự cần thiết của việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM xuất phát các vấn đề như: Hậu quả phát sinh của giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan tại NHTM; thực trạng pháp luật về kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM; năng lực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro của các NHTM còn nhiều yếu kém. Cụ thể:
 
1.1. Xuất phát từ hậu quả phát sinh của giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan tại NHTM
 
Để xem xét, đánh giá một cách toàn diện về hậu quả phát sinh của giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan tại NHTM thì cần phải xem xét tác hại của nó không chỉ dừng lại ở bản thân ngân hàng nói riêng mà còn liên quan đến nhiều chủ thể khác như người gửi tiền, các thành viên góp vốn, các cổ đông, toàn bộ hệ thống ngân hàng và sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung. Điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:
 
Đối với NHTM: Trước hết, giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan tại NHTM bằng việc một vài cá nhân chọn lợi ích của mình thay vì lợi ích chung của ngân hàng làm cho chính bản thân ngân hàng bị tổn thất các nguồn lực về vật chất, con người và giảm hiệu quả đầu tư. Khi các nguồn vốn và tài sản chạy vào “túi riêng” của một số chủ thể, điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng bị kìm hãm, không thể phát triển nhanh, thậm chí không thể phát triển bình thường, quá trình hoạt động sẽ bị khiếm khuyết, tạo ra một thị trường “ảo”, làm hỏng môi trường phát triển lành mạnh và bình đẳng cho tất cả các ngân hàng. Bên cạnh đó, khi tài sản, lợi ích của ngân hàng bị vơ vét, trong khi ngân hàng vẫn phải chi trả cả gốc lẫn lãi cho người gửi tiền trong khoảng thời gian không thu hồi được vốn hoặc thu hồi vốn chậm, dẫn đến lợi nhuận của ngân hàng bị giảm sút, có thể làm lũng đoạn, gây biến tướng hoạt động của thị trường, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến phá sản ngân hàng. Tuy nhiên, một trong những thiệt hại vô cùng nặng nề mà ngân hàng phải gánh chịu do giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan gây ra đó là “mất niềm tin” của người gửi tiền. Bởi lẽ, khi người có liên quan thực hiện các giao dịch để trục lợi dẫn tới sự thất thoát vốn trong ngân hàng khiến việc đảm bảo khả năng chi trả cho người gửi tiền khi họ cần, đủ cả gốc lẫn lãi là một điều khó khăn cho ngân hàng. Do đó, khi ngân hàng không còn đảm bảo được khả năng chi trả cũng là lúc “chữ tín” bị mất đi và hậu quả là ngân hàng không thể kinh doanh được nữa và đây cũng là lúc ngân hàng phải chấm dứt hoạt động của mình. 
 
Đối với thành viên góp vốn, cổ đông: Khi các cá nhân lợi dụng sự tín nhiệm về quyền lực được giao phó của các thành viên góp vốn, cổ đông để trục lợi thì lúc này thành viên góp vốn, cổ đông luôn bị thiệt hại, đặc biệt là cổ đông thiểu số. Đầu tư vào ngân hàng, động cơ của họ là muốn tối đa hóa lợi ích trên vốn tự có của mình bằng cách sử dụng đòn cân nợ, tức là khả năng thu hồi vốn lớn. Tuy nhiên, giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan đã dẫn lợi nhuận từ những đồng vốn của thành viên góp vốn, cổ đông vào túi riêng của một nhóm cá nhân khác, khiến cho khoản đầu tư của họ không thể thu hồi. Hay trong trường hợp với mong muốn thâu tóm ngân hàng, những cổ đông lớn luôn tìm cách bưng bít thông tin, lạm quyền và thực hiện nhiều hành vi gian dối với nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng hoặc nhằm thu được lợi nhuận bất chính để sử dụng cho mục đích tư lợi riêng mà bỏ mặc quyền lợi của cổ đông thiểu số. Về mặt bản chất, giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan đã xâm hại đến tài sản của ngân hàng, cũng đồng nghĩa xâm hại đến quyền lợi của các cổ đông trong ngân hàng, mà đặc biệt là quyền lợi của cổ đông thiểu số. Bởi lẽ cổ đông thiểu số là người không có khả năng kiểm soát ngân hàng, họ thực sự không thể trực tiếp kiểm soát được các giao dịch này và với số vốn ít ỏi của mình thì thiệt hại tài sản của ngân hàng xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vốn của họ. Thực tế, tại các NHTM cổ phần thì cổ đông thiểu số chiếm số lượng nhiều hơn rất nhiều so với những cổ đông lớn nên việc bị người khác trục lợi là điều dễ dàng xảy ra. Chính vì vậy, pháp luật cần phải bằng quyền lực công cộng của mình để tạo ra các thiết chế hoặc hoàn thiện hơn nữa các thiết chế pháp lý đã có nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ thành viên góp vốn, cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số. 
 
Đối với người gửi tiền: Các nghiên cứu về tài chính ngân hàng xếp mối quan hệ giữa người gửi tiền và ngân hàng là mối quan hệ tín thác (principal - agent relationship). Trong đó người gửi tiền là người ủy nhiệm (principal) và ngân hàng là người được ủy nhiệm (agent)1. Điều đó nói lên rằng, mối quan hệ này đặt nền tảng rất lớn lên niềm tin của người gửi tiền vào ngân hàng. Như vậy, người gửi tiền với vai trò cung cấp nguyên liệu - vốn đầu vào cho hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng niềm tin của mình đối với ngân hàng nên khi các giao dịch trái pháp luật xảy ra, dẫn tới ngân hàng bị thiệt hại, lâm vào tình trạng khủng hoảng, lúc này ngân hàng không có khả năng chi trả cho người gửi tiền khiến họ bị mất niềm tin vào ngân hàng, đồng thời mất đi một lượng vốn tiền tệ - khoản tiền mà tốn bao thời gian và công sức dành dụm được. Đứng trước tình trạng này thì chính người gửi tiền là người chịu thiệt trước tiên. Ngoài ra, người gửi tiền còn phải chịu thiệt thòi và mất chi phí, thời gian khi thực hiện chuyển đổi tiền gửi từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Trong trường hợp ngân hàng bị đóng cửa do các giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan xảy ra thì tổn thất mà người gửi tiền phải chịu còn có thể cao hơn. Tùy vào khả năng tài chính của người gửi tiền, nếu số tiền gửi là một khoản tiền nhỏ thì sẽ không đáng lo ngại, nhưng đổi lại là một khoản tiền lớn thì thiệt hại đối với người gửi tiền chắc hẳn là một hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ. 
 
Đối với hệ thống ngân hàng: Tác hại của giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan không chỉ gây ra cho bản thân ngân hàng bị rủi ro mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống ngân hàng. Bởi lẽ, khi các chủ thể lách các quy định về người có liên quan thì sẽ gây ra các tác động tiêu cực. Trong trường hợp nếu như các ngân hàng có chủ đích muốn thâu tóm những ngân hàng khác thông qua mua lại, hợp nhất hoặc nắm quyền kiểm soát sẽ tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng. Hay dòng tiền có thể chuyển sang cho vay các dự án sân sau của chính những người chi phối hoặc làm chủ ngân hàng thì tất cả những điều này dẫn đến hệ lụy là nợ xấu. Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra tình trạng đột biến rút tiền gửi như đã phân tích tại mục trên thì làn sóng này mới chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng đó và kéo theo nhiều ngân hàng khác trong hệ thống.  
 
Đối với kinh tế - xã hội: Thực tế cho thấy, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng và được ví như hệ tuần hoàn của cả nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh sẽ góp phần phân bổ và luân chuyển các nguồn lực tài chính một cách hiệu quả, thông suốt, giúp cho các thành phần kinh tế tiếp cận được nguồn vốn nhàn rỗi một cách dễ dàng, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ngược lại, nếu khủng hoảng ngân hàng xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thanh toán, suy giảm mạnh mẽ lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hẹp sản lượng đầu ra của khu vực sản xuất, tạo sức ép nặng nề cả về kinh tế và xã hội. Như vậy, nếu các chức năng, vai trò của ngân hàng không thực hiện được do sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng thì hậu quả gây ra cho nền kinh tế - xã hội là rất lớn. 
 
Từ các vấn đề nêu trên có thể thấy, để hạn chế thấp nhất tác hại có thể gây ra do giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan gây ra cho người gửi tiền, thành viên góp vốn, cổ đông, bản thân các ngân hàng và toàn hệ thống ngân hàng, cũng như để đem lại sự ổn định, phát triển cho nền kinh tế đất nước thì cần thiết phải có sự điều chỉnh bằng pháp luật đối với kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM. 
 
1.2. Xuất phát từ thực trạng pháp luật về kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM
 
Các quy định pháp luật Việt Nam về kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM còn mang tính chất chung chung, khái quát, chưa rõ ràng, cụ thể, khiến việc áp dụng, triển khai gặp nhiều lúng túng, khó khăn. Thậm chí nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, không điều chỉnh đã gây nên sự tùy tiện trong việc áp dụng, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là Việt Nam thiếu hẳn một hệ thống luật đầy đủ trong công tác quản lý tổ chức và quản trị NHTM. Không có luật, NHTM phải dựa vào các Nghị định để tự xây dựng cơ chế quản trị. Ngược lại, có những vấn đề mà cùng một lúc lại có nhiều văn bản điều chỉnh khác nhau, nội dung các văn bản này lại không trùng khớp, đôi khi còn mâu thuẫn, gây ra khó khăn cho việc áp dụng luật. Đây chính là một lý do quan trọng nữa đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện các quy định pháp luật về kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM. 
 
1.3. Xuất phát từ năng lực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro của các NHTM
 
Một trong những nguyên nhân của hiện tượng giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan tại NHTM là do năng lực quản trị điều hành ngân hàng của các NHTM Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế. Thực tế vai trò của Hội đồng quản trị và Ban điều hành ở một số NHTM chưa được phân tách rõ ràng, vấn đề quản trị nội bộ chưa được quan tâm đúng mực. Cơ chế tự giám sát, kiểm tra, quản lý rủi ro của các NHTM hiện nay chưa thực sự phát huy tốt vai trò của mình. Cụ thể, các ngân hàng chưa chú trọng quản trị danh mục cho vay dẫn đến một số NHTM được thành lập để phục vụ nhóm khách hàng ưu tiên cao. Đây là các doanh nghiệp “sân sau” hay là những người có mối quan hệ mật thiết với các cổ đông lớn, mức tín dụng cấp cho các đối tượng này thường rất lớn với những điều kiện tương đối dễ dàng; trong khi các quy định giám sát hầu như chưa thật sự hiệu quả. Hoặc nếu có hành vi giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan xảy ra thì cũng không có cơ chế ngăn chặn, xử lý hiệu quả dẫn đến nợ xấu tăng cao. Mặt khác, chính sách minh bạch hóa quan hệ tín dụng, thông tin tài chính của nhiều NHTM hiện nay còn khá hình thức chứ chưa thật sự được chú trọng. Rõ ràng, từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường và đặc biệt là kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, vấn đề quản trị NHTM đã được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết và quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Một ngân hàng yếu kém trong quản trị sẽ không chỉ gây tổn thất cho chính ngân hàng đó, mà còn tạo nên những rủi ro nhất định mang tính dây chuyền cho các đơn vị khác và ngược lại.  
 
Như vậy, muốn có môi trường kinh doanh lành mạnh, các NHTM thực hiện tốt vai trò và chức năng của mình thì không thể không có các quy định pháp luật điều chỉnh. Các quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho các ngân hàng hoạt động cũng như đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng. Đó cũng chính là cơ sở để các NHTM tùy vào tình hình thực tế, xây dựng cho mình các quy định nội bộ để hạn chế thấp nhất giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan. 
 
2. Quy định pháp luật Việt Nam về kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM
 
2.1. Quy định pháp luật về việc góp vốn, mua cổ phần, sở hữu cổ phần
 
Góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) là việc TCTD góp vốn cấu thành vốn điều lệ, mua cổ phần của các doanh nghiệp, TCTD khác, bao gồm cả việc cấp vốn, góp vốn vào công ty con, công ty liên kết của TCTD; góp vốn vào quỹ đầu tư và ủy thác vốn cho các tổ chức khác góp vốn, mua cổ phần theo các hình thức nêu trên2. Theo quy định này, hiện nay pháp luật Việt Nam cho phép các ngân hàng được quyền sở hữu cổ phần lẫn nhau. Hiện tượng các TCTD nói chung và các NHTM nói riêng sở hữu cổ phần lẫn nhau được gọi là “sở hữu chéo”. Sở hữu chéo là một hiện tượng xuất hiện phổ biến từ lâu ở các nước trên thế giới, nhưng là một vấn đề mới nổi lên ở Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để được sở hữu cổ phần lẫn nhau, các NHTM phải thỏa mãn được hai điều kiện: (i) Trong giới hạn do pháp luật quy định; (ii) Thỏa mãn các điều kiện do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra. Đây cũng là những giới hạn và điều kiện được đặt ra nhằm kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM. Theo đó, để được Thống đốc NHNN chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần theo khoản 24 Điều 4 Luật Các TCTD 2010, các TCTD phải tuân thủ các điều kiện cơ bản mà TCTD cần phải đáp ứng là các điều kiện về hoạt động (chất lượng và mức độ an toàn trước và sau khi thực hiện góp vốn); năng lực quản trị, điều hành; mức độ tuân thủ pháp luật… Đối với trường hợp góp vốn mua cổ phần dưới hình thức công ty liên kết, công ty con thì còn phải căn cứ vào tỷ lệ góp vốn và mức độ ảnh hưởng của TCTD đối với khoản góp vốn, mua cổ phần. Việc thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết và việc góp vốn, mua cổ phần của NHTM phải được sự chấp thuận trước bằng văn bản của NHNN, NHNN quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận. 
 
2.2. Quy định pháp luật về cấp tín dụng đối với người có liên quan tại NHTM
 
Khi xây dựng các quy định về những trường hợp không được cấp tín dụng và những trường hợp bị hạn chế cấp tín dụng trong Luật Các TCTD, nhà làm luật đã muốn hạn chế quyền cấp tín dụng của các TCTD nói chung và các NHTM nói riêng trong một số trường hợp, đặc biệt là giới hạn với những cổ đông lớn, thành viên Hội đồng quản trị và các doanh nghiệp do những người này sở hữu giúp tránh lạm dụng các mối quan hệ để cung cấp cho nhau những khoản tín dụng thiếu tính an toàn và khả năng hoàn trả thấp, hạn chế sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích trong nội bộ ngân hàng, đồng thời hạn chế rủi ro của hoạt động tín dụng và giảm đáng kể tác động của việc một khách hàng vỡ nợ, gây hại cho thị trường. Đây là một bước đi tích cực trong quá trình kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM của NHNN. 
 
Về trường hợp không được cấp tín dụng đối với người có liên quan tại NHTM: Điều 126 Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 19/2019/TT-NHNN ngày 05/11/2019 của NHNN đã đưa ra một số trường hợp không được cấp tín dụng đối với người có liên quan. Sở dĩ khoản 1 Điều 126 quy định những đối tượng thuộc trường hợp bị cấm cấp tín dụng là vì những lý do sau: (i) Đây là những chủ thể nắm quyền quản lý hoặc điều hành của NHTM và người có liên quan đến họ. Khi họ giữ vai trò trọng yếu trong ngân hàng, họ hoàn toàn có thể lạm dụng quyền lực tác động vào những nhân viên dưới cấp trong việc cho chính mình vay vốn. Trong trường hợp có sự tác động, áp đặt của họ thì rất dễ xảy ra việc không thẩm định kỹ hồ sơ vay vốn hay dù có thẩm định trên thực tế thì hoàn toàn rất dễ trở thành các khoản tín dụng đen, khó thu hồi và mang nguy cơ gây khủng hoảng về mặt thanh khoản cho chính NHTM đó; (ii) Đối với những chủ thể là người thân thích của họ được quy định tại điểm b Điều này thì những chủ thể này dù ít dù nhiều có thể tác động đến họ hoặc họ có thể bị ảnh hưởng từ các chủ thể này trong các quyết định về đầu tư bởi vì đây là những chủ thể có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau hoặc thân thiết với nhau. Điều này dẫn đến một thực trạng là “cho vay theo quan hệ”, tức là, thông qua các quan hệ thân thiết với các đối tượng trên mà người có liên quan được vay với điều kiện ưu đãi hoặc họ lợi dụng đứng tên của người có liên quan mà thu vén lợi ích cho mình. Điều này là một trong những yếu tố dẫn đến vấn đề nợ xấu, nếu rủi ro xảy ra, người chịu tổn thất sau cùng sẽ là cổ đông và những người gửi tiền.
 
Về trường hợp hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng đối với người có liên quan tại NHTM: Pháp luật ngân hàng hiện hành quy định: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”3. Quy định này nhằm hạn chế rủi ro của việc tập trung tín dụng vào một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan dẫn đến tập trung rủi ro và tránh tác động lan truyền rủi ro của một số đối tượng trong nhóm khách hàng có liên quan. Pháp luật đưa thêm đối tượng người có liên quan vào nhóm khách hàng là để hạn chế khả năng số tiền mà ngân hàng cho vay bị phân tán, không tập trung vào đối tượng cụ thể, thường dẫn đến việc sử dụng vốn sai mục đích hoặc có sự liên kết giữa khách hàng và người có liên quan nhằm tập trung vốn lớn vào một khách hàng dẫn đến việc khách hàng nợ quá hạn hay không có khả năng trả nợ... Tất cả những điều này đều dẫn đến hậu quả làm méo mó bản chất tín dụng, từ đó khiến chất lượng tín dụng suy giảm. Bên cạnh đó, một quy định rất quan trọng trong mối quan hệ tương tác giữa người có liên quan và hoạt động tín dụng của các NHTM, đó là việc cấp tín dụng cho các đối tượng đặc biệt. Theo đó, Điều 127 Luật Các TCTD 2010 quy định về việc không được cấp tín dụng không có bảo đảm với điều kiện ưu đãi cho các tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán ngân hàng; kế toán trưởng, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, công ty con, công ty liên kết của ngân hàng hoặc công ty mà ngân hàng nắm quyền kiểm soát. Ngoài ra, Luật Các TCTD còn quy định thêm tổng dư nợ cấp cho các đối tượng trên không được vượt quá 5% vốn tự có của TCTD, đối với công ty con, công ty liên kết của ngân hàng hoặc công ty mà ngân hàng nắm quyền kiểm soát là 20%. Những quy định này được nhận định là sẽ hạn chế được việc lợi dụng giao dịch giữa người có liên quan, sự chi phối, thao túng, lợi ích nhóm phía sau, “rút ruột” các TCTD thông qua hệ thống doanh nghiệp sân sau. 
 
2.3. Quy định pháp luật về quản trị ngân hàng 
 
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 thì trong trách nhiệm quản lý công ty, người quản lý công ty phải có bổn phận “trung thành với lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, với vai trò nắm giữ quyền lực trong tay rất dễ dẫn đến trường hợp Hội đồng quản trị không phục vụ công ty nói chung và NHTM nói riêng một cách mẫn cán, hơn nữa, điều này luôn tiềm ẩn những giao dịch giữa thành viên Hội đồng quản trị và người có liên quan của họ nhằm mục đích tư lợi cá nhân cho họ mà không vì mục đích của tập thể. Việc quản lý thiếu chặt chẽ, sự lạm dụng quyền lực trong nội bộ của một NHTM thường là những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng, gây ra sự mất lòng tin và đe dọa sự mất ổn định của cả hệ thống TCTD. Do đó, các quy định về tổ chức quản lý đối với các NHTM thường được thiết kế chặt chẽ hơn so với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Đây cũng là một thông lệ chung được thừa nhận rộng rãi trên bình diện quốc tế nhằm kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa các hoạt động "đen" của giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM:
 
Thứ nhất, Luật Các TCTD nâng cao yêu cầu đối với người quản lý, điều hành của TCTD. Theo đó, Luật Các TCTD 2010 quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát4. Sỡ dĩ pháp luật quy định chặt chẽ các tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, điều hành và một số chức danh khác trong NHTM là nhằm bảo đảm điều kiện tài chính, năng lực quản trị, điều hành của cổ đông, thành viên sáng lập, người quản lý, người điều hành TCTD. Đồng thời bảo đảm tính độc lập cũng như hạn chế sự chi phối của một nhóm các cá nhân trong quá trình ra quyết định. Chỉ khi các chủ thể này có đầy đủ các điều kiện về tài chính, năng lực quản trị, điều hành thì mới đảm bảo cho hoạt động quản trị ngân hàng hiệu quả. 
 
Thứ hai, tại khoản 2 Điều 50 Luật Các TCTD 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tiêu chuẩn đối với thành viên độc lập của Hội đồng quản trị. Theo đó, Hội đồng quản trị của TCTD là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phải có ít nhất một thành viên độc lập. Các quy định của pháp luật về thành viên độc lập của Hội đồng quản trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hoạt động quản trị của NHTM. Bởi lẽ, trong các NHTM cổ phần luôn tồn tại nguy cơ xung đột về lợi ích giữa một bên là cổ đông với tư cách người sở hữu vốn với một bên là những người quản lý, điều hành ngân hàng với tư cách người trực tiếp quản lý sử dụng vốn. Những người quản lý thường không phải là cổ đông nắm giữ phần vốn góp đáng kể nhưng lại là người điều hành mọi hoạt động của ngân hàng và vì vậy có thể họ sẽ ưu tiên các quyền lợi cá nhân, quyền lợi nhóm hơn là quyền lợi của các cổ đông. Do đó, luật về quản trị doanh nghiệp của các quốc gia cũng như những quy định của các thị trường niêm yết thường yêu cầu trong cơ cấu Hội đồng quản trị công ty phải có sự tham gia của các thành viên Hội đồng quản trị độc lập (Independent directors - ID). Các thành viên này có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát, làm giảm nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý ngân hàng, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, nhất là những cổ đông thiểu số5
 
Thứ ba, Điều 34 Luật Các TCTD 2010 cũng quy định về các trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ. Tất cả những quy định này nhằm ngăn ngừa khả năng lũng đoạn hoạt động ngân hàng của các cá nhân, tổ chức là cổ đông lớn, tránh xung đột lợi ích, lạm dụng quyền ảnh hưởng của mình để ra những quyết định xung đột với lợi ích của TCTD. Đồng thời hạn chế tình trạng các chủ thể sử dụng quyền lực của mình để chi phối Ban điều hành và Ban kiểm soát ngân hàng. 
 
Thứ tư, Luật Các TCTD 2010 có yêu cầu cao đối với hoạt động kiểm soát nội bộ6, kiểm toán nội bộ7, kiểm toán độc lập8; trong đó, đáng chú ý là quy định về việc lựa chọn kiểm toán độc lập phải được thực hiện trước khi năm tài chính được kiểm toán bắt đầu vì theo thông lệ quốc tế và yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán, tổ chức kiểm toán phải tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát..., yêu cầu báo cáo kiểm toán không được có ý kiến ngoại trừ (qualified opinion); trường hợp có ý kiến ngoại trừ, TCTD phải thực hiện kiểm toán lại để đảm bảo báo cáo kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ nhằm nắm bắt tình hình kinh doanh của TCTD suốt năm tài chính, bảo đảm đánh giá trung thực, chính xác tình hình hoạt động của TCTD. 
 
Như vậy, quy định pháp luật về hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập được đề cập đến như một cách để NHTM có thể tự chủ trong việc rà soát lại các hoạt động của mình, giám sát, ngăn chặn và kịp thời thông báo với ban điều hành về những giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, cổ đông và gây dựng lòng tin đối với họ và đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTD. 
 
2.4. Quy định về công bố thông tin
 
Một trong những quy định của pháp luật đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM chính là các quy định về công bố thông tin. Bởi lẽ, hoạt động quản lý của NHNN có hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào hoạt động công bố thông tin của các chủ thể có liên quan. Ngoài ra, xuất phát từ thực tế các cổ đông lớn với mong muốn thâu tóm ngân hàng luôn tìm cách bưng bít thông tin hoặc tiết lộ thông tin cho người có liên quan nhằm mục đích tư lợi, gây thiệt hại cho cổ đông thiểu số. Chính vì vậy, pháp luật đã đặt ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các cổ đông mà đặc biệt là cổ đông thiểu số, góp phần hạn chế tình trạng giao dịch trái pháp luật giữa người có liên quan. 
 
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 thì công bố thông tin là nghĩa vụ của doanh nghiệp trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền9. Như vậy, trong hoạt động cấp tín dụng, ngân hàng và TCTD thường xuyên cập nhật danh sách cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, thành viên góp vốn, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, người điều hành, các chức danh quản lý khác và những người có liên quan của những người này khi có sự thay đổi10. Đồng thời, phải công khai trước đại hội cổ đông về các khoản cấp tín dụng cho các đối tượng trên, các công ty con, công ty liên kết của NHTM11. Bởi vì, nếu một cá nhân, một tổ chức và người có liên quan thỏa thuận với nhau về các giao dịch giữa họ cũng như sở hữu cổ phần lẫn nhau ở mức độ nhất định có thể dẫn đến sự chi phối hoạt động của một ngân hàng khác, từ đó có thể dẫn tới sự không minh bạch về chất lượng tín dụng, hoạt động tín dụng và dòng tiền chảy vào nền kinh tế.  
 
Bên cạnh đó, NHTM phải công khai thông tin việc cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần... đối với khách hàng, nhóm khách hàng liên quan để kiểm soát dòng tiền, hạn chế việc tập trung vốn trái pháp luật, tránh thao túng hoạt động ngân hàng. Như vậy, ngân hàng khi cho vay phải thu thập mọi thông tin liên quan không chỉ khách hàng mà cả khách hàng có liên quan của khách hàng đó, bổ sung thông tin khi có sự thay đổi. Với lượng khách hàng ngày càng gia tăng như hiện nay thì việc làm này đã gây ra không ít khó khăn cho ngân hàng, các ngân hàng trở nên lúng túng trong việc áp dụng pháp luật khi xác định đối tượng có liên quan. Bởi vì hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu khách hàng trong toàn hệ thống ngân hàng vẫn chưa kiện toàn và còn hạn chế12
 
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, mặc dù pháp luật đã quy định về việc công bố thông tin nhưng hầu như cơ chế này chỉ dừng lại ở mặt hình thức chứ chưa chú trọng vào nội dung. Rõ ràng, khi người có liên quan thực hiện các giao dịch thì thật khó để tin rằng họ sẽ tôn trọng lòng trung thành với ngân hàng để công khai toàn bộ các giao dịch. Đối với vấn đề này, trên thực tế phát sinh hai tình huống: Một là, các chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin đã cố tình né tránh, che giấu hoặc vẫn lén lút hoặc công khai ở chừng mực nhất định những thông tin thật sự về việc nắm quyền sở hữu của mình để thực hiện các giao dịch nhằm mục đích tư lợi, điều này là vi phạm các quy định của pháp luật. Hai là, bởi vì một số quy định của pháp luật chỉ chi phối được một tỷ lệ rất nhỏ các chủ thể có liên quan trên thị trường ngân hàng, nên từ đó, việc yêu cầu công bố thông tin chưa phát huy được hết vai trò quản lý của nó. Sở dĩ đặt ra vấn đề thứ hai là bởi vì hiện nay khó có thể khoanh vùng được các đối tượng là người có liên quan của các cổ đông, thực tế pháp luật chỉ dựa vào các quan hệ gia đình mới phải báo cáo thông tin. 
 
3. Một số kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM
 
Vì bản chất của giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM là một hiện tượng kinh tế bình thường, nó chỉ ảnh hưởng tiêu cực khi các tổ chức, cá nhân lợi dụng giao dịch để thực hiện những hành vi đi ngược lại quá trình vận động của thị trường, do đó, chúng ta không nhất thiết phải cấm loại giao dịch này mà việc cần làm là đặt ra các khung pháp lý để điều chỉnh giao dịch giữa người có liên quan trong các điều kiện và giới hạn nhất định. Việc hoàn thiện những quy định của pháp luật còn những hạn chế, lấp đi những lỗ hổng pháp luật là những công việc thiết thực để xử lý vấn đề này.  
 
Như đã phân tích, hiện nay, pháp luật Việt Nam đã và đang có những bước điều chỉnh về cơ chế kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của cơ chế kiểm soát loại giao dịch này thì cần phải thực hiện các giải pháp sau:  
 
Thứ nhất, pháp luật cần quy định lại khái niệm người liên quan trong Luật Các TCTD 2010. Theo đó, khái niệm người có liên quan tại NHTM cần được tiếp cận bằng cách kết hợp cả hai phương pháp liệt kê và đưa ra một khái niệm tổng quát từ các vấn đề thực tế liên quan đến khái niệm người liên quan, việc xây dựng lại quy định này là một điều cần thiết. 
 
Thứ hai, tăng cường tính độc lập của Ban kiểm soát. Cần thiết phải quy định lại quyền hạn của Ban kiểm soát - một trong những cơ quan giám sát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM. Mô hình NHTM cổ phần theo pháp luật Việt Nam đã áp dụng kiểu cơ cấu Hội đồng quản trị hai cấp theo mô hình của Đức. Tuy nhiên, thực tế tại các NHTM Việt Nam, hoạt động của Ban kiểm soát chỉ mang tính hình thức và bị xem nhẹ; phạm vi trách nhiệm của Ban kiểm soát tại các NHTM Việt Nam lại hẹp hơn so với mô hình của Đức. Về mặt lập pháp, pháp luật ngân hàng không quy định cụ thể quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát mà do điều lệ ngân hàng quy định. Bằng cách này, nhà làm luật đã trao quyền cho các thành viên góp vốn, cổ đông sở hữu phần vốn góp, cổ phần chi phối quyền tự quyết định các vấn đề của Ban kiểm soát theo ý muốn của họ. Điều này dẫn đến một hệ quả là họ rất có thể sẽ chi phối việc xây dựng một bản quy chế có lợi cho họ, làm giảm vai trò của Ban kiểm soát, vô hiệu hóa các quy chế giám sát bằng các quy định hợp pháp và từ đó thu lợi riêng, gây thiệt hại cho cổ đông thiểu số. Để đảm bảo quyền lợi của cổ đông thiểu số và cơ chế giám sát được thực thi có hiệu quả, phải luật hóa việc tăng cường quyền lực để Ban kiểm soát có tính độc lập đối với các cơ quan quản lý và các cổ đông chi phối, làm cho kiểm soát viên chủ yếu là người đại diện của các cổ đông thiểu số. Cũng có thể học theo mô hình quản trị công ty của Đức làm cho Ban kiểm soát có vị trí pháp lý đứng trên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và giám sát hoạt động của họ13.
 
Thứ ba, pháp luật cần chú trọng hơn về vấn đề quản trị nội bộ doanh nghiệp. Bởi vì thực tế hiện nay ở Việt Nam, mặc dù pháp luật đã trao quyền cho các cổ đông trong việc kiểm soát quá trình quản trị doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế, những quyền hành này là rất ít hoặc cổ đông thiểu số luôn bị các cổ đông lớn chèn ép trong quá trình bỏ phiếu hay ra quyết định. Do đó, các NHTM, với mục tiêu bảo vệ sự an toàn trong hoạt động của chính ngân hàng mình, cần phải quy định tăng thêm quyền kiểm soát cho những cổ đông phổ thông, đặc biệt là các cổ đông nội bộ. 
 
Thứ tư, tăng cường công khai, minh bạch hóa thông tin. Để đảm bảo các NHTM thực hiện tốt nghĩa vụ công bố thông tin, nhóm tác giả cho rằng cần thiết phải yêu cầu các NHTM thành lập một bộ phận chuyên trách về công bố thông tin để hạn chế việc chậm trễ công bố thông tin, cũng như che giấu thông tin. Đồng thời, cần thiết phải quy định chế tài nghiêm khắc đối với người đại diện ngân hàng hoặc người có trách nhiệm công bố thông tin của ngân hàng trong các trường hợp không công bố thông tin, công bố thông tin chậm trễ hoặc sai sự thật những thông tin mà pháp luật yêu cầu phải công bố14. Theo nhóm tác giả, cần phải chú trọng thêm yêu cầu NHTM công bố thông tin trong tương lai. Nếu các NHTM thực hiện việc công bố thông tin trong tương lai sẽ góp phần hạn chế tình trạng nhóm cổ đông sử dụng thông tin chưa được công bố nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho ngân hàng và thị trường chứng khoán. 
 
Kết luận
 
Kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM chính là nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ thống các TCTD nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Trong những năm qua, pháp luật về kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM của Việt Nam đã không ngừng được hoàn thiện, góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại NHTM là một vấn đề rất quan trọng và cấp thiết.
 
1 Sa Ga, “ Xung đột lợi ích giữa hoạt động NHTM và hoạt động chứng khoán của ngân hàng (Phần II), https://www.saga.vn/xung-dot-loi-ich-giua-hoat-dong-ngan-hang-thuong-mai-va-hoat-dong-chung-khoan-c~34558
Khoản 24 Điều 4 Luật Các TCTD 2010. 
3 Khoản 1 Điều 128 Luật Các TCTD 2010. 
4 Điều 50 Luật Các TCTD 2010. 
5 Lê Hoàng Tùng, “Thành viên hội đồng quản trị độc lập: Quy định và thực tiễn”, Tạp chí Nhà quản lý, số 68 (2009), tr.1.
6 Điều 40 Luật Các TCTD 2010. 
Điều 41 Luật Các TCTD 2010. 
Điều 42 Luật Các TCTD 2010. 
9 Khoản 7 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014. 
10 Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 36/2014/TT-HNNN. 
11 Khoản 3, Điều 127 Luật Các TCTD 2010. 
12 Trần Thị Thu Hằng (2012), “Pháp luật điều chỉnh hoạt động thẩm định hồ sơ vay vốn của NHTM”, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật TP. HCM, tr. 36. 
13 Nguyễn Thị Vân Anh (2013), “Giao dịch giữa công ty với người có liên quan theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới”, Tạp chí Pháp luật và kinh tế, số 12 (261)/2013, tr. 27. 
14 Ban công bố thông tin có chức năng xử lý và công bố thông tin của ngân hàng và ban hành các văn bản về quy trình công bố thông tin nội bộ của ngân hàng. Trong đó, quy định cụ thể về quy trình, cách thức công bố thông tin và trách nhiệm của bộ phận công bố thông tin.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Vân Anh (2013), “Giao dịch giữa công ty với người có liên quan theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và kinh nghiệm của một số nước trên thế giơi”, Tạp chí Pháp luật và kinh tế, số 12 (261)/2013.
2. Trần Thị Thu Hằng (2012), “Pháp luật điều chỉnh hoạt động thẩm định hồ sơ vay vốn của NHTM”, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật TP.  HCM.
3. Lê Hoàng Tùng, “Thành viên hội đồng quản trị độc lập: Quy định và thực tiễn”, Tạp chí Nhà quản lý, số 68 (2009).
4. Sa Ga, “Xung đột lợi ích giữa hoạt động NHTM và hoạt động chứng khoán của ngân hàng (Phần II), https://www.saga.vn/xung-dot-loi-ich-giua-hoat-dong-ngan-hang-thuong-mai-va-hoat-dong-chung-khoan-c~34558
 
ThS. Trần Linh Huân (Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. HCM)
ThS. Phạm Thị Thu Thảo (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinacompass)
Theo Tạp chí Ngân hàng
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục