Kiểm soát đà tăng USD hỗ trợ cho sự phục hồi của VNĐ

(Banker.vn) Một loạt động thái của Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá, ngăn mất giá tiền đồng. Sức nóng của tỷ giá đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Không điều chỉnh tăng tỷ giá Doanh nghiệp nhập khẩu "oằn mình" gánh phí khi tỷ giá biến động

Tỷ giá tăng, tiền đồng mất giá ở mức trung bình

Tỷ giá bắt đầu tăng từ cuối tháng 1 và trở nên “nóng” từ tháng 4 đến nay đã khiến tiền đồng mất giá, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trên thị trường thế giới, chỉ số đồng Dollar (DXY) tăng mạnh trong tháng 3, 4 và bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 khi lạm phát tháng 4 của Mỹ được công bố.

Trong nước, mặc dù DXY có dấu hiệu hạ nhiệt, đồng VNĐ vẫn tiếp tục suy yếu do giá vàng thế giới liên tục ở mức cao, chủ yếu bởi hoạt động tích trữ của ngân hàng trung ương Trung Quốc, thúc đẩy giá vàng SJC trong nước có thời điểm tăng vọt lên hơn 92 triệu đồng/lượng, càng nới rộng khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, qua đó gây áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của 4 tháng đầu năm nay tăng 15,1% so với cùng kỳ cũng góp phần làm tăng nhu cầu trong nước đối với USD.

Khối Phân tích - Công ty Cổ phần Chứng khoán Vndirect trong Báo cáo cập nhật vĩ mô vừa công bố đã cho biết, những biến động gần đây của tỷ giá USD/VNĐ cùng pha với diễn biến của các đồng tiền trong khu vực. Từ đầu năm đến nay, VNĐ mất giá 4,9% so với USD trong khi cùng thời điểm có các mức: Nhân dân tệ Trung Quốc (-1,3%), Rupiah Indonesia (- 3,4%), Ringgit Malaysia (-2,5%) và Baht Thái (-7,3%).

Kiểm soát đà tăng USD, hỗ trợ cho sự phục hồi của VND
Tỷ giá tăng, tiền đồng mất giá ở mức trung bình

Nhận xét về sự mất giá của VND từ đầu năm đến nay, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam bày tỏ, việc lãi suất USD neo ở mức rất cao trên 5% gây áp lực mất giá lên lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có VND. “Nhìn vào dữ liệu tổng hợp của các đồng tiền từ các nền kinh tế lớn và quan trọng nhất trong hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu, chúng ta sẽ thấy mức giảm giá từ đầu năm 2024 đến nay của tiền đồng nằm trong xu thế chung và ở mức trung bình”. - ông Quang cho biết.

Trước diễn biến của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phải dùng biện pháp mạnh là bán ngoại tệ, đồng thời nhà điều hành đã hút ròng 57,8 nghìn tỷ đồng (2,3 tỷ USD) tính đến ngày 10/5 sau khi bơm ròng 66,5 nghìn tỷ đồng (2,6 tỷ USD) vào cuối tháng 4 trong bối cảnh áp lực tỷ giá hối đoái gia tăng. Vì vậy, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng lên mức 4,2% vào ngày 10/5 (so với 3,98% vào ngày 26/4), cho thấy Ngân hàng Nhà nước muốn giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức đủ cao để hỗ trợ tỷ giá.

Giới chuyên gia tài chính cho rằng, với dự trữ ngoại hối hiện tại khoảng 94 tỷ USD, tương đương 3,4 tháng nhập khẩu (nhỉnh hơn không nhiều so với mức khuyến nghị của IMF), Ngân hàng nhà nước có dư địa, dù không quá dồi dào, để bán USD nhằm kiềm chế đà tăng của tỷ giá.

Kiểm soát biến động, tỷ giá sẽ xuống 24.800 đồng/USD trong quý 4/2024?

Động thái mới nhất của nhà điều hành trong việc neo giữ không để tỷ giá tăng cao chính là việc tiếp tục tăng cung tiền thông qua việc mua giấy tờ có giá, tạo đà tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước đã cho các thành viên vay gần 43.064 tỷ đồng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) trong phiên giao dịch 23/5 và 750 tỷ đồng tín phiếu. Mức vay OMO được xem là lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trước đó, trong phiên giao dịch 22/5, Ngân hàng Nhà nước đã cho 9 thành viên vay tổng cộng gần 25.000 tỷ đồng qua OMO; và bán thành công 650 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Như vậy, đã có hơn 69.000 tỷ đồng được nhà điều hành đưa ra thị trường với lãi suất OMO là 4,5%/năm và tín phiếu là 4%/năm.

Việc Ngân hàng Nhà nước cung tiền thông qua tín phiếu và OMO, theo giới phân tích, không chỉ nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn trong thời gian tới mà còn để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, đồng thời giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.

Diễn biến tỷ giá trên thị trường hôm nay, 24/5, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 24.264 đồng, tăng 6 đồng so với phiên giao dịch ngày hôm qua. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN niêm yết ở mức 23.400 - 25.450 đồng/USD (mua - bán). Trên thị trường chợ đen, tỷ giá giao dịch quanh mức: 25.716-25.776 đồng/USD.

Dự báo về diễn biến tỷ giá trong thời gian tới, theo Khối Phân tích - Công ty Cổ phần Chứng khoán Vndirect, áp lực tỷ giá sẽ vẫn duy trì đến trước thời điểm Fed đảo chiều chính sách tiền tệ. Một số yếu tố có thể hỗ trợ tỷ giá trong năm nay bao gồm lượng kiều hối dồi dào (16 tỷ USD; +32% so với cùng kỳ vào năm 2023), giải ngân FDI mạnh mẽ (6,3 tỷ USD; +7,1% so với cùng kỳ trong quý 1/2024) và thặng dư thương mại 9,0 tỷ USD trong 4 tháng của năm 2024 (+10,2% so với cùng kỳ).

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Abel Lim - Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB nhận định về khả năng cắt giảm lãi suất của Fed vào giữa cuối năm nay sẽ có thể giúp giảm bớt sức mạnh của đồng USD, hỗ trợ cho sự phục hồi của VND. “Do lạm phát tăng cao hơn dự kiến trong năm nay, Fed đã phát tín hiệu rằng họ cần duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn. Việc cắt giảm lãi suất chỉ được kỳ vọng khi họ tin tưởng hơn rằng lạm phát đang chậm lại ở mức 2%. Trong bối cảnh đó, đồng đô la Mỹ đã mạnh lên và dẫn đến sự suy yếu của các đồng tiền châu Á, trong đó có đồng Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm của UOB là Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12. Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay. Do đó, chúng tôi kỳ vọng sức mạnh của đồng đô la Mỹ sẽ giảm bớt trong những tháng tới và đồng Việt Nam sẽ phục hồi về mức 24.000 vào cuối năm 2024”. – ông Abel Lim nhận định.

Theo ông Đinh Đức Quang, báo cáo của UOB cho thấy dự báo tiền đồng và cả các đồng tiền khác, có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau 2024 khi lãi suất USD có thể được cắt giảm trong khi lãi suất VND sẽ hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại.

Với kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed đang giảm dần, tỷ giá USD/VNĐ có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4 và điều này có thể giúp kiểm soát biến động.

“Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng đồng VNĐ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng CNY. Dự báo USD/VNĐ cập nhật của UOB là 25.600 trong quý 2/2024, 25.100 trong quý 3/2024, 24.800 trong quý 4/2024 và 24.600 trong quý 1/2025”. – ông Đinh Đức Quang nhận định.

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương