Kích cầu tín dụng được kỳ vọng tăng tốc vào cuối năm

(Banker.vn) Trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Dù vậy, những tín hiệu hồi phục về đơn hàng, hoạt động sản xuất cùng với hàng loạt giải pháp hỗ trợ đang được các ngân hàng tiếp tục triển khai đang tạo kỳ vọng sẽ kích cầu tín dụng trong những tháng cuối năm.

Nhiều biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay... đã được các ngân hàng triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất hạn chế.

Kích cầu tín dụng được kỳ vọng tăng tốc vào cuối năm
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietcombank

Nhiều giải pháp hỗ trợ đang được các ngân hàng tiếp tục triển khai cùng những tín hiệu phục hồi về đơn hàng, hoạt động sản xuất đang tạo kỳ vọng sẽ kích cầu tín dụng những tháng cuối năm.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng Ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), số liệu về xuất khẩu trong nửa đầu năm đều đi xuống với hàng hóa xuất khẩu sụt giảm khiến hàng tồn tăng và hoạt động sản xuất trong nước cũng giảm. Nhiều khách hàng của Agribank thực tế đã sản xuất hết đơn hàng cũ nên không có đơn hàng mới. Điều đó tác động không nhỏ tới hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có lý do chủ quan từ sức khỏe nội tại của doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp, Trụ sở chính Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tài chính của doanh nghiệp đã bị mài mòn sau quãng thời gian chịu tác động của đại dịch. Hơn nữa, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ hay siêu nhỏ, do đó năng lực điều hành, quản trị còn hạn chế và khó đạt chuẩn về minh bạch tài chính. Theo đó, dù mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng doanh nghiệp càng khó có thể tiếp cận vốn vay.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, các doanh nghiệp không chỉ đối mặt với khó khăn về việc cấp tín dụng.

Ông Cẩm nhấn mạnh: “Ngành dệt may đã rơi vào 4 quý giảm liên tiếp. 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đơn hàng rất thiếu và đơn giá rất thấp. Doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất kinh doanh khả dĩ thì cũng không vay tiền ngân hàng, dù lãi suất có thấp tới đâu".

Dù tiếp cận được vốn vay lưu động, nhưng Công ty TNHH Hai thành viên Hải sản 404 cũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Bá Cường - Giám đốc Công ty TNHH Hai thành viên Hải sản 404, hiện nay, cái khó của doanh nghiệp không còn là tài sản đảm bảo nhằm thế chấp vay vốn. Bởi vậy, đa số các khoản vay ngân hàng đều là vay tín chấp với lãi suất ở khoảng trên 9%/ năm.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng trong nền kinh tế đến ngày 29/8/2023 đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, dù tăng 5,33% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 9,87% của cùng kỳ năm trước. Như vậy, dư địa tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm còn rất lớn.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho biết lần đầu trong 6 tháng gần đây, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8/2023 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm (so với mức so với mức 48,7 điểm của tháng 7). Đây là tín hiệu cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại...

Trước thực tế trên, loạt giải pháp để thúc đẩy tín dụng tiếp tục được các ngân hàng triển khai.

Ông Nguyễn Văn Bách cho biết Agribank đã chủ động giảm lãi suất, cơ cấu nợ, giúp khách hàng kéo dài thời hạn trả nợ, không bị nợ xấu... đồng thời, chủ động tiết giảm chi phí để hạ lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Được biết, từ đầu năm đến nay Agribank đã triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất cho vay thông thường và nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, bất động sản...

Tương tự, BIDV cũng đã 4 lần giảm lãi vay từ đầu năm đến nay. Riêng trong tháng 8/2023, lãi suất các khoản cho vay mới đã giảm 1% so với tháng trước. Chưa dừng ở đó, bà Nguyễn Thị Kim Phượng chia sẻ BIDV còn thiết kế sản phẩm "may đo" bám sát từng nhu cầu vay vốn của khách hàng; có chính sách đặc thù riêng theo từng phân khúc khách hàng, ngành hàng, đảo bảo trải nghiệm khách hàng phù hợp nhất.

Gần đây, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã giảm lãi suất cho vay cho khách hàng cá nhân hiện hữu lên đến 2,6%/năm. Không riêng Nam A Bank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đang thực hiện 3 gói vay ưu đãi với tổng quy mô lên đến 13.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5%/năm; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với nhiều gói vay có tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng, lãi suất bắt đầu từ 6,5%/năm...

Ngoài các gói tín dụng ưu đãi, nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố thông tin về việc cho vay khách hàng cá nhân để trả nợ ở các ngân hàng khác. Trong đó, lãi suất hấp dẫn nhất được áp dụng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) từ 5,6%/năm cho vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5%/năm cho vay tiêu dùng.

Với hàng loạt giải pháp hỗ trợ đang được các ngân hàng tiếp tục triển khai cùng những tín hiệu phục hồi về đơn hàng, hoạt động sản xuất đang tạo kỳ vọng sẽ kích cầu tín dụng những tháng cuối năm.

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các khoản vay mới để trả nợ ngân hàng khác có lãi suất từ 6%/năm cho khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm cho khoản vay trung và dài hạn. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng áp dụng các lãi suất linh hoạt từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu cho các khoản vay tương tự...

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, có thể lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thêm 1 điểm % từ nay đến hết năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm sẽ giảm xuống mức 6-6,2%/ năm.

Nhận định trên đến từ chi phí vốn của các NHTM đang có xu hướng giảm sau nhiều đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN. Ngoài ra, tín dụng tăng chậm cũng giúp giảm bớt sức ép huy động vốn, sức ép với lãi suất huy động vì thế cũng giảm nhiệt.

Thế nhưng, doanh nghiệp không chỉ cần vốn tín dụng mà còn cần các giải pháp đồng bộ hơn nữa của các cơ quan chức năng. Theo đề xuất của ông Thịnh, cần cân nhắc giải pháp kích cầu nội địa, thúc đẩy "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Đồng thời, tiếp tục giảm thuế VAT ở thời gian nhất định… Qua đó, doanh nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tiết giảm chi phí vận hành…

Tác động của việc giảm lãi suất điều hành và tình trạng dư thừa nguồn vốn tín dụng đã góp phần đáng kể vào việc giảm mạnh lãi suất cho vay gần đây. Thêm vào đó, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người dân có thể vay vốn mới với lãi suất thấp hơn để trả nợ các khoản vay lãi suất cao ở ngân hàng khác. Từ đó giúp giảm gánh nặng chi phí vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tín dụng trong những tháng cuối năm.

Thanh Tuấn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán