Kích cầu để ngân hàng chữa bệnh “thừa tiền”

(Banker.vn) Trong bối cảnh thị trường khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, cần đưa ra và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kích cầu sức mua.
Các địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa Người tiêu dùng ngày càng “săn đón” các chương trình khuyến mãi

Tăng trưởng tín dụng đạt 12,3%

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong 3 quý mới đi được 1/3 chặng đường cả năm.

Cụ thể, đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của Ngân hàng Nhà nước (6,1-6,2%). Tuy vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, song hoạt động cho vay đã từng bước được cải thiện trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Kích cầu để ngân hàng chữa bệnh “thừa tiền”
Tín dụng ngân hàng tăng trưởng chậm chủ yếu do doanh nghiệp khó khăn, nên không mở rộng hoạt động. Ảnh: Đ.T

Trước đó, tính đến 21/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 5,9 so với đầu năm (tức tín dụng bình quân mỗi tháng chỉ tăng hơn 0,6%), đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong khoảng 9 ngày cuối tháng 9/2023, tín dụng tăng 1%, tương đương 120.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại, chỉ có thể đạt khoảng hơn 12% trong năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, sản xuất gặp khó khăn. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản - cho vay mua nhà (mảng chiếm tỷ trọng 70% của ngân hàng) giảm mạnh do thị trường nhà đất gặp nhiều khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho hay, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3,355 tỷ tỷ đồng, tăng 0,72% so với tháng 8/2023. Trước đó, tháng 8/2023, tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng gần 1% so với tháng 7/2023.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, nếu cầu không có thì đẩy mạnh vốn hỗ trợ sản xuất và phát triển cũng không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh và đó chính là lý do hệ thống ngân hàng đang “thừa” tiền. Do đó, theo dự báo của ông Huân, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế năm nay khả năng chỉ đạt 12-13% so với mục tiêu ngành đưa ra là 14-15%.

Công ty Chứng khoán MBS cũng cho hay, thị trường bất động sản là khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất, nhưng vẫn tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm, khi số lượng giao dịch giảm 40%, số lượng dự án hoàn thành xây dựng giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với việc tăng trưởng GDP thấp và tổng cầu thế giới suy yếu, mặt bằng lãi suất dù đã giảm, nhưng vẫn còn khá cao, nên chưa thể kích thích nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2023 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các tổ chức tín dụng nhận định rằng, dư nợ toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng 4,6% trong quý IV và tăng 12,3% trong cả năm 2023. Mức kỳ vọng này thấp hơn 0,2% so với kết quả kỳ điều tra quý III/2023.

Kết quả trên cho thấy, việc đẩy vốn ra nền kinh tế của ngành ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Kỳ vọng kích cầu tín dụng cuối năm

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm 0,26 - 0,35 điểm phần trăm trong quý cuối năm. Trong lần khảo sát trước, các tổ chức tín dụng từng dự báo lãi suất trong quý III/2023 giảm 0,31 - 0,41%. Như vậy, tốc độ giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ chậm lại vào những tháng cuối năm.

Trong khi đó, tỷ lệ các tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng “cải thiện” trong quý III/2023 đã thấp hơn so với quý II, cũng như thấp hơn với kỳ vọng của kỳ điều tra trước. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý IV/2023, do kỳ vọng kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu phục hồi.

Đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của ngân hàng Nhà nước (6,1-6,2%).

Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và ban hành thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay…, lãi suất cho vay đã, đang từng bước được ngân hàng cắt giảm so với đầu năm nay, với mức giảm 1-4% đối với doanh nghiệp và 1-3% đối với khách hàng cá nhân, nên nhà băng kỳ vọng kích cầu tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nay.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trước bối cảnh thị trường còn có những khó khăn nhất định hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Do đó, giải pháp trước hết là phải kích cầu sức mua, giảm thêm lãi vay..., thì ngân hàng mới chữa được bệnh “thừa tiền”.

Sức hấp thụ vốn của nền kinh yếu do sức cầu giảm, đầu ra sản phẩm doanh nghiệp khó khăn, nên chưa thể triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới. Do đó, cầu về vốn của doanh nghiệp khó tăng cao, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Vì thế, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, cần có thêm giải pháp kích cầu, thay vì tập trung kích cung vốn.

Trong khi đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng năm nay tăng thấp hơn so với năm ngoái xuất phát từ những khó khăn trong và ngoài nước đã tác động đến doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra 11 giải pháp lớn để mở rộng tín dụng. Thông qua các giải pháp này, tín dụng được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế.

Theo ông Tú, 3 tháng cuối năm, theo thông lệ, tín dụng sẽ tăng nhanh hơn, ngân hàng sẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

baodautu.vn

Theo: Báo Công Thương