Giá dầu có thể tăng lên 150 USD/thùng hoặc cao hơn
Ông Igor Yushkov, chuyên gia tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga và Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia cho biết: “Kịch bản như vậy chỉ có thể xảy ra khi nguồn cung trên thị trường giảm mạnh, dẫn đến tình trạng thiếu dầu. Để điều này xảy ra, nước nào đó phải giảm triệt để khối lượng sản xuất và xuất khẩu”.
Theo ông Yushkov, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) chắc chắn sẽ không làm điều này. Chuyên gia giải thích, kịch bản này có nhiều khả năng xảy ra hơn do xung đột quân sự ngày càng mở rộng ở Trung Đông và khi các nước khác bị lôi kéo vào chiến sự.
Với kịch bản như vậy, eo biển Hormuz, nơi hơn 20% tổng lượng dầu chảy qua, sẽ bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Trường hợp khác là Nga giảm nguồn cung dầu nếu các nước phương Tây đi quá xa trong việc đe dọa các nước mua dầu của Nga, khiến Moscow không có thị trường bán hàng. Do đó, việc dầu Nga rời khỏi thị trường thế giới sẽ nâng giá lên 150 USD/thùng hoặc cao hơn.
Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
Kịch bản này có thể là do phương Tây đưa ra lệnh cấm đối với khí đốt của Nga hoặc hệ thống đường ống vận chuyển của Ukraine bị ngăn chặn hoặc cơ sở hạ tầng bị phá hủy, bao gồm cả hệ thống đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen. Mặc dù khó trở thành hiện thực hơn nhiều so với việc phá hủy Dòng chảy phương Bắc ở biển Baltic, nhưng ngay cả kịch bản này hiện nay cũng không hẳn là có xác suất bằng 0.
Tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn vào năm 2024 |
Ông Yushkov coi kịch bản ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua hai đường ống - đường ống đi qua Ukraine và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - là tương đối có khả năng. Ukraine đã chặn đường ống phía Nam và nguồn cung hiện chỉ đi qua nhánh phía Bắc. Nguồn cung đến châu Âu qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã bị dừng vào năm 2023. Bulgaria cũng sắp áp dụng một khoản thuế bổ sung đối với việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ với mức thuế 111 USD/1.000 m3.
“Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn quá trình vận chuyển khí đốt bằng cách áp thuế vận chuyển. Khi đó, khí đốt của Nga trở nên đắt đỏ và việc mua nó sẽ không có lợi”, chuyên gia Yushkov giải thích.
Tất nhiên, nạn nhân chính sẽ là châu Âu. Ông Yushkov cho rằng, châu Âu sẽ không chết cóng; rủi ro chính là giá cả tăng cao, từ đó sẽ dẫn đến quá trình phi công nghiệp hóa hơn nữa của nền kinh tế châu Âu.
Chiến sự Nga-Ukraine chấm dứt vào năm 2024
Ông Yushkov cho rằng: “Sự kiện này có thể mở ra cơ hội hợp tác mới với châu Âu. Cách dễ nhất là khôi phục hoạt động buôn bán than và dầu”. Tuy nhiên, một kịch bản tích cực như vậy hiện khó có thể xảy ra, đặc biệt khi xét đến thực tế là các lệnh trừng phạt gần như không bao giờ được dỡ bỏ.
Bên cạnh đó, việc “đóng băng” chiến sự ở Ukraine có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho toàn bộ nền kinh tế Nga.
Ông Fedor Naumov, chiến lược gia trưởng tại PFL Advisors nhận định: “Kết thúc giai đoạn xung đột nóng sẽ là một ‘cú sốc giảm phát’ đối với nền kinh tế Nga, khi hàng trăm nghìn người sẽ quay trở lại thị trường lao động, lạm phát sẽ chậm lại, Ngân hàng Trung ương sẽ hạ lãi suất xuống dưới 10% từ mức 16% hiện tại”.
FED và ECB tiếp tục duy trì lãi suất cao
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục duy trì lãi suất cao vào năm 2024, dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bà Marina Nikishova, nhà kinh tế trưởng tại Zenit Bank cho rằng: “Lạm phát ở Mỹ đang chậm lại và thị trường đang dự đoán FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024, nhưng Mỹ có thể duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ cho đến cuối năm 2024, mặc dù có vẻ khó xảy ra. Việc này cũng làm tăng khả năng xảy ra một cuộc suy thoái sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu và kéo theo đó là nhu cầu năng lượng và giá dầu giảm. Thị trường dầu mỏ có thể phải đối mặt với tình trạng dư thừa”.
Nếu lạm phát tăng cao, ECB cũng có thể tăng lãi suất trở lại, khiến khu vực đồng euro rơi vào suy thoái sâu.
“Ở các nước đang phát triển, việc tăng lãi suất cơ bản có thể khiến đồng tiền quốc gia mất giá và điều này sẽ càng đẩy nhanh lạm phát ở các nước này. Nền kinh tế Mỹ và châu Âu cho đến nay vẫn đang trụ vững, nhưng giờ đây ngay cả một sự kiện bất ngờ nhỏ cũng có thể khiến họ rơi vào khủng hoảng”, bà Nikishova cho hay.
Khủng hoảng địa chính trị
Bà Olga Belenkaya, Trưởng phòng Phân tích Kinh tế Vĩ mô của tập đoàn tài chính Finam đánh giá: “Rủi ro địa chính trị bao gồm khả năng mở rộng địa lý của các cuộc xung đột hiện có và sự xuất hiện của những xung đột mới. Kinh nghiệm giai đoạn 2022-2023 cho thấy khủng hoảng có thể dẫn đến sự gián đoạn tạm thời trong hệ thống cung cấp năng lượng và thực phẩm cũng như dẫn đến những cú sốc về giá có thể làm phức tạp thêm nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương trong việc lựa chọn giữa rủi ro suy thoái, lạm phát cao và ổn định tài chính”.
Vào năm 2024, hơn 70 cuộc bầu cử sẽ diễn ra ở ít nhất 40 quốc gia trên thế giới và đối với thế giới cũng như đối với Nga, mối quan tâm lớn nhất là cuộc bầu cử ở Nga (vào tháng 3) và ở Mỹ (vào tháng 11).
“Cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ định hình chính trị tương lai của nền kinh tế lớn nhất và hùng mạnh nhất thế giới trong 4 năm tới. Đối với Nga, trong bối cảnh quan hệ gần như đóng băng với Mỹ, những suy đoán có thể sẽ gia tăng về khả năng giới lãnh đạo chính trị mới của Mỹ đưa ra lập trường mềm mỏng hơn liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng như quan hệ giữa Mỹ-Nga nói chung”, bà Belenkaya nhận định.
Thanh Bình
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|