Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

(Banker.vn) Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để tăng cường tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng sạch, hiện đại, bền vững.
TP. Hồ Chí Minh: Lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư Tại sao TP. Hồ Chí Minh tăng phí làm hồ sơ nhà đất từ 20-40 lần? Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh sẽ khởi công trong tháng 6/2023

Xu hướng phát triển các nước trên thế giới

Chiều 24/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh với tỷ lệ 97,37% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức bấm nút điện tử

Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, về sử dụng mái nhà các trụ sở là tài sản công để đặt hệ thống điện mặt trời (khoản 11), nhiều ý kiến nhất trí với chủ trương đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở là tài sản công nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phát triển xanh, phát huy lợi thế của Thành phố.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì việc đấu nối điện liên quan đến quy hoạch điện quốc gia, việc sử dụng tài sản công cần thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Một số ý kiến cho rằng cần bảo đảm sự tương đồng về chính sách đối với người dân và đề nghị Chính phủ phải đánh giá lại hiệu quả, cũng như hệ lụy của điện năng lượng mặt trời (việc phòng cháy, chữa cháy, an toàn lưới điện, ảnh hưởng đến môi trường, việc xử lý rác thải sau khi các thiết bị này không còn sử dụng) trước khi quyết định nội dung này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà nhằm nâng cao ý thức sử dụng năng lượng của người dân, tiết kiệm chi phí, giúp tiết kiệm quỹ đất, giảm thời gian, nguồn lực vào đầu tư phát triển các dạng nguồn điện khác (thủy điện, nhiệt điện…) nhằm đảm bảo cung cấp điện cho thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là xu hướng phát triển các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Toàn bộ hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các tòa nhà công trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ được đấu nối với lưới điện hạ áp hiện hữu sau trạm biến thế; đồng thời, công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà được đầu tư theo định hướng đáp ứng vừa đủ công suất tiêu thụ điện của tòa nhà để nhằm mục đích tự sử dụng tại chỗ, lượng điện năng dư thừa phát lên lưới điện không đáng kể, không gây ảnh hưởng đến hệ thống điện hiện hữu.

Do đó, không cần đầu tư thêm lưới phân phối mới để giải tỏa công suất. Việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời mang ý nghĩa về mặt xã hội và môi trường khi thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà.

Đối với vấn đề pin thải, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật hiện hành, tấm pin mặt trời thuộc danh mục sản phẩm các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế.

Để bảo đảm chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp hệ thống điện mặt trời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý quy định tại khoản 11 Điều 5 Dự thảo Nghị quyết thành “cho phép Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định việc sử dụng các mái nhà đảm bảo các điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở.

Phần điện còn thừa do không sử dụng hết thực hiện theo quy định pháp luật về điện lực. Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức thực hiện việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời đảm bảo các yếu tố phù hợp về mỹ quan, kiến trúc và môi trường của khu vực xung quanh.”

Tăng tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng sạch, bền vững

Có ý kiến đề nghị Thành phố cần có phương án để huy động xã hội hóa và sự tham gia của các thành phần kinh tế khác dựa trên Quy hoạch tổng thể về năng lượng, năng lượng tái tạo và đặc biệt liên quan đến năng lượng mái nhà, năng lượng áp mái.

Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Mô hình điện mặt trời mái nhà là xu hướng phát triển

Đồng thời, có ý kiến đề nghị cần phải diễn đạt lại khoản 11 Điều 5 như sau: “Thành phố được sử dụng nguồn vốn đầu tư công để đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời phục vụ cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị để đảm bảo tiết kiệm điện”.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng mái nhà để lắp đặt hệ thống điện mặt trời chỉ áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là tài sản công nhằm mục đích bảo đảm một phần nhu cầu sử dụng điện tại trụ sở công lập và theo Báo cáo đánh giá tác động, ngân sách nhà nước chỉ cần chi khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện và mỗi năm tiết kiệm được khoảng 405 tỷ đồng và góp phần làm giảm tiêu thụ điện lưới, tranh thủ nguồn năng lượng tái tạo, hỗ trợ áp dụng tín chỉ các-bon.

Như vậy, chỉ cần khoảng từ 5 - 7 năm là có thể hoàn lại số tiền ngân sách nhà nước đã chi và được tiếp tục sử dụng lâu dài, không cần thiết xã hội hóa. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà trong giai đoạn 2023 -2030 là chưa phù hợp vì Nghị quyết chỉ thí điểm 5 năm nên cần rút ngắn thời gian thực hiện cùng hiệu lực với Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này tại Dự thảo Nghị quyết nhằm khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để tăng cường tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng sạch, hiện đại, bền vững. Việc áp dụng quy định này được thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12 của Dự thảo Nghị quyết. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị giao cho UBND Thành phố tính toán lắp đặt cân đối nhu cầu trên toàn Thành phố và cho phép các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn tự lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời; có thể chuyển Điện lực Thành phố về cho Thành phố quản lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, phạm vi quy định tại Dự thảo Nghị quyết nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà của người dân và doanh nghiệp, theo quy định của Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn, hiện nay không cấm người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Đối với việc chuyển Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh về Thành phố quản lý, đây là Tổng công ty hoạt động theo ngành dọc, là đơn vị cấp dưới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nên không thể chuyển về thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định các nội dung này tại Dự thảo Nghị quyết.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Theo: Báo Công Thương