Khuyến khích điện mặt trời mái nhà: Không phục vụ mục đích kinh doanh, mua bán điện

(Banker.vn) Việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cấp cho nhu cầu tại chỗ, không phục vụ mục đích mua bán điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội thảo tham vấn kỹ thuật điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu Bộ Công Thương đề xuất 3 cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, vào chiều 4/5.

Tại họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc, hiện quy định về chính sách khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp và áp dụng giá 0 đồng với hệ thống nối lưới sẽ khó thu hút các nhà đầu tư?

Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo đã nêu rõ, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được xem là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại họp báo

Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Với định hướng về phát triển nguồn điện, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định về định hướng phát triển nguồn điện và phương án phát triển nguồn điện cũng đã nêu rất rõ: “Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia)”.

"Việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu tại chỗ, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện và không phục vụ mục đích kinh doanh, mua bán điện" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Để thực hiện được việc này, cần phải xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Theo đó, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp.

Bộ đang tiếp thu ý kiến, qua đó sẽ báo cáo để Chính phủ sớm phê duyệt. Tại dự thảo lần này, một số nội dung sẽ được đề cập rõ như về khái niệm điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Hai là các công trình đang lắp điện mặt trời trên mái nhà. Ba là cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Bốn là đơn giản hoá thủ tục, tạo thuận lợi cho việc phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân, doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, để khuyến khích loại hình này, dự thảo được xây dựng đưa ra cơ chế khuyến khích, như được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản…

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục