Ngày 22/11/2023, tại Hà Nội, Trường Đại học Đại Nam tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam”.
Tới dự Hội thảo, về phía các bộ, ban, ngành có: TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; TS. Nguyễn Đức Kiên, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các vụ, cục, đơn thị thuộc các bộ, ban, ngành: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các trường đại học, trung tâm đào tạo, ngân hàng thương mại (NHTM) trong và ngoài nước.
Về phía Trường Đại học Đại Nam, tham dự Hội thảo có TS. Lê Đắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; PGS., TS. Phạm Văn Hồng, Hiệu trưởng; PGS., TS. Đặng Ngọc Đức, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng; lãnh đạo, giảng viên các khoa, đơn vị thuộc Đại học Đại Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Đắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Đại Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo cho biết về ba mục tiêu chính của Hội thảo: Một là, Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà quản lí, nghiên cứu sinh và các học giả trình bày các nghiên cứu, đánh giá thực trạng về sự phát triển Fintech trên thế giới và những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; hai là, nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các công ty Fintech, các NHTM và doanh nghiệp đã, đang và sẽ áp dụng các sản phẩm Fintech, từ đó, đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho sự phát triển của Fintech tại Việt Nam; ba là, triển khai nghiên cứu và phát triển các chương trình đào tạo về Fintech tại các trường đại học.
TS. Lê Đắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Đại Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Tổng quan về Fintech tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và kinh nghiệm quốc tế
Tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đã khái quát về thực trạng phát triển mạnh mẽ của Fintech trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích to lớn như đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của khách hàng, đặc biệt là khách hàng có thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Fintech cũng mang lại nhiều rủi ro liên quan đến tính bảo mật thông tin khách hàng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn xã hội. Trên thế giới hiện có ba mô hình ngân hàng số ứng dụng Fintech đó là: Ngân hàng số 100%, ngân hàng với một số sản phẩm, dịch vụ được số hóa và ngân hàng mở.
Tại Việt Nam, Fintech đã và đang có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Sự phát triển nhanh chóng của Fintech đã đặt ra bài toán lớn cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong việc ban hành hành lang pháp lí cũng như việc quản lí Fintech một cách chủ động hơn.
Về cách thức quản lí Fintech, theo TS. Cấn Văn Lực, hiện nay, trên thế giới có bốn cách tiếp cận là: (i) Chờ đợi và quan sát; (ii) Thử nghiệm và học hỏi; (iii) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo; (iv) Thay đổi thể chế pháp luật để thực hiện.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra điểm bất cập trong lĩnh vực Fintech ở Việt Nam hiện nay là sự thiếu liên kết, hợp tác giữa các công ty Fintech. Đồng thời, ông cũng nêu lên sự cấp thiết về đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực Fintech, tăng cường giáo dục tài chính tới đông đảo người dân.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia trình bày tại tham luận tại Hội thảo
Ông Mukesh Pilania - Giám đốc cao cấp ngân hàng số bán lẻ NHTM cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) trình bày tham luận “Cải thiện hệ sinh thái ở Việt Nam, IEFD 2023” đã nhấn mạnh, Việt Nam là thị trường có tính cạnh tranh hàng đầu về công nghệ tài chính ở khu vực châu Á với khoảng 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 79,1% tổng dân số, trong đó 64% người tiêu dùng thanh toán bằng điện thoại (năm 2023), tăng trưởng 24% so với năm 2019. Nhu cầu người dùng tăng mạnh kéo theo số lượng giao dịch và đầu tư vào lĩnh vực Fintech cũng gia tăng. Theo đó, Việt Nam cần một hành lang pháp lí và chính sách hỗ trợ phù hợp nhưng an toàn cho các doanh nghiệp Fintech khi thị trường mở rộng. Từ góc độ ngân hàng, ông đưa ra một số khuyến nghị tới các nhà hoạch định chính sách là cần xây dựng một môi trường kiểm soát mở rộng, thực hiện việc giám sát, đảm bảo cơ cấu quản trị hiệu quả và quy trình quản lí rủi ro rõ ràng, đồng thời phía các ngân hàng cũng cần đặt Fintech vào kế hoạch dài hạn, tận dụng lợi thế của công nghệ mới nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Ông Mukesh Pilania, Giám đốc cao cấp ngân hàng số bán lẻ Techcombank trình bày tham luận tại Hội thảo
Ông Jo Hui Chen, giảng viên Khoa Tài chính và Quản trị kinh doanh, trường Đại học Chung Yuan Christian mang tới Hội thảo bài nghiên cứu “Hiệu ứng lan tỏa và và khối lượng giao dịch của các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) Fintech”. Bằng cách sử dụng mô hình ARMA - GARCH, nghiên cứu cho thấy tác động lan tỏa đáng kể giữa chỉ số thị trường chứng khoán với các quỹ ETF Fintech, cụ thể, lợi nhuận của các quỹ ETF có ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của chỉ số giá chứng khoán. Bên cạnh đó, phân tích cũng cho thấy khối lượng giao dịch đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến các lĩnh vực biến động và ETF ngoại trừ Fintech.
Ông Jo Hui Chen, giảng viên Khoa Tài chính và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Chungyuan Christian trình bày tham luận tại Hội thảo
Ông Hessel Abbink Spaink, chuyên gia cao cấp tổ chức PUM Hà Lan giới thiệu tới Hội thảo Hệ thống thanh toán điện tử và Fintech ở châu Âu. Ông cho biết, các yếu tố tạo nên thành công của Fintech ở châu Âu bao gồm niềm tin, độ tin cậy, giá cả, cơ sở hạ tầng tri thức và sự dễ sử dụng. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến hành lang pháp lí ở châu Âu đề cao sự bảo mật quyền riêng tư của người tiêu dùng thông qua hệ thống công nghệ hiện đại, đảm bảo an ninh mạng hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro do lỗi thông thường của con người.
Ông Hessel Abbink Spaink, chuyên gia cao cấp tổ chức PUM Hà Lan trình bày tham luận tại Hội thảo
Hành lang pháp lí tại Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ Fintech
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - NHNN, Tổng Thư kí Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam trình bày tham luận “Fintech: Thực trạng, xu hướng và giải pháp”. Theo đó, ông cho biết, đến năm 2030, dự báo doanh thu do Fintech tạo ra trên toàn thế giới sẽ đạt 420 tỉ USD, gấp 4,2 lần doanh thu năm 2023. Ông nhấn mạnh đến sự gia tăng mạnh mẽ của các công ty Fintech tại Việt Nam tập trung vào ba lĩnh vực chính là ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, hệ thống NHTM Việt Nam chưa có ngân hàng thuần số mà chỉ có mô hình ngân hàng số trong ngân hàng truyền thống, qua đó nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các công ty Fintech và các NHTM. Ông tiếp tục nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lí cho ngân hàng số và cơ chế quản lí thử nghiệm cho cả ba lĩnh vực nói trên.
Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội trình bày tại Hội thảo tham luận “Môi trường kinh tế số, bản chất sản phẩm ứng dụng Robo - Advisor trong công ty quản lí quỹ và thực tế ứng dụng tại Việt Nam”. Theo ông Nguyễn Hải Nam, mục tiêu kinh tế số nước ta sẽ đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Mục tiêu kinh tế số sẽ tạo nhiều điều kiện cho dịch vụ tư vấn tự động Robo - Advisor phát triển mạnh mẽ. Ông cũng nhấn mạnh, Robo - Advisor so với dịch vụ tư vấn truyền thống có mức chi phí thấp hơn, mang lại sự thuận tiện cho khách hàng trong việc tiếp cận dịch vụ nhiều hơn và đặc biệt giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các bên tham gia (broker và manager). Tuy nhiên nó không thể thay thế con người, đặc biệt khi khủng hoảng tài chính đang diễn ra và vượt ngoài sự kiểm soát của AI. Tại Việt Nam, Robo - Advisor cũng được đề cập trong Đề án Phát triển ngành Chứng khoán triển khai đến năm 2030. Tuy vậy, điểm khó khăn khi triển khai Robo - Advisor tại Việt Nam đó là thiếu nguồn lực chất lượng cao và khung pháp luật, do đó ông kiến nghị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Robo - Advisor và số hóa tài chính trên thị trường chứng khoán; có chế tài để yêu cầu các công ty quản lí quỹ báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi áp dụng Robo - Advisor, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn lực trong ngành và hướng tới nâng cao hiểu biết của các nhà đầu tư về Robo - Advisor.
Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội trình bày tham luận tại Hội thảo
“Fintech xanh - xu hướng và cơ hội chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực tài chính ở Đài Loan” là nội dung tham luận của ông Han Chens, Giám đốc điều hành Stronghold Trustee. Trong tham luận của mình, ông nhấn mạnh đến xu hướng chuyển đổi số đã và đang đóng góp tích cực cho việc phát triển ngân hàng xanh ở thế hệ 1.0 lên 4.0 sau hơn 20 năm từ 1998 đến nay. Chẳng hạn như chữ kí số thúc đẩy mục tiêu cắt giảm lượng rác thải carbon, thay vì sử dụng 70.000 trang giấy mỗi ngày, chữ kí số giúp cắt giảm 498,48 tấn CO2 tải ra môi trường. Đài Loan cũng có kinh nghiệm trong xây dựng nền tảng đầu tư ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), cung cấp các thông tin cơ bản về tài sản ròng của các danh mục đầu tư, các cổ phiếu riêng lẻ, xếp hạng ESG hay các sản phẩm carbon.
Ông Hwa Ping Chang, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tài chính Công nghệ Eureka giới thiệu khái quát hệ sinh thái Fintech Hồng Kông. Theo đó, các công ty khởi nghiệp Fintech tại Hồng Kong tập trung đầu tư vào các lĩnh vực quản lí tài sản, ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán. Theo kinh nghiệm quản lí hệ sinh thái Fintech ở Hồng Kông, cần đặc biệt lưu ý đến công tác quản lí của các bên liên quan chính, trong đó, tính minh bạch trong giao dịch và sự bảo mật thông tin khách hàng được đề cao.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương với tham luận: “Thách thức đối với cơ quan quản lí khi phát triển Fintech” đề cập tới thách thức đối với sự phát triển của Fintech từ góc độ quản lí. Theo TS. Nguyễn Tú Anh, để quản lí hiệu quả hoạt động hệ sinh thái Fintech, chúng ta cần hiểu được bản chất của sản phẩm, dịch vụ Fintech là gì? Hiện nay, việc xây dựng khung chính sách thử nghiệm đưa ra chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của Fintech, nhiều chính sách quản lí thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập tới cơ sở hạ tầng số còn chưa đồng bộ, vì thế, ở Việt Nam, liên kết giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái Fintech vẫn chưa mang tính hệ thống.
TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương
trình bày tham luận tại Hội thảo
Tham luận tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Ngân, NHNN Chi nhánh Thành phố Hà Nội chia sẻ đồng quan điểm với nhiều diễn giả tại Hội thảo rằng, hành lang pháp lí hiện nay ở Việt Nam không theo kịp sự phát triển của Fintech. Bà cho biết, từ thực tiễn, cơ sở pháp lí cho thanh tra, giám sát hoạt động phối hợp giữa NHTM và các trung gian thanh toán còn tương đối mỏng, đặc biệt là khung pháp lí đối với hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending). Bên cạnh đó, dưới áp lực cạnh tranh lớn, các công ty Fintech chưa chú trọng đến vấn đề tuân thủ pháp lí. Đây có thể nói là một hạn chế trong khung khổ pháp lí quản lí lĩnh vực Fintech hiện nay.