Khu du lịch Nam Hồ (Lâm Đồng): Nhận góp vốn gấp 2 lần tổng mức đầu tư dự án

(Banker.vn) Hàng loạt sai phạm tại Dự án Khu du lịch Nam Hồ đã được Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kết luận từ năm 2022. Thế nhưng, mới đây những sai phạm này mới được hé lộ.
Lâm Đồng: Khách sạn lớn nhất Đà Lạt xây dựng “nhầm” diện tích sàn gần 4.500m2 Lâm Đồng: Vén bức màn bí ẩn trong thùng những chiếc "xe vua" Lâm Đồng: Hành trình và điểm đến cuối cùng của khoáng sản

Hốt bạc từ dự án nhiều sai phạm

Giữa năm 2022, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành thanh tra toàn diện việc lập dự án, quá trình đầu tư và khai thác sử dụng tại dự án Khu du lịch Nam Hồ của Công ty Cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ (Công ty Nam Hồ).

Ngày 18/11/2022, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kết luận số 97/KL-TTr, chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án này. Thế nhưng, mới đây những sai phạm tại dự án này mới được hé lộ.

Theo đó, Dự án Khu du lịch Nam Hồ có quy mô 10,31ha, tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, trong đó vốn của Công ty Nam Hồ là 40 tỷ đồng, còn lại 70 tỷ đồng là vay dài hạn từ các tổ chức tín dụng.

Tại thời điểm thanh tra, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng xác định dự án còn 3 công trình chưa thực hiện xây dựng (nhà hàng ẩm thực ký hiệu 10.1; nhà nghỉ ký hiệu 3.2; khách sạn trung tâm ký hiệu số 1.5) và một công trình mới thi công phần móng (khu văn hóa lễ hội sinh viên).

Khu du lịch Nam Hồ (Lâm Đồng): Nhận góp vốn gấp 2 lần tổng mức đầu tư dự án
Khu du lịch Nam Hồ có nhiều vi phạm.

Khu thương mại dịch vụ không sử dụng đúng công năng mà được ngăn ra thành 15 căn hộ; khu nhà hàng ẩm thực (4 căn) không có hoạt động kinh doanh ẩm thực mà là 3 căn biệt thự (còn 1 căn chưa xây dựng); khu trà hoa viên là 12 căn biệt thự không có dấu hiệu hoạt động là khu giới thiệu đặc sản trà Lâm Đồng và quán trà phổ thông 50 khách...như mục tiêu của dự án.

Như đã nói ở trên, dự án này có tổng mức đầu tư chỉ 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng xác định, trong quá trình thực hiện dự án từ năm 2006 đến 30/6/2022, công ty có nhận tiền vốn góp của 92 cá nhân với tổng giá trị góp vốn là 219,737 tỷ đồng, gấp gần 2 lần tổng mức đầu tư.

Tại thời điểm thanh tra, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng còn phát hiện một số công trình có dấu hiệu người ở cư trú lâu dài, không hoạt động kinh doanh du lịch, như: Khu nhà nghỉ sinh viên khoảng 18 căn; khu nhà nghỉ ký hiệu số 2.1 đến 2.6; số 3.1; số 3.23 số 3.24; số 3.25; số 3.28; số 4.2; số 4.3; khách sạn trung tâm ký hiệu số 1.2; khu thương mại dịch vụ....

Đáng chú ý, còn có 2 công trình rao bán trên mạng internet, gồm: Công trình nhà nghỉ học sinh, sinh viên ký hiệu số 8.18 (rao bán 17 tỷ); khách sạn trung tâm ký hiệu số 1.3 (rao bán 39 tỷ).

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án có dấu hiệu hoạt động không đúng theo mục tiêu đầu tư là khu nghỉ dưỡng hiện đại có quy mô phục vụ từ 200-300 khách lưu trú và 500-1.000 khách vãng lai/ngày, đêm nhằm thu hút khách du lịch vào Lâm Đồng và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Xây sai hàng loạt công trình

Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, qua thanh tra xác định, Công ty Nam Hồ xây dựng 93 công trình có mái che với tổng diện tích 12.822,52m2. Trong đó, có 55 công trình xây dựng lệch vị trí một phần; 38 công trình xây dựng ngoài vị trí so với vị trí UBND tỉnh cho chuyển mục đích sử dụng đất năm 2006, 2011 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2016.

Đối với công trình không có mái che, công ty đã xây dựng sân bãi, bãi đậu xe với tổng diện tích 4.609m2, tăng 1.050m2 so với diện tích được chuyển mục đích sử dụng đất; đường giao thông nội bộ đã xây dựng với tổng diện tích 8.807m2, tăng 2.777m2 so với diện tích được chuyển mục đích sử dụng đất.

“Quá trình kiểm tra trật tự xây dựng tại dự án, Phòng Quản lý đô thị TP. Đà Lạt, UBND phường 11 đã lập biên bản vi phạm về trật tự xây dựng. Trên cơ sở đó, UBND TP. Đà Lạt đã ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 57 công trình do xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế được duyệt với số tiền 190 triệu đồng”, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kết luận.

Đối với biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu công ty ngừng thi công công trình và liên hệ với cơ quan chức năng lập hồ sơ, thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế theo quy định.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp giấy phép xây dựng hoặc sau khi được cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh phải tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm không phù hợp theo quy hoạch và thiết kế được duyệt.

Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục là 90 ngày, hết thời gian 90 ngày công ty không xuất trình được giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Theo thanh tra tỉnh Lâm Đồng, thời điểm thanh tra công ty đã nộp phạt 190 triệu đồng do xây dựng sai nội dung giấy phép.

Các nội dung còn lại như liên hệ với cơ quan có thẩm quyền đề điều chỉnh giấy phép xây dựng, bản vẽ thiết kế, tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc sau khi được cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh không phù hợp theo quy hoạch và thiết kế được duyệt, công ty mới chỉ thực hiện được một phần nhưng chưa triệt để.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin./.

Nhóm Phóng viên

Theo: Báo Công Thương