Không sợ mất cơ hội

(Banker.vn) Trong báo cáo cập nhật về dòng vốn đầu tư toàn cầu của Công ty Chứng khoán SSI có nêu, tâm điểm ảnh hưởng mạnh tới dòng tiền đầu tư toàn cầu trong tháng 1/2022 tiếp tục là định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Đây cũng là quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý quỹ, khi theo khảo sát của Bank of America Merill Lynch có tới 44% người cho rằng, Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn kỳ vọng là rủi ro lớn nhất trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trái ngược với tâm lý hoảng loạn bán tháo trong tháng 12/2021, dòng tiền trong tháng 1/2022 bắt đầu có sự phân hóa rõ rệt vào các tài sản tài chính.

Tỷ trọng vào thị trường cổ phiếu đặc biệt tích cực, khi ghi nhận mức mua ròng 105,9 tỷ USD - mức mua ròng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3/2021. Dù vậy, dòng tiền này đã có sự dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu tăng trưởng (ví dụ công nghệ) sang nhóm cổ phiếu giá trị (ví dụ ngân hàng hay năng lượng).

Trái ngược, dòng vốn vào các quỹ trái phiếu và quỹ tiền tệ giảm mạnh, khi bán ròng lần lượt là 21 tỷ USD và 116 tỷ USD do tín hiệu tăng lãi suất của Fed cũng như lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh.

Xu hướng hồi phục của dòng vốn cổ phiếu toàn cầu tương đối đồng đều khi ở cả hai thị trường phát triển và mới nổi đều ghi nhận mức mua ròng đột biến.

Tại thị trường Việt Nam, tâm lý thận trọng quan sát, chờ đợi, duy trì tỷ trọng tiền mặt cao trong tài khoản đang là chủ đạo. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, xu hướng tiếp theo của thị trường Việt Nam cũng tương đồng với xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu như nói trên.

Hiện tại, mặc dù không ít cổ phiếu được định giá ở mức thấp do doanh nghiệp có triển vọng dài hạn nhưng nhà đầu tư vẫn quan sát, chứ không còn tâm lý sợ mất cơ hội mạnh mẽ như năm ngoái. Thị trường lo ngại tiền bị rút bớt để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoặc chuyển qua đầu tư bất động sản.

Nếu nhìn nhận về con số, khi thanh khoản của thị trường trong 2 năm qua đã tăng bằng lần, tăng cấp số nhân thì thanh khoản sụt giảm 10% hay thậm chí 20% so với đỉnh trước đó cũng vẫn giúp quy mô, thanh khoản thị trường ở mức lý tưởng nhất từ trước đến nay để giao dịch, đầu tư. Vấn đề cơ bản là thị trường chưa có câu chuyện rõ ràng.

Nhìn vào nhóm cổ phiếu bất động sản phục hồi cho thấy, những tưởng sau cú giảm mạnh, giá cổ phiếu nhóm này sẽ lình xình tạo đáy, nhưng câu chuyện về lạm phát tăng cao ở các nền kinh tế và dự báo sẽ tiếp tục tăng ở thị trường trong nước khi kinh tế phục hồi đã giúp giá cổ phiếu bất động sản bật tăng mạnh trở lại. Tất nhiên, có sự phân hóa trong cùng nhóm, chứ không tăng đồng loạt như trước bởi hiệu ứng đám đông.

Như vậy, dòng tiền chỉ cần có câu chuyện hay sẽ tham gia tích cực. Nhà đầu tư đang chờ đợi có câu chuyện rõ ràng và động thái tăng lãi suất của Fed diễn ra để không còn những yếu tố khó lường khi gia tăng danh mục nắm giữ cổ phiếu.

Diễn biến thị trường hiện tại được miêu tả là tăng trong nghi ngờ khi thanh khoản giảm so với trước. Nhưng thanh khoản hiện tại có thể xem là phù hợp với thị trường trong điều kiện bình thường mới của nền kinh tế với các giới hạn giãn cách để chống dịch gần như được dỡ bỏ hoàn toàn. Khi thị trường đã quen với mức thanh khoản này, sản xuất, tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ và toàn diện ở các ngành, lĩnh vực kinh tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng sẽ là câu chuyện hấp dẫn dòng tiền trong thời gian tới.

Người quan sát

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục