Không còn 'hậu cần', logistics giờ là dịch vụ công nghệ cao

(Banker.vn) Trong kỷ nguyên số 4.0, logistics không còn là hoạt động hậu cần truyền thống, mà đang chuyển mình thành ngành dịch vụ công nghệ cao.
Số hóa dịch vụ logistics: Không để doanh nghiệp ‘lạc nhịp’ cuộc chơi 4.0 Ông Trần Thanh Hải: Chuyển đổi số ngành dịch vụ logistics là không thể chậm trễ! Hội thảo Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0

Đó là khẳng định của ông Phạm Nguyễn Thanh Quang, Tổng giám đốc LEX Việt Nam tại Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” do Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức chiều 24/4.

Không còn 'hậu cần' - logistics giờ là dịch vụ công nghệ
Ông Phạm Nguyễn Thanh Quang, Tổng giám đốc LEX Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”. Ảnh: Cấn Dũng

Logistics đang chuyển mình thành ngành dịch vụ công nghệ cao

Hiểu rất rõ sự quan trọng của chuyển đổi số, ông Phạm Nguyễn Thanh Quang cho biết, LEX Việt Nam đã không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để tự động hoá quá trình chuyển phát hàng hoá và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Theo đó, LEX Việt Nam đã chuyển đổi số một cách toàn diện, sử dụng các nền tảng số để quản lý đơn hàng, tồn kho, vận chuyển theo thời gian thực. Ngoài ra, doanh nghiệp còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). “Tại công ty chúng tôi, AI đã được tích hợp sâu vào các hoạt động vận hành hằng ngày như: sử dụng để phân tích dữ liệu vận hành và đề xuất phương án tối ưu cho từng khu vực giao nhận. Chúng tôi sử dụng AI để thiết kế và tối ưu hóa mạng lưới logistics từ việc xác định vị trí đặt kho trung chuyển, kho đầu cuối (Lastmile), xây dựng tuyến đường giao hàng tối ưu, đến việc điều phối nhân sự và phương tiện vận tải. Và AI còn hỗ trợ dự báo nhu cầu đơn hàng theo khu vực, thời gian và hành vi người tiêu dùng để điều phối nguồn lực linh hoạt”, ông Phạm Nguyễn Thanh Quang tiết lộ.

Đồng thời, LEX Việt Nam còn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để phát triển kho thông minh. Doanh nghiệp áp dụng robot, cảm biến IoT và hệ thống quản lý kho tự động để nâng cao hiệu suất và giảm lỗi và ứng dụng công nghệ chia chọn tự động mới nhất cho trung tâm chia chọn tự động tại Bình Dương.

Cùng với đó, là tăng tính kết nối trong chuỗi cung ứng: Các hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP, quản trị kho WMS, quản trị vận tải TMS được tích hợp hoàn toàn bằng nền tảng công nghệ của tập đoàn Aliaba giúp kết nối dữ liệu xuyên suốt trong toàn bộ quá trình vận hành và vận chuyển của hàng hoá.

“Hơn hết là LEX Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để xu hướng logistics bền vững, hướng tới giảm phát thải carbon, tối ưu năng lượng và vật liệu tái sử dụng”, Tổng giám đốc LEX Việt Nam thông tin.

Không còn 'hậu cần' - logistics giờ là dịch vụ công nghệ
Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” thu hút sự quan tâm của các hiệp hội, doanh nghiệp logistics. Ảnh: Cấn Dũng

“Hạ tầng mềm” thúc đẩy thương mại điện tử

Theo ông Phạm Nguyễn Thanh Quang, sự phát triển của logistics số đang đóng vai trò “hạ tầng mềm” thiết yếu thúc đẩy thương mại điện tử. Minh chứng như: Giao hàng nhanh và chính xác hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cùng với đó là giải pháp tối ưu vận hành và chi phí, giúp doanh nghiệp thương mại điện tử gia tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh.

“Logistics số giúp mở rộng vùng phục vụ. Nhờ dữ liệu lớn và AI, hàng hóa có thể tiếp cận khách hàng vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, khuyến khích mô hình kinh doanh mới như giao hàng tức thời, giao hàng theo khung giờ, mô hình D2C. Đặc biệt, logistics hiện đại giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận khách hàng quốc tế nhanh chóng và hiệu quả qua thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Phạm Nguyễn Thanh Quang khẳng định.

Theo đại diện LEX Việt Nam, so với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, để giữ vững đà tăng và bứt phá, hệ thống logistics cần được đầu tư và nâng cấp đồng bộ hơn nữa.

Không còn 'hậu cần' - logistics giờ là dịch vụ công nghệ
Tổng giám đốc LEX Việt Nam cam kết tiếp tục mở rộng việc ứng dụng AI trong các hoạt động vận hành. Ảnh: Cấn Dũng

Ông Phạm Nguyễn Thanh Quang cho rằng, những thách thức mà ngành logistics Việt Nam đang phải đối mặt là việc đầu tư cơ sở hạ tầng logistics còn dàn trải, thiếu liên kết vùng. Thiếu chuẩn hóa trong dữ liệu và kết nối hệ thống giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, là tình trạng đầu tư chồng chéo vào kho bãi, dẫn đến cung vượt cầu và cạnh tranh về giá. Hơn hết là nhân lực trong ngành còn thiếu kỹ năng được đào tạo chuyên nghiệp, khó theo kịp công nghệ mới.

Từ những thách thức trên, lãnh đạo LEX Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp logistics cần ưu tiên đầu tư vào công nghệ như AI, IoT, hệ thống phân tích dữ liệu lớn. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các đơn vị logistics để chia sẻ hạ tầng, hạn chế đầu tư trùng lắp.

“Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục đồng hành và hợp tác cùng các bộ ban ngành liên quan của Nhà nước và Chính phủ để đóng góp vào việc hoàn thiện các dự án hỗ trợ logistics số, thúc đẩy đầu tư đầu tư thông minh và chuẩn hóa hệ thống dữ liệu ngành; phát triển nguồn nhân lực logistics số với sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Chúng tôi cam kết tiếp tục mở rộng việc ứng dụng AI trong các hoạt động vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí. Đồng thời, sẽ đồng hành cùng Chính phủ và các đối tác trong việc xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại, thông minh, bền vững, phục vụ hiệu quả cho thương mại điện tử và nền kinh tế số”, Tổng giám đốc LEX Việt Nam cam kết.

Tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô thị trường năm 2024 ước tính trên 45 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines).

Nhóm Phóng viên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục