Khơi thông lực cầu trái phiếu doanh nghiệp

(Banker.vn) Sau những vụ việc vi phạm bị “phát lộ” cùng với hàng loạt đơn vị thông báo chậm trả lãi, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng trở lên u ám. Hàng trăm nghìn tỷ trái phiếu sắp đáo hạn đang như “quả bom” đè nặng thị trường trong giai đoạn tới nếu không có các biện pháp tháo gỡ.
Khơi thông lực cầu đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là việc cần thiết phải làm lúc này
Bên cạnh những biện pháp lành mạnh hóa, khơi thông lực cầu cũng là việc cần phải làm sớm đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo một thống kê của TS.Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018 - 2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023 - 2025, khoảng hơn 700.000 tỷ đồng, chưa tính tiền lãi.

Đối với nhóm bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215.000 tỷ đồng năm 2021 và 50.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2022 (xếp thứ 2 về khối lượng, sau các tổ chức tín dụng), với lãi suất trung bình là 10,35%/năm. Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới, khoảng 115.000 đồng/năm, chưa tính tiền lãi.

Trong khi đó, các nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển sang những kênh đầu tư ít rủi ro hơn như tiền gửi ngân hàng, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động tăng lên, niềm tin vào thị trường trái phiếu đổ vỡ.

Thời gian qua, trước sức ép đáo hạn sớm của nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã phải tiến hành hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn. Tổng giá trị mua lại trái phiếu riêng lẻ đã đạt 197.900 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 37,3% so với năm 2021.

“Làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn đã tạo ra những khó khăn rất lớn về dòng tiền cho các nhà phát hành, nhất là các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt và đang trong quá trình sử dụng vốn đó cho các kế hoạch mở rộng kinh doanh”, ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng giám đốc FiinRatings nhận định.

Theo đó, bên cạnh những biện pháp nâng cao tính minh bạch của thị trường thì việc khơi thông được lực cầu lúc này là điều hết sức cần thiết. Trong thời gian qua, đề xuất sửa đổi, bổ sung và lùi thời hạn một số quy định mới tại Nghị định 65 cũng đã thể hiện được sự quyết liệt của các cơ quan quản lý trong việc góp phần khôi phục và duy trì dòng chảy của kênh trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ.

Tuy nhiên, để đảm bảo vừa giải bài toán khai thông ngắn hạn và vừa đảm bảo hạn chế lặp lại các vấn đề hiện có thể xảy ra trong tương lai, ông Thuân đề xuất vẫn cần có các biện pháp mang tính ngắn hạn nhưng vẫn góp phần xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Cụ thể, đồng tình với việc kéo giãn thời gian áp dụng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm một năm nhưng chỉ nên giới hạn việc áp dụng đối với các doanh nghiệp có sự minh bạch thông tin tốt, ví dụ doanh nghiệp niêm yết hoặc đã tham gia hoạt động xếp hạng tín nhiệm có công bố đại chúng.

“Bởi quy định mới có thể mở ra nhưng nhà đầu tư vẫn có thể chưa quan tâm trở lại vì gốc rễ của vấn đề là sự minh bạch thông tin về trái phiếu và về tổ chức phát hành”, ông Thuân nhận định.

Hiện có tới 83% giá trị trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đang lưu hành vào cuối tháng 10/2022 thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trong khi các thông tin về tổ chức phát hành gần như “vắng bóng”. Thông tin về phương án phát hành có trước đó vài năm cũng đã cũ và nội dung các bản chào bán hoặc phương án phát hành còn thiếu nhiều thông tin.

Bên cạnh đó, có một thực tế rằng nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu vì tin tưởng nhân viên tư vấn từ ngân hàng. Do đó, trái phiếu doanh nghipeej phát hành riêng lẻ nếu được thẩm định và bảo lãnh thanh toán bởi ngân hàng thì có thể được bán cho nhà đầu tư, kể cả nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần quy định rõ ngân hàng nào sẽ được tham gia thông qua xếp hạng tín nhiệm, việc sửa đổi Thông tư 16 về hạn chế các tổ chức tín dụng tham gia kinh doanh trái phiếu nếu cần thiết và cải thiện công tác tư vấn và phân phối đến tới nhà đầu tư cá nhân.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục