Khơi thông gói hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp đề nghị mở rộng đối tượng (Bài 4)

(Banker.vn) Đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân kiến nghị: mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất cũng như quy định điều kiện cho vay phù hợp với khách hàng là hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến nay, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 4.300 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất tính đến cuối tháng 8/2022 mới đạt khoảng 13,5 tỷ đồng, còn khá thấp so với mục tiêu đề ra.

Theo chia sẻ từ phía các ngân hàng, để triển khai cho vay, các ngân hàng mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, qua làm việc với doanh nghiệp, ngân hàng nhận thấy do thủ tục còn tương đối phức tạp khiến doanh nghiệp e ngại.

Có ý kiến cho rằng gói hỗ trợ lãi suất giúp chi phí vốn được giảm 2%/năm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính đáng kể phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng hỗ trợ lãi suất khiến nhiều doanh nghiệp phải băn khoăn, bởi để được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn cho vay ngân hàng…

Đánh giá cao sự vào cuộc của ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, phía ngân hàng đã rất tích cực, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước. Sau khi Nghị định 31/2022/NĐ-CP được ban hành, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức 3 hội nghị lớn ở quy mô toàn quốc để phổ biến, quán triệt về chính sách hỗ trợ lãi suất. NHNN đã yêu cầu các ngân hàng đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất. Trên cơ sở tập hợp đăng ký của các ngân hàng, NHNN đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn cho các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất. Sau đó, NHNN đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng ngân hàng để triển khai chương trình.

Các ngân hàng đã khẩn trương ban hành quy định nội bộ; tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch; rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất; chủ động thông tin, tuyên truyền, đặc biệt một số ngân hàng còn phối hợp với chính quyền địa phương để truyền tải về chương trình hỗ trợ lãi suất tới các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa được như mong muốn. Lý giải về những “vấn đề” gặp phải, ông Nguyễn Văn Thân cho biết, theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh các ngành, gồm: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục, đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin. Phạm vi hỗ trợ gồm hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Riêng các doanh nghiệp thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố cũng sẽ được hỗ trợ.

Phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tới trên 90%, nếu không giảm điều kiện hỗ trợ thì doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận.

Trong quá trình triển khai, các ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp vướng ở đối tượng thụ hưởng theo quy định. Do đó, để triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Nguyễn Văn Thân đề nghị, mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất cũng như quy định điều kiện cho vay phù hợp với khách hàng là hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tới trên 90%, nếu không giảm điều kiện hỗ trợ thì doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận”, ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thân, các cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thường hoạt động đa ngành, vì vậy cần phải có hướng dẫn cụ thể, có thể là quy định trong các hoạt động đa ngành thì 9 ngành được hỗ trợ chiếm tỷ trọng bao nhiêu để các NHTM yên tâm xem xét hỗ trợ lãi suất. Những ngành sản xuất trong đó có hoạt động thương mại, nên có quy định để các ngân hàng có cơ sở thực hiện.

Bùi Trang -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục