Khơi thông dòng vốn tín dụng thúc đẩy xuất khẩu cho Đồng bằng sông Cửu Long

(Banker.vn) Để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tổ chức tín dụng cam kết dành nguồn vốn ưu đãi cho khu vực này.
Kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long Ngành Công Thương Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường

Vốn tín dụng tập trung vào các ngành hàng thế mạnh

Đánh giá tại Hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức ngày 13/12 ở TP. Cần Thơ, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước. Thời gian qua để tạo lập môi trường và tạo đà cho phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các ngành hàng nông sản chủ lực Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khơi thông dòng vốn tín dụng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long”

Báo cáo tại hội nghị, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 11/2022, kết quả hoạt động ngân hàng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt các chỉ tiêu tích cực: Huy động vốn đạt 718.905 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021. Dư nợ đạt 955.451 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối 2021. Tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021.

Một số mặt hàng nông sản chủ lực của vùng có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng, cụ thể: dư nợ ngành thủy sản đạt 112.455 tỷ đồng, tăng 16% và chiếm gần 54% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó dư nợ cho vay cá tra và tôm đạt 62.953 tỷ đồng, chiếm 56% dư nợ cho thủy sản của vùng); dư nợ ngành lúa gạo đạt 89.388 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc; dư nợ ngành rau quả đạt 19.441 tỷ đồng và chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc.

Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn về vốn

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt nhu cầu vốn để kinh doanh xuất khẩu hàng các mặt hàng nông sản chủ lực. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - bà Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng bám sát diễn biến của thị trường, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiên định ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.

Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định 55/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ- CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp thuộc ngành hàng thủy sản, lúa gạo, rau quả... để đánh giá về nhu cầu tín dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng ĐBSCL.

Các Tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhất là các lịnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, phân bổ tín dụng hợp lý cho khu vực trọng điểm. Các ngân hàng đã tuyên bố các gói tín dụng ưu tiên phải trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ đúng như cam kết.

Bên cạnh đó, vai trò quan trọng từ phía UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp quan tâm, chia sẻ đồng hành phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong triển khai các chính sách; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... giúp người dân, doanh nghiệp vùng vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Từ phía các ngân hàng cũng thể hiện cam kết đồng hành cùng Đồng bằng sông Cửu Long giải quyết bài toán vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank thông tin: Agribank luôn quan tâm và xác định Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chủ đạo để đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Năm 2022, Agribank đã ưu tiên giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho khu vực này là 11,6%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23.000 tỷ đồng, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của toàn hệ thống.

Tương tự VietinBank cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên dành nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu nguồn vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng với mức lãi suất, phí dịch vụ hợp lý. "Từ nay đến Tết nguyên đán, VietinBank cam kết dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng với dư nợ bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực Đồng bằng sông Cửu Long" - Ông Nguyễn Hoàng Dũng- Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cho hay.

Thanh Thanh

Theo: Báo Công Thương