Ngày 24/1/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế”, nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp quý báu của các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm đánh giá kết quả bước đầu chương trình thí điểm và thống nhất lộ trình, giải pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép mở cửa hoạt động du lịch quốc tế một cách an toàn, khoa học, hiệu quả; góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Khẳng định năng lực thích ứng an toàn
Được sự đồng ý của Bộ Chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành đu lịch Việt Nam đã tái khởi động các hoạt động nhằm phục hồi du lịch nội địa và bước đầu triển khai lộ trình thí điểm đón khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vắc-xin” từ tháng 11/2021 tại 5 địa phương Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh, hướng đến khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch, đảm bảo thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh bình thường mới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, tính đến ngày 23/1/2022, Việt Nam đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách. Đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.
Theo Tổng cục Du lịch, trong quá trình triển khai chương trình thí điểm, đã có tổng cộng 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với Covid-19, trong đó 17 trường hợp tại Phú Quốc (Kiên Giang) và 10 trường hợp tại Khánh Hòa. Tuy nhiên, chỉ có 1 trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế tại Rạch Giá (Kiên Giang), các trường hợp còn lại đều không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả xét nghiệm âm tính sau 3-5 ngày.
Khách du lịch quốc tế tham gia chương trình thí điểm đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí sôi động, hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.
Đánh giá về kết quả thí điểm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, mặc dù, thời gian triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến chưa dài, lượng khách du lịch quốc tế đến chưa nhiều, tuy nhiên, những kết quả quan trọng, tích cực bước đầu đó đã minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, hấp dẫn”, cũng như khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của ngành du lịch Việt Nam; đây là bước đệm vững chắc để ngành du lịch Việt Nam chuẩn bị các điều kiện hướng tới mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Không để mất cơ hội
Việt Nam đang triển khai chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, thúc đẩy và phát triển kinh tế. Trong bối cảnh hiện tại, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, độ phủ vắc-xin cao, vì vậy, tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để cân nhắc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế nhằm phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới.
Ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho hay, với tình hình phòng chống dịch hiện nay, việc mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn là phù hợp, không mở là đi ngược lại chính sách của Chính phủ đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Đặc biệt, hiện nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng, do vậy, nếu không mở cửa sớm chúng ta sẽ để tuột mất cơ hội ngàn năm. Về vấn đề này, ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định, thị trường nội địa đã có dấu hiệu khởi sắc. Do đó, cần tuyên bố đón khách ngay từ 1/2/2022.
Về phía các địa phương, nhiều ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu, xây dựng kế hoạch để sớm mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất mở cửa chính thức, hoàn toàn cho du lịch nội địa và quốc tế. Riêng Hà Nội đề xuất mở cửa từ ngày 1/4 để có thời gian chuẩn bị phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 cũng như SEA Games.
Tuy nhiên, để du khách đến, nhiều ý kiến cho rằng, cần gỡ bỏ một số quy đinh về thực hiện cách ly, cũng như có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch bị F0. Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) nêu rằng, hiện tại, khó khăn của phục hồi du lịch chính là quy định về đi lại, như có tỉnh yêu cầu xét nghiệm có tỉnh lại không, rồi yêu cầu cách ly hay không cách ly… Mặt khác, nhiều doanh nghiệp muốn tham gia đón khách quốc tế phải được sự đồng ý từ địa phương và một số cơ quan ban ngành. "Chính vì vậy, chúng ta nên tham mưu để bãi bỏ những quy định không phù hợp. Chúng ta cần xây dựng, đề xuất những cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sớm nhất"- ông Kiến đề nghị.
Đồng quan điểm, ông Lương Thanh Quảng - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho rằng, người nước ngoài khi đi du lịch Việt Nam thường chuẩn bị nhiều tháng, do đó chúng ta phải có chính sách nhất quán trong quản lý khách du lịch quốc tế từ Trung ương đến địa phương. Còn ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì khẳng định, việc khôi phục kinh tế trong đó có ngành du lịch giữa đại dịch là việc sống còn, vì vậy, phải triển khai nhiều hoạt động để tạo sức bật cho “lò xo” về du lịch đang bị kìm nén. Đặc biệt, nhà nước, doanh nghiệp cần chung tay triển khai chương trình xúc tiến mạnh mẽ trong nước và ngoài nước.
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp, địa phương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá thêm, đến nay, dù ít hay nhiều, Việt Nam đã có những bước đầu thận trọng trong việc tích lũy những kinh nghiệm quý để đón du khách trở lại ở quy mô lớn hơn. Như, sự sẵn sàng trở lại của các địa phương, sự quyết liệt và mong chờ của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú và vận tải. Đặc biệt, Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về tốc độ vắc-xin toàn dân là thuận lợi rất lớn để hồi sinh du lịch.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhìn nhận, việc mở cửa du lịch quốc tế hiện nay không chỉ có thuận lợi mà còn một số khó khăn cần khắc phục. Đó là, doanh nghiệp đang đuối sức, nhân lực thiếu hụt; công tác phòng chống dịch thiếu nhất quán giữa các địa phương…"Chúng ta cần nhận diện rõ thuận lợi và thách thức, phải có cách nhìn tổng thể để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định để mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, hướng tới sự phục hồi du lịch và nền kinh tế Việt Nam; qua đó để ngành du lịch tiếp tục khẳng định vị thế, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Về phía Bộ Y tế, theo bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thời gian qua, dịch bệnh diễn biến bùng phát nhanh, kéo dài, Việt Nam cũng đã thay đổi khá nhiều phương án ứng phó với đại dịch, nhất là đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho người dân. Song, việc tiêm vắc-xin Covid-19 không đảm bảo 100% không mắc Covid-19, do đó chúng ta vẫn phải có biện pháp phòng tránh dịch cẩn thận, vừa đảm bảo an toàn cho người dân lẫn du khách... "Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn công nhận giữa các nước về chứng nhận tiêm chủng. Và thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét, tăng cường rà soát để có hướng dẫn đồng bộ nhất quán các quy định đối với người nhập cảnh"- bà Hằng cho hay.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|