Khôi phục du lịch: Cấp bách, kịp thời và chủ động

(Banker.vn) Mở cửa đón khách trở lại, khôi phục ngành kinh tế du lịch đảm bảo an toàn dịch bệnh, góp phần lan tỏa thúc đẩy hồi phục các ngành kinh tế có liên quan khác từ thời điểm này là thích hợp. Đây được coi là một nhiệm vụ cấp bách cần có sự chủ động, chung tay của các cấp, ngành, địa phương liên quan và các chủ thể hoạt động du lịch vào cuộc kịp thời.

Những khuyến nghị về khôi phục hoạt động du lịch nêu trên đã được các diễn giả trong ngành du lịch đưa ra tại cuộc Tọa đàm trực tuyến “Mở cửa du lịch thế nào để an toàn”, do Báo Dân trí tổ chức sáng ngày 20/10/2021.

"Bức tranh” du lịch Việt Nam rất ảm đạm trong 2 năm vừa qua do các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2020 lượng khách du lịch nội địa đã giảm 34% so với 2019, tổng doanh thu giảm khoảng 59% so với 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch nội địa giảm 16% so với cùng kỳ 2020, doanh thu giảm 42% so với cùng kỳ 2020. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 2 năm qua gần như bị đóng băng hoàn toàn. Sau 4 đợt dịch bùng phát dịch, đến nay nguồn lực của các doanh nghiệp du lịch đã cạn kiệt, nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho biết: Trước đại dịch, ngành du lịch có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động, hiện nay chỉ còn khoảng 5-7% duy trì được hoạt động, trên 90% lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng việc làm.

Trên cơ sở khả năng kiểm soát dịch Covid-19, cũng như giải pháp về vắc xin + 5K, Đảng, Nhà nước đã quyết định chuyển trạng thái phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với bối cảnh mới trên cơ sở thích ứng linh hoạt và mở cửa nền kinh tế trở lại. Nghị quyết 128 đã được Chính phủ ban hành, tạo sơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương linh hoạt phòng chống dịch đảm bảo an toàn ở các cấp độ cùng với phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - khẳng định: Khôi phục lại hoạt động du lịch thời điểm hiện nay là phù hợp. Đây là một nhiệm vụ cấp bách, không thể trì hoãn, nhằm vực dậy ngành kinh tế quan trọng này, đồng thời giúp các doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại, kết nối đối tác, tìm thị trường mới, thu hút người lao động quay lại làm việc, góp phần lan tỏa thúc đẩy phục hồi và phát triển các ngành kinh tế khác sau đại dịch.

Để mở hoạt động du lịch trở lại, yêu cầu hàng đầu hiện nay là đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch đang xây dựng và triển khai các phương án thí điểm song song mở cửa đón khách quốc tế và khách nội địa. Lộ trình đón khách quốc tế cơ bản đã chuẩn bị đủ các điều kiện về phòng chống dịch và chuyên môn du lịch để triển khai thí điểm tại Phú Quốc (dự kiến trong tháng 11/2021) trong khoảng từ 3-6 tháng, sau đó sẽ mở rộng tới các địa phương khác, theo hướng ưu tiên lựa chọn đón khách khách tại các thị trường quốc tế có tiềm năng, có mức độ an toàn dịch bệnh cao.

Đối với việc mở du lịch nội địa, ngành du lịch cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để hoạt động. Một số địa phương đã thí điểm mở hoạt động trở lại du lịch nội địa, trên cơ sở thực hiện thí điểm theo lộ trình, đảm bảo an toàn, ban đầu đón khách nội tỉnh trở lại, sau đó sẽ mở đón khách từ địa phương khác và mở rộng hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp làm du lịch, ông Hoàng Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Onsen Fuji - cho rằng: Đại dịch Covid-19 đã tác động có sự thay đổi về nhu cầu sử dụng các sản phẩm du lịch theo hướng đề cao yếu tố đảm bảo an toàn sức khỏe lên hàng đầu. Do vậy, khi đón khách du lịch trở lại, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt về sản phẩm, dịch vụ phù hợp bối cảnh mới để thích ứng, đảm bảo an toàn, hấp dẫn. Chẳng hạn như cần chú trọng hơn đến các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch ven đô (gần nơi khách du lịch ở); du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe...; cải tiến và nâng cao chất lượng các sản phẩm phù hợp bối cảnh mới.

Tuy nhiên, theo phản ánh của đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc mở lại các hoạt động du lịch, hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách khi thực hiện chưa đồng bộ tại các địa phương. Trong khi Trung ương đã khai thông về chủ trương, chính sách, việc lưu thông đi lại giữa các địa phương vẫn rất khó khăn do mỗi nơi qui định một khác, thiếu tính thống nhất, mặc dù Nghị quyết 128 của Chính phủ đã nêu rõ không được cát cứ địa phương, vùng miền.

Để hồi phục lại ngành kinh tế du lịch, nhiều ý kiến cho rằng, các qui định liên quan đến phòng chống dịch trên cơ sở thích ứng, linh hoạt, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông đi lại, mang tính thống nhất, liên thông trên toàn quốc. Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội… cần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với bối cảnh mới, giá cả hợp lý. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch mang tính đặc thù. Trong đó, các chính sách hỗ trợ về tài chính như giãn, hoãn, giảm các khoản thuế, phí, tiền thuê đất và ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp du lịch, cần kéo dài thời hạn có hiệu lực hơn, vì sau một thời gian chống chịu với dịch bệnh, nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp gần như đã bị cạn kiệt.

Ngọc Quỳnh

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương