Khối ngoại vẫn chưa ngưng bán ròng, nhà đầu tư nên làm gì lúc này?

(Banker.vn) Trong bối cảnh động thái bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, các nhà đầu tư trong nước nên hành động như thế nào?

Khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.000 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm

Trong tuần đầu tiên của tháng 9, dù chỉ có ba phiên giao dịch, khối ngoại cũng kịp bán ròng tới 1.220 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào hai mã cổ phiếu VPB và HPG. Tính riêng tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tổng giá trị 78.746 tỷ đồng, chiếm hơn 10,86% tổng giá trị toàn thị trường. Đáng chú ý, khối ngoại đã bán ròng hơn 3.278 tỷ đồng trong tháng này.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng giá trị gần 2,5 tỷ USD (khoảng 62.000 tỷ đồng), đây là mức cao kỷ lục trong suốt 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó, năm 2023, khối ngoại cũng bán ròng 3,5 tỷ đồng.

Khối ngoại vẫn chưa ngưng bán ròng, nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Một trong những nguyên nhân chính tác động mạnh đến xu hướng bán ròng của khối ngoại là kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc bán ròng này đến từ nhiều yếu tố, bao gồm rủi ro địa chính trị trên thế giới và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì mặt bằng lãi suất cao kỷ lục, gây ảnh hưởng đến dòng vốn toàn cầu. Rủi ro tỷ giá cũng là một yếu tố quan trọng khiến nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân chính tác động mạnh đến xu hướng bán ròng của khối ngoại là kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market) trong kỳ đánh giá sắp tới. Việc này khiến các quỹ đầu tư thuộc thị trường cận biên (Frontier Market) hiện tại bán trước để chuyển sang các thị trường cận biên khác trước khi các quỹ từ thị trường mới nổi đổ vào Việt Nam.

Tín hiệu cho dòng vốn mới

Cụ thể, đầu tháng 6/2024, Quỹ BlackRock thông báo thanh lý iShares MSCI Frontier and Select EM ETF sau 12 năm hoạt động. Quỹ này dự kiến sẽ ngừng giao dịch và không chấp nhận các lệnh tạo và mua lại sau ngày 31/3/2025. Đây là quỹ thuộc thị trường cận biên với quy mô 500 triệu USD. Tính đến đầu tháng 8/2024, quỹ chỉ còn nắm giữ rất ít cổ phiếu Việt Nam.

Nếu việc nâng hạng thị trường Việt Nam diễn ra (dự kiến trong tháng 10/2024), dòng vốn từ các quỹ thuộc thị trường mới nổi sẽ chảy mạnh vào. Các quỹ này thường có quy mô lớn hơn nhiều so với các quỹ cận biên, mang lại cơ hội cho thị trường Việt Nam. Khi đó, các cổ phiếu ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng và tài chính – ngân hàng được kỳ vọng sẽ tăng giá mạnh nhờ tốc độ tăng trưởng cao và quy mô vốn hóa lớn.

Cổ phiếu ngành nào hưởng lợi?

Một số cổ phiếu được đánh giá tiềm năng trong làn sóng nâng hạng này gồm MWG, MSN, VNM, VCB, CTG, BID, VPB. Đây là những mã cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và đều thuộc VN30, nhóm cổ phiếu có thanh khoản cao và thu hút nhiều sự quan tâm của các quỹ ngoại.

Thực tế đã chứng minh các cổ phiếu thuộc nhóm này thường kín "room ngoại", tức là hết tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, và các quỹ phải mua lại với giá chênh lệch cao. MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động là ví dụ điển hình khi từng được các quỹ ngoại trao tay với mức chênh lệch 40-50%.

Hiện nay, nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành này đang được giao dịch dưới giá trị thật, mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn trong những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025.

Để giữ chân dòng vốn ngoại

Mặc dù đang có xu hướng bán ròng, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Riêng trên HOSE, tỷ lệ này là 17,3%, trong khi HNX là 5,4% và UPCoM là 3%. Để so sánh, cuối năm 2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên HOSE là 19,83%, HNX là 10,99% và UPCoM là 4,24%.

Ngoài ra, một phần không nhỏ dòng vốn nước ngoài còn được phân bổ vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị lên tới 419 nghìn tỷ đồng, góp phần vào tính thanh khoản của thị trường tài chính Việt Nam.

Theo các chuyên gia từ FiinGroup, để thu hút dòng vốn ngoại trong dài hạn, ngoài việc nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi, Việt Nam cũng cần thúc đẩy việc nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (BBB) trước năm 2030. Việc nâng hạng tín nhiệm sẽ giúp thu hút không chỉ dòng vốn cổ phiếu mà còn cả vốn nợ dài hạn thông qua trái phiếu và công cụ nợ.

Bên cạnh đó, các sản phẩm tài chính đa dạng, phù hợp với khẩu vị đầu tư của các định chế tài chính nước ngoài cũng sẽ giúp tăng cường tính thanh khoản của thị trường, từ đó thu hút nhiều hơn các quỹ đầu tư quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Phiên chiều nhiều bất ngờ, chứng khoán kết tuần trong sắc xanh

Tưởng chừng như thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục có thêm một phiên điều chỉnh thì những bất ngờ tại phiên chiều cuối tuần ...

Sắc tím khó hiểu tại cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG)

Ngay sau khi bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia ...

Mirae Asset ra khuyến nghị cổ phiếu của một loạt ông lớn, bất ngờ với VHM

Các cổ phiếu được Mirae Asset ra khuyến nghị trong tháng 9 bất ngờ có sự góp mặt của VHM nhà Vinhomes với tiềm năng ...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán