Khối ngoại sắp "chơi lớn" tại thị trường chứng khoán Việt Nam

(Banker.vn) Nửa đầu năm 2023 ghi nhận khối ngoại vẫn chủ yếu bán ròng, thế nhưng từ cuối tháng 6 trở lại đây, giao dịch của khối này đã có xu hướng đảo chiều...

Tín hiệu tích cực từ khối ngoại

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua 6 tháng đầu năm 2023 với sự hồi phục rõ rệt của chỉ số chính VN-Index, thanh khoản bình quân xấp xỉ 14.000 tỷ đồng/phiên. Riêng trên HoSE, thanh khoản trung bình đạt trên 17.000 tỷ đồng, tăng 38,5% so với tháng trước đó. Trong đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trở thành động lực tích cực cho thị trường chứng khoán. Ngược lại, khối ngoại vẫn ghi nhận đà bán ròng chủ đạo, dù vậy trong những phiên giao dịch cuối tháng 6, khối này đã trở lại mua ròng hàng trăm tỷ đồng.

Trong đó, giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu thép HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị xấp xỉ 750 tỷ đồng. Tính chung trong tháng 6/2023, khối ngoại tiếp tục bán ròng nhưng giá trị bán thu hẹp đáng kể so với 2 tháng trước đó, xuống còn 380 tỷ đồng.

Khối ngoại sắp
Những tháng đầu năm 2023, diễn biến khối ngoại trên sàn ghi nhận nhiều biến động mạnh

Theo thống kê, những tháng đầu năm 2023, diễn biến khối ngoại trên sàn ghi nhận nhiều biến động mạnh với các đợt mua bán đan xen nhau làm cho giá trị luỹ kế từ đầu năm liên tục đảo chiều. Dù vậy, tín hiệu đáng mừng là việc dòng vốn đã trở lại giải ngân vào giai đoạn cuối tháng 6.

Kết quả, trong bối cảnh chỉ số VN-Index tăng hơn 11%, khối ngoại ghi nhận mua ròng khoảng 2.200 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, trong đó mua ròng khớp lệnh hơn 3.600 tỷ đồng. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng trung bình gần 9% toàn thị trường.

Xét riêng trên từng sàn, khối ngoại bán ròng nhẹ 85 tỷ đồng trên sàn HoSE, mua ròng 1.429 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 831 tỷ đồng trên UPCoM.

Ngoài ra, giao dịch khối ngoại nửa đầu năm 2023 ghi nhận một số giao dịch thoả thuận đột biến, giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Có thể kể tới như giao dịch mua ròng hơn 5,3 triệu cổ phiếu IDP từ quỹ Daytona Investments Pte. Ltd, tương ứng 8,99% vốn điều lệ IDP, giá trị hơn 1.300 tỷ đồng. Hay hai giao dịch bán ròng hàng chục triệu cổ phiếu EIB (Eximbank) xuất phát từ cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

Đáng chú ý, trong khi các ETF nội tiêu biểu như DCVFM VNDiamond ETF, DCVFM VN30 ETF, SSIAM VNFinLead ETF, KIM VNFinSelect ETF "hụt hơi" thì các ETF ngoại vẫn hút tiền khá mạnh. Điển hình, VNM ETF hút ròng 76,26 triệu USD (~1.800 tỷ đồng), FTSE Vietnam ETF hút ròng 65,4 triệu USD (~1.500 tỷ đồng) và Fubon ETF cũng hút ròng 56,2 triệu USD (~1.300 tỷ đồng).

Kỳ vọng vào hệ thống KRX

Được biết, định giá thị trường và cổ phiếu là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng tiền ngoại. Giai đoạn xuống đáy dài hạn cuối năm ngoái, khối ngoại đã mua ròng rất mạnh cổ phiếu Việt Nam, qua đó góp phần đẩy thị trường hồi phục nhanh chóng. Xu hướng này được tiếp diễn sang những tháng đầu năm khi mức định giá dù không còn rẻ hiếm thấy nhưng cũng chưa quá cao.

Bên cạnh đó, các ETF ngoại đã có một số hoạt động đang chú ý như VNM ETF thực hiện cơ cấu danh mục để đổi chỉ số sang "full" cổ phiếu Việt Nam, Fubon ETF cũng rục rịch huy động vốn bổ sung đợt 5.

Tuy nhiên, dòng vốn đã suy yếu từ quý II/2023, sau khi các hoạt động trên kết thúc cộng thêm định giá thị trường cũng tăng vọt sau khi lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp.

Giới phân tích đánh giá, áp lực rút vốn của khối ngoại trong ngắn hạn là khó tránh khỏi khi chính sách tiền tệ của Fed vẫn chưa đảo chiều dù đã có phần bớt "diều hâu" hơn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những điểm sáng đến từ tình hình vĩ mô ổn định và khả năng hồi phục của các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá cao.

Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, mức độ suy giảm lợi nhuận có thể sẽ chậm lại từ quý II/2023, thậm chí một vài ngành còn được kỳ vọng bắt đầu tăng trưởng nhẹ trở lại. Đây cũng là thời điểm mà chi phí vốn sẽ giảm nhanh và duy trì ở mặt bằng thấp. Điều này có thể sẽ hỗ trợ diễn biến của thị trường chứng khoán cũng như thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.

Tương tự, trong một báo cáo gần đây, Dragon Capital cũng bày tỏ sự lạc quan vào giai đoạn sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Dragon Capital, giai đoạn phục hồi đang bắt đầu với 4/5 tiêu chí chuyển biến tích cực, 2023 là năm để tích lũy những cổ phiếu tốt. Nhà đầu tư nên thận trọng trong việc chọn lọc cổ phiếu tốt và sẵn sàng tận dụng cơ hội để đầu tư khi thị trường điều chỉnh.

Đáng chú ý, sau 11 năm, hệ thống giao dịch KRX đã được triển khai kiểm thử toàn thị trường vào ngày 6/3 vừa qua và dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm nay. Các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới như: giao dịch trong ngày, bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán, quyền chọn dự kiến có tác động sâu rộng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Không chỉ vậy, hệ thống KRX vận hành sẽ tạo tiền đề giải quyết các nút thắt trong việc nâng hạng như: Thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Việc nâng hạng sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Việt Nam, qua đó thu hút được dòng vốn quốc tế. Dự báo 3,5-4 tỷ USD mua mới cổ phiếu Việt Nam sẽ diễn ra khi thị trường được nâng hạng. Dòng vốn quốc tế một khi được kích hoạt sẽ có tác động tích cực lên toàn thị trường và thể hiện đặc biệt rõ trong giai đoạn đầu.

Thị trường hồi phục, vì đâu khối ngoại có xu hướng bán ròng trên TTCK Việt Nam?

Chuyên gia cho rằng, đà mua ròng của khối ngoại vào giai đoạn thị trường gặp áp lực điều chỉnh sâu, vốn chủ yếu đến ...

Thanh khoản sụt giảm là điều cần lưu ý, NĐT nên hạ đòn bẩy margin về mức an toàn

Trong kịch bản tích cực, Chứng khoán MB cho rằng, thị trường tiếp tục giao động ở vùng đỉnh tháng 1 với các ngưỡng hỗ ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán