Khối ngoại rót ròng gần 9.400 tỷ đồng tuần VN-Index hồi phục ấn tượng, tâm điểm tại HPG

(Banker.vn) Tuần VN-Index hồi phục gần 110 điểm, khối ngoại tích cực giải ngân hơn 9.300 tỷ đồng vào thị trường với cả 5 phiên mua ròng.

Khối ngoại mạnh tay mua ròng hơn 2.200 tỷ đồng phiên 2/11, chốt lời sớm cổ phiếu PDR

Thị trường chứng khoán Việt Nam nối dài mạch phục hồi, tuần 28/11-2/12 ghi nhận mức tăng VN-Index tiếp tục tăng tới 108,55 điểm lên 1.080,1. Niềm tin vào đà tăng thị trường của nhà đầu tư cũng được thể hiện rõ với việc thanh khoản cải thiện đáng kể. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE vượt mức 1 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 72% so với tuần giao dịch trước. Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường cũng tăng vọt lên ngưỡng 20.400 tỷ đồng/phiên.

Đà tăng điểm mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 tuần qua tiếp tục là những đầu tàu tích cực dẫn sóng thị trường phục hồi, sắc xanh lan toả khắp các nhóm cổ phiếu. Bên cạnh đó, điểm sáng nổi bật nhất phải kể với là giao dịch khối ngoại với việc mua ròng 5/5 phiên giao dịch, giá trị đều đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi phiên. Tốc độ giải ngân của dòng vốn ngoại dâng lên mức cao kỷ lục chưa từng thấy và trở thành động lực quan trọng nhất ủng hộ sự hồi phục của thị trường chung.

Trong bối cảnh diễn biến khởi sắc của thị trường chung, khối ngoại tích cực giải ngân hơn 9.300 tỷ đồng vào thị trường trong tuần với cả 5 phiên mua ròng.

Khối ngoại rót ròng gần 9.400 tỷ đồng tuần VN-Index hồi phục ấn tượng, tâm điểm tại HPG

Trên sàn HOSE, HPG và VHM là hai mã được khối này ưa thích nhất với giá trị giải ngân lần lượt 1.436 tỷ đồng và 1.308 tỷ đồng trong tuần. Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số bluechip như STB (801,5 tỷ đồng), MSN (756 tỷ đồng), VIC (684,9 tỷ đồng), SSI (558,9 tỷ đồng), CTG (354,9 tỷ đồng), KDH (305,2 tỷ đồng), ...

Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND được gom ròng với giá trị 437,9 tỷ đồng.

Chiều bán ròng, HPX của Hải Phát Invest dẫn đầu danh sách rút vốn với giá trị bán 328 tỷ đồng, đây cũng là giao dịch thoái toàn bộ 11,91% vốn của Dragon Capital tại HPX.

Động thái thoái toàn bộ vốn khỏi Hải Phát Invest của nhóm quỹ Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu HPX sụt giảm xuống mức thấp lịch sử và dưới mệnh giá, hàng loạt các công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Hải Phát, bà Chu Thị Lương (vợ ông Đỗ Quý Hải), ông Đỗ Quý Cường (em trai ông Đỗ Quý Hải),...

Trên thị trường, giá cổ phiếu HPX đã kết thúc chuỗi 13 phiên giảm sàn liên tiếp (11/11 - 29/11) bằng phiên đảo chiều tăng trần ngày 30/11 với hơn 165 triệu cổ phiểu được khớp lệnh. Cổ phiếu HPX sau đó đã tăng trần lên 9.730 đồng/cp trong phiên 1/12, trước khi điều chỉnh xuống 9.070 đồng/cp trong phiên cuối tuần.

Ở phía đối diện, nước ngoài cũng bán ròng một số cổ phiếu midcap và penny trong tuần qua như DXG, BCM, HAG, PC1, TCH, NTL, BCG, ... Cùng chiều, SAB và HDB cũng bị rút ròng với quy mô 25,5 tỷ và 10,4 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại duy trì mua ròng với giá trị hơn 145 tỷ đồng, qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên hơn 1.587 tỷ đồng.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu IDC và PVS thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng lên tới 76,81 tỷ đồng và 22,78 tỷ đồng, bỏ xa các mã còn lại trong Top mua ròng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như PVI (14,43 tỷ đồng), CEO (8,48 tỷ đồng), TNG (47,5 tỷ đồng), ...

Tại chiều bán ròng, hoạt động rút vốn không có nhiều điểm nhấn với EID và THD dẫn đầu với giá trị 0,43 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư bán ròng nhẹ hơn các mã như NTP (0,35 tỷ đồng), HAD (0,27 tỷ đồng), PVC (0,25 tỷ đồng), ...

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng với giá trị 33,32 tỷ đồng. Với hoạt động thoái ròng trong suốt các tuần gần đây, giá trị mua ròng từ đầu năm được nâng lên gần 164 tỷ đồng.

Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 4,5 tỷ đồng cổ phiếu BDT của Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp. Kế đó VTP bị bán ròng với giá trị 4,1 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của ICN (2 tỷ đồng), DRI (1,5 tỷ đồng), LTG (1,3 tỷ đồng), ...

Ở phía ngược lại, duy nhất cổ phiếu ACV của Cảng hàng không Việt Nam được mua ròng trên 14,7 tỷ đồng. Danh mục giải ngân còn có các đại diện như BSR (5,8 tỷ đồng), MCH (5,6 tỷ đồng), QNS (4,5 tỷ đồng), OIL (2,9 tỷ đồng), ...

Theo dự báo của công ty chứng khoán, diễn biến tăng nhanh của thị trường và chưa tạo được vùng cân bằng, rủi ro áp lực chốt lời có thể trở lại trong thời gian tới. Vùng cản cần đặc biệt lưu ý là vùng 1.100 – 1.135 điểm, thị trường có thể sẽ tranh chấp tại vùng này.

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục