Khối ngoại "mượn tay" các quỹ ETF bắt đáy cổ phiếu nhóm VN30

(Banker.vn) Trong bối cảnh thị trường liên tục giảm sâu, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn, khối ngoại đã không ngần ngại vung tiền bắt đáy...

Khối ngoại giao dịch sôi động trở lại, mua ròng gần 300 tỷ đồng phiên 22/11

Thị trường chứng khoán tuần này đã quay đầu điều chỉnh với áp lực bán đè nặng lên nhóm vốn hóa lớn, VN30 mất tương đối nhiều điểm sau 2 phiên đầu tuần trong khi VN-Index chỉ giảm nhẹ dưới 1% mỗi phiên. Điều này khiến hiệu suất của VN30 ngày càng tệ hơn so với VN-Index. Còn tính từ đầu năm, VN30 đã giảm hơn 38,4% trong khi VN-Index cũng chỉ giảm 36,45%. Đây là điều đáng tiếc khi VN30 là đại diện cho 30 cổ phiếu tiêu biểu, đầu ngành và được đánh giá có chất lượng cao. Thông thường trong các giai đoạn sóng gió, nhóm cổ phiếu trụ được kỳ vọng sẽ gồng gánh thị trường. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu nhóm VN30 thời gian qua lại trở thành gánh nặng đè lên chỉ số.

Trong bối cảnh thị trường liên tục giảm sâu, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn, khối ngoại đã không ngần ngại vung tiền bắt đáy. Tính từ đầu tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 8.000 tỷ đồng trên HoSE qua đó kéo giá trị mua ròng từ đầu năm lên xấp xỉ 6.000 tỷ đồng. Dòng tiền vào thị trường chủ yếu qua kênh ETF bên cạnh động thái giải ngân trở lại của một số quỹ ngoại chủ động như Dragon Capital, Vina Capital,...

Khối ngoại

Với xu hướng trên, DCVFM VN30 ETF bất ngờ trở thành điểm sáng khi hút ròng mạnh sau giai đoạn bị rút vốn triền miên trong 4 tháng liên tiếp (tháng 6-9). Từ đầu tháng 11, ETF này đã hút ròng hơn 600 tỷ đồng qua đó nâng tổng giá trị dòng tiền vào từ đầu tháng 10 đến nay lên gần 1.200 tỷ đồng. Con số này khả quan hơn rất nhiều so với giá trị rút vốn lên đến gần 1.900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Nhiều khả năng, dòng vốn đổ vào VN30 ETF vẫn đến chủ yếu từ Thái Lan qua kênh chứng chỉ lưu ký (DR). Trong tháng 10 trước đó, lượng DR E1VFVN30 dựa trên chứng chỉ quỹ VN30 ETF do Bualuang Securities phát hành đã tăng thêm 22,3 triệu đơn vị, lên mức 202,8 triệu đơn vị. Tỷ lệ chuyển đổi là 1:1 đồng nghĩa với việc nhà đầu tư Thái Lan đang gián tiếp nắm giữ 202,8 triệu chứng chỉ E1VFVN30, con số kỷ lục kể từ khi DR này ra mắt vào năm 2018.

DCVFM VN30 ETF hiện là quỹ hoán đổi danh mục lớn nhất đang mô phỏng chỉ số VN30 với giá trị tài sản ròng (NAV) hơn 6.600 tỷ đồng. Quỹ hướng đến mô phỏng gần nhất có thể về biến động của chỉ số VN30 (30 công ty có vốn hóa thị trường và thanh khoản cao nhất tại HoSE) sau khi đã trừ chi phí hoạt động. Vì thế, việc gom mạnh chứng chỉ quỹ VN30 ETF đang cho thấy nhà đầu tư Thái Lan đánh giá rất cao khả năng tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam.

Khối ngoại

Không chỉ có Thái Lan, dòng vốn từ khu vực Đông Á cũng ồ ạt chảy vào chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Dù chững lại trong khoảng 1 tuần trở lại đây nhưng Fubon ETF vẫn hút ròng lên đến hơn 106 triệu USD (~2.500 tỷ đồng) từ đầu tháng 11, con số kỷ lục kể từ khi quỹ đầu tư vào Việt Nam tháng 3/2021. Đây cũng là ETF duy nhất không bị rút vốn trong một tháng nào kể từ đầu năm với tổng giá trị dòng tiền lên đến 436,4 triệu USD (~10.300 tỷ đồng).

Động thái trên cho thấy dòng vốn từ khu vực Đông Á đánh giá rất cao khả năng tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam. Điều này từng được Yang Yining, giám đốc đầu tư Fubon Vietnam ETF chia sẻ “Việt Nam bây giờ giống như Đài Loan của những năm 1980. Bạn không thể tham gia đầu tư vào Đài Loan cách đây 40 năm, nhưng bạn có thể kiếm được lợi nhuận nhờ những cải cách kinh tế Việt Nam thông qua việc đầu tư vào Fubon Vietnam ETF” .

Fubon ETF hiện đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại). Về cơ bản, thành phần trong danh mục của quỹ gồm hầu hết là các cổ phiếu trong nhóm VN30 bên cạnh một vài cái tên khác có tỷ trọng nhỏ.

Tại thời điểm 22/11, giá trị tài sản ròng của Fubon ETF đạt 16,9 tỷ TWD (~ 540 triệu USD) trong đó danh mục cổ phiếu chiếm 99,2%. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục chiếm 76,4% NAV của quỹ trong đó cổ phiếu VIC của Vingroup dẫn đầu với tỷ trọng 13,08%. Theo sau lần lượt là VNM, MSN, VHM, HPG, VRE,...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục