Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT vừa được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Xuân Sang ký quyết định phê duyệt bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Theo kế hoạch này, có 5 gói thầu được bổ sung để triển khai lựa chọn nhà thầu trong thời gian tới, trong đó có gói QN-XL01: Thi công nạo vét, vận chuyển chất nạo vét đi đổ và di dời phao báo hiệu có giá lên đến 584.556.000.000 đồng.
Gói thầu lớn nhất của dự án này có thời gian thực hiện 300 ngày, sẽ được đấu thầu rộng rãi ngay trong quý 4/2024. Công việc chính gồm thi công nạo vét luồng, thi công nổ mìn phá đá dưới nước và vận chuyển chất nạo vét, phá đá đi đổ và di dời phao báo hiệu hiện hữu và bảo đảm an toàn trong quá trình thi công.
Tổng mức đầu tư dự án gần 700 tỷ đồng |
Cũng trong quý 4/2024, Ban Quản lý dự án hàng hải sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu QN-AIS Cung cấp dịch vụ thông tin AIS; Gói thầu QN-TV07 Tư vấn giám sát thi công Gói thầu QN-XL01; Gói thầu QN-TV08 Tư vấn quan trắc và giám sát môi trường trong quá trình thi công.
Gói thầu QN-TV09 Tư vấn kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành sẽ bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu vào quý IV/2025.
Trước đó, ngày 30/8/2024, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ký Quyết định 1092/QĐ-BGTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 6 gói của dự án.
Trong đó, có hai gói đã chọn xong nhà thầu, gồm: Gói thầu QN-TV04 Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, trúng thầu là Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải; và gói QN-TV06: Tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, trúng thầu là Công ty CP Tư vấn đầu tư và Thương mại VIPO.
Mục tiêu của dự án
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT (đầy tải) hoặc lớn hơn (đảm bảo điều kiện an toàn hàng hải) được Bộ GTVT phê duyệt trong quý 3/2024, mục tiêu đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa của khu vực.
Dự án được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường năng lực vận tải hàng hóa và đón các tàu có trọng tải lớn, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho cảng Quy Nhơn nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.
Dự án bao gồm nhiều hạng mục quan trọng, với chiều dài tuyến luồng lên tới 7.160 mét, từ phao số 0 vào đến vũng quay tàu tại bến số 1. Tuyến luồng có bề rộng 140m, cao độ đáy luồng đạt -13m (theo Hải đồ), đủ khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT (đầy tải) hoặc lớn hơn, đảm bảo điều kiện an toàn hàng hải.
Ngoài ra, dự án còn mở rộng luồng tại các đoạn cong với đường kính từ 220m đến 235m. Việc di chuyển hệ thống phao tiêu báo hiệu cũng sẽ được thực hiện để phù hợp với tuyến luồng nâng cấp, đảm bảo an toàn hàng hải tối đa cho các tàu lớn.
Vũng quay tàu hiện hữu trước bến số 1 sẽ được nâng cấp để trở thành vũng quay tàu dùng chung, với đường kính 400m, đủ khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải đến 50.000 DWT. Đây là một trong những hạng mục quan trọng giúp cảng Quy Nhơn có thể đáp ứng được nhu cầu thông qua hàng hóa ngày càng tăng trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ của khu vực.
Dự án được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường năng lực vận tải hàng hóa và đón các tàu có trọng tải lớn, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho cảng Quy Nhơn nói riêng và khu vực miền Trung nói chung |
Khối lượng nạo vét dự kiến lên tới khoảng 4,1 triệu m3, một con số đáng kể để mở rộng và tăng cường khả năng lưu thông hàng hóa qua luồng Quy Nhơn. Nguồn vốn thực hiện dự án này chủ yếu được lấy từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự án cải tạo luồng Quy Nhơn không chỉ giúp nâng cao khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển của khu vực miền Trung. Dự án này được xem là bước đệm quan trọng giúp Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm vận tải hàng hải lớn của Việt Nam.
Việc hoàn thành dự án sẽ mở ra nhiều cơ hội thu hút các doanh nghiệp logistics, đồng thời tăng cường sự kết nối giữa Quy Nhơn và các tuyến đường hàng hải quốc tế. Với sự phát triển của luồng tàu có khả năng tiếp nhận các tàu lớn hơn, cảng Quy Nhơn sẽ có thêm điều kiện để cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực.
Ngoài việc cải tạo luồng, các hạng mục liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải và quản lý chất thải trong quá trình thi công cũng sẽ được chú trọng. Ban Quản lý dự án Hàng hải sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và an toàn được tuân thủ nghiêm ngặt.
Kiều Linh