Khơi dậy nguồn lực văn hoá thủ đô và câu chuyện phục dựng nỏ thần

(Banker.vn) Nguồn lực văn hoá truyền thống của thủ đô Hà Nội là tải sản vô giá của cha ông và cần được khơi dậy và phát huy.
Nguồn lực văn hóa của Doanh nhân Hà Nội: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa

Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” do Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 21/3/2023.

Khơi dậy nguồn lực văn hoá thủ đô và câu chuyện phục dựng nỏ thần
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hoá của Thủ đô. Trong nhiều năm qua, TP. Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh.

Khơi dậy nguồn lực văn hoá thủ đô và câu chuyện phục dựng nỏ thần

Với 2 phiên thảo luận, hội thảo góp phần nhận diện, tiếp tục làm rõ thêm nội hàm của Văn hiến - Văn minh - Hiện đại cũng như các ý tưởng gợi mở để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai. Hội thảo đã phân tích, làm rõ giá trị, đặc điểm của văn hóa Thủ đô Hà Nội, nhấn mạnh văn hoá văn minh người Thủ đô Hà Nội; nội hàm “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; triết lý để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Nhận diện các nguồn lực văn hoá của Thủ đô, trong đó bao gồm cả các nguồn vốn xã hội, các vấn đề về con người Thủ đô. Khẳng định Hà Nội là Thủ đô di sản, thành phố sáng tạo và khát vọng phát triển. Đánh giá các giá trị và các giải pháp để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp đó. Đồng thời, bàn thảo các điều kiện, nhiệm vụ, giải pháp huy động huy động nguồn lực văn hóa để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đạị.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã được trải nghiệm một phát minh vừa đậm chất văn hoá, vừa đậm chất trí tuệ của cha ông qua chiếc nỏ thần An Dương Vương được phục dựng và mô phỏng. Tác giả của chiếc nỏ thần độc đáo này là kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh.

Khơi dậy nguồn lực văn hoá thủ đô và câu chuyện phục dựng nỏ thần
Kỹ sư Vũ Đình Thanh chia sẻ về chiếc nỏ thần

Bên chiếc nỏ thần được phục dựng theo đúng những “chuẩn” ít ỏi còn lại từ mấy nghìn năm trước, kỹ sư Thanh kể, nỏ thần An Dương Vương có ống tên như trong lễ hội rước nỏ thần của người dân Cổ Loa xưa, bắn đồng loạt các mũi tên đồng Cổ Loa xa đến 1.000m, sử dụng vuốt rùa làm lẫy nỏ như trong truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy, trùng hợp hoàn toàn với những ghi chép của sử sách xưa về Nỏ thần An Dương Vương.

Nỏ thần này là duy nhất trên toàn thế giới, bắn nhiều tên cùng lúc. Lực nỏ tác dụng vào ống tên, trong ống có nhiều mũi tên nhỏ. Đặc điểm đặc biệt của nỏ là bắn bằng ống, mũi tên bay với vận tốc lớn gấp đôi vận tốc tên nỏ thường khi ở một vị trí đặc biệt duy nhất. Phải biết bí quyết, nguyên lý mới tìm được vị trí này. Đây chính là điều mà Trọng Thủy dù đứng ngay cạnh nỏ nhưng không phục dựng được nỏ thần và người dân Cổ Loa hàng nghìn năm qua cũng không phục dựng được.

Khơi dậy nguồn lực văn hoá thủ đô và câu chuyện phục dựng nỏ thần
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh (thứ hai từ trái) trải nghiệm chiếc nỏ thần

Bí quyết này chỉ có vua An Dương Vương biết được nên nỏ thần chỉ có một nỏ duy nhất đúng như truyền thuyết xưa mô tả. Nỏ thần bắn được cùng lúc đến 300 mũi tên đồng Cổ Loa. Nỏ thần được làm từ các vật liệu thông thường nhưng tốc độ bắn và hiệu quả vượt trội so với cả súng đại liên ngày nay”, ông Thanh chia sẻ.

Bật mí về những mũi tên được bắn ra từ nỏ thần, kỹ sư Thanh cho biết: “Mũi tên đồng Cổ Loa có hình dáng khí động học đặc biệt là bí mật công nghệ của vua An Dương Vương, chỉ có vua mới biết công nghệ làm mũi tên và được vua giữ bí mật tuyệt đối. Khi Triệu Đà chiếm được thành Cổ Loa nhưng không phát hiện được xưởng đúc tên, điều này chứng minh mũi tên Cổ Loa đặc biệt cùng với nỏ thần tạo thành hệ thống siêu vũ khí bí mật, uy lực hiệu quả đúng như truyền thuyết "chỉ núi núi tan, chỉ ngàn ngàn cháy"”.

Cho đến nay vẫn chưa tìm ra cách sử dụng khuôn đúc thời An Dương Vương để đúc được mũi tên đồng Cổ Loa như khảo cổ tìm được. Chỉ có mũi tên đồng Cổ Loa mới bay được thẳng, không quay ngang.

Khơi dậy nguồn lực văn hoá thủ đô và câu chuyện phục dựng nỏ thần
Hào hứng trải nghiệm nỏ thần

Ngoài ra, kỹ sư Thanh cũng mô phỏng được nguyên lý lẫy nỏ dùng vuốt rùa. Khi bắn nỏ thì tra vuốt rùa vào và bắn xong thì tháo ra đeo vào người (như một dạng chìa khóa mà chỉ có vua mới có quyền vận hành nỏ thần).

Chính nhờ chiếc nỏ thần với nhiều tâm huyết, công sức và trí tuệ, kỹ sư Thanh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền toàn thế giới số 33480 ngày cấp 25/8/2022 với thời hạn 20 năm.

Kỹ sư Thanh nói thêm, nỏ thần được ông sáng chế là kết quả của công trình nghiên cứu sử học liên ngành của sử học Việt Nam, là bằng chứng chứng minh nỏ thần là có thật. không phải là truyền thuyết.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục