Khoảng 380.000 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua

(Banker.vn) Bộ Tài chính đề xuất tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân nợ thuế trên 10 triệu đồng hoặc đại diện doanh nghiệp nợ trên 100 triệu đồng trong hơn 120 ngày. Biện pháp này nhằm thu hồi nợ thuế, nâng cao tính tuân thủ pháp luật và đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo dự thảo nghị định mới, cá nhân hoặc chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn trên 120 ngày với số tiền từ 10 triệu đồng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, biện pháp này áp dụng nếu đơn vị nợ thuế trên 100 triệu đồng trong cùng thời gian.

Bộ Tài chính ước tính nếu áp dụng ngưỡng 10 triệu đồng với cá nhân, cả nước sẽ có khoảng 380.000 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh
Bộ Tài chính ước tính nếu áp dụng ngưỡng 10 triệu đồng với cá nhân, cả nước sẽ có khoảng 380.000 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

Bên cạnh đó, với các trường hợp người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ được áp dụng ngay, không cần theo ngưỡng nợ cụ thể. Quy định này nhằm tăng cường khả năng thu hồi nợ thuế và tránh tình trạng trốn tránh nghĩa vụ pháp lý.

Cơ quan thuế sẽ thông báo quyết định tạm hoãn xuất cảnh qua phương thức điện tử. Nếu không gửi được thông báo này, cơ quan thuế sẽ công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử ngành thuế. Sau 30 ngày, nếu người nộp thuế không hoàn thành nghĩa vụ, thông báo sẽ được gửi đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện biện pháp cưỡng chế.

Hiện nay, các quyết định tạm hoãn xuất cảnh có thể được tra cứu qua website ngành thuế hoặc ứng dụng eTax, eTax Mobile. Nhà chức trách cũng thường xuyên rà soát, gia hạn hoặc hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ.

Bộ Tài chính ước tính nếu áp dụng ngưỡng 10 triệu đồng với cá nhân, cả nước sẽ có khoảng 380.000 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Nếu tăng ngưỡng nợ thuế lên 50 triệu đồng với cá nhân và 500 triệu đồng với doanh nghiệp, số trường hợp giảm còn 81.000. Trong trường hợp ngưỡng nợ được nâng lên 100 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với doanh nghiệp, số trường hợp bị ảnh hưởng là 40.000.

Biện pháp này được xem là cần thiết để đảm bảo thu hồi nợ đọng thuế và hạn chế tình trạng nợ dây dưa kéo dài, đồng thời không làm ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh.

Theo Tổng cục Thuế, từ đầu năm 2024, hơn 6.500 trường hợp đã bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, gấp 3 lần so với năm 2023. Qua đó, nhà nước thu hồi được 1.341 tỷ đồng từ 2.116 người nộp thuế.

Cơ quan thuế cũng cho biết biện pháp này đặc biệt hiệu quả với các trường hợp nợ thuế lâu năm. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã tự giác thanh toán các khoản nợ để được gỡ bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh.

Bộ Tài chính cho biết, các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ cũng áp dụng chính sách hạn chế đi lại với cá nhân có nợ thuế lớn. Việc tạm hoãn xuất cảnh không chỉ là biện pháp cưỡng chế hiệu quả mà còn khuyến khích tính tự giác và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.

Mặt khác, quy định mới được thiết kế để hỗ trợ người nộp thuế, tránh tạo gánh nặng quá lớn cho môi trường kinh doanh, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế: Tổng cục Thuế giải thích căn cứ pháp lý và cách triển khai

Ngành Thuế tích cực triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế từ cuối 2023, thu hồi được hơn 1.844 tỷ ...

Ngành thuế nói gì về những ý kiến trái chiều trong việc “tạm hoãn xuất cảnh”?

Trước những thắc mắc và ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp và người nộp thuế về quy định "tạm hoãn xuất cảnh", Tổng cục ...

Cục Thuế Đồng Nai công bố danh sách tạm hoãn xuất cảnh và quyết định cưỡng chế thuế đối với nhiều doanh nghiệp

Cục Thuế Đồng Nai vừa công bố danh sách các cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ ...

Trang Nhi

Trang Nhi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục