Theo báo cáo tài chính đã công bố, nhiều doanh nghiệp trên sàn báo lãi cao kỷ lục nhờ vào việc cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi như Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Công ty CP FPT (FPT), Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP). Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS),...
Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận tăng đột biến có không ít đơn vị nhờ vào các khoản thu nhập khác như thanh lý hoặc bán tài sản.
Công ty CP Vận tải biển Việt Nam - Vosco (VOS): Vosco công bố BCTC quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 1.872 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn (1.895 tỷ đồng), Vosco lỗ gộp 23,1 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi gộp 30,4 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Vosco giảm 5%, về còn 16,2 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng giảm hơn một nửa còn 3,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 9% và 21%, lên 17,3 tỷ đồng và 22,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận khác là điểm nhấn khi mang về cho Vosco hơn 393 tỷ đồng từ việc bán tàu Đại Minh. Trong tháng 4/2024, Công ty đã đấu giá công khai tàu Đại Minh với giá khởi điểm 356 tỷ đồng, tiền đặt trước 30 tỷ đồng, địa điểm đấu giá tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Hải Phòng.
Nhờ khoản lợi nhuận khác này, Vosco báo lãi sau thuế 283,9 tỷ đồng trong quý II/2024, trong khi cùng kỳ chỉ mang về 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ tính lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, Vosco lỗ hơn 63 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vosco ghi nhận 2.969,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 90% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 427,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 358,4 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ. Năm 2024, VOS thông qua kế hoạch năm với tổng doanh thu 2.440 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 323 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm nay, Vosco đã vượt 22% mục tiêu doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận năm.
Nhiều doanh nghiệp trên sàn công bố kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhưng cũng không ít doanh nghiệp báo lãi đột biến thông qua khoản thu nhập khác như thanh lý hoặc bán tài sản (hình minh họa) |
Công ty CP Cao su Sao Vàng (SRC): Theo BCTC quý II/2024, kết quả lợi nhuận sau thuế của SRC tăng hơn 107 tỷ đồng, tương đương mức tăng 1.048% so với cùng kỳ năm 2023. Theo giải trình từ SRC, sở dĩ có kết quả này là vì doanh thu bán hàng tăng 24,7 tỷ đồng và giá vốn hàng bán tăng hơn 17,3 tỷ đồng do doanh thu bán hàng tăng. Doanh thu tài chính tăng 969 triệu đồng do lãi tiền gửi tăng.
Trong khi đó, chi phí tài chính giảm hơn 347 triệu đồng do lãi tiền vay giảm. Chi phí bán hàng tăng 1,78 tỷ đồng so với quý II năm 2023 do chi phí vận chuyển tăng.
Đặc biệt, thu nhập khác của SRC tăng mạnh tới hơn 304 tỷ đồng. HĐQT Công ty CP Cao su Sao Vàng lý giải nguyên nhân chính của việc tăng lợi nhuận là bởi công ty chuyển nhượng quyền thuê lại đất với cơ sở hạ tầng và tài sản gắn liền với đất. Từ đó, lợi nhuận sau thuế của Cao su Sao Vàng trong quý II/ 2024 tăng hơn 107 tỷ đồng, tương đương mức tăng 1.048% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, SRC ghi nhận doanh thu đạt 503 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận trước thuế ở mức hơn 182 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần cùng kỳ, lãi ròng đạt 117 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ.
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC): Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của HBC cho thấy, doanh thu thuần đạt gần 2.160 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán hơn 2.060 tỷ đồng "ăn mòn" lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận gộp (phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh) là 0,046%. Mặc dù vậy, tập đoàn vẫn lãi hơn 684 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 268 tỷ đồng. Trong lịch sử hoạt động, kết quả này phản ánh quý lãi cao nhất của doanh nghiệp.
Lý do có sự biến động bất ngờ về lợi nhuận là Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính hơn 46 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đến từ việc chuyển nhượng thành công Công ty TNHH Máy xây dựng Matec (công ty thành viên), Công ty CP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt (công ty liên kết).
Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm do hoàn nhập chi phí trích lập dự phòng phải thu. Trong kỳ, HBC tăng thu nợ khách hàng, chi phí lương và các chi phí liên quan giảm do tái cơ cấu. Đặc biệt, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng mạnh chính là thu nhập khác đạt gần 527 tỷ đồng, đến từ hoạt động bán máy móc thiết bị ra bên ngoài.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, HBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.811 tỷ đồng, giảm 10% cùng kỳ năm trước. Khoản lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 741 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ tới 713 tỷ). Nhờ kết quả trên, HBC đã vượt 71% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2024.
Một cái tên đáng chú ý khác là Tập đoàn Gelex (GEX), doanh nghiêp này cũng ghi nhận lãi ròng đột biến trong quý II với 849 tỷ đồng, tăng 164% so với cùng kỳ nhờ vào khoản lãi từ việc bán các khoản đầu tư gần 996 tỷ đồng sau khi hoàn tất chuyển nhượng 3/4 dự án năng lượng tái tạo cho đối tác Sembcorp.
Lợi nhuận ngân hàng không thể “đẹp” như trong báo cáo tài chính? Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp những khoản vay đã là nợ xấu và cần chuyển ... |
Thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và hoàn nhập chi phí quản lý đã “cứu cánh” cho Xây dựng Hòa Bình (HBC) Mặc dù doanh thu sụt giảm, lợi nhuận gộp lao dốc, Xây dựng Hòa Bình vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ ... |
Lộc Trời bất ngờ xin hoãn công bố báo cáo tài chính, cổ phiếu liên tục lao dốc Ngày 30/7/2024, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCOM: LTG) đã có công văn gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở ... |
Nguyễn Hoàng
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|