Sự thoái lui của nhà sáng lập Lê Viết Hải và loạt vấn đề tài chính tồn đọng tại Hòa Bình |
Doanh nghiệp dồn dập gọi vốn quốc tế
Cuối tháng 11, Công ty CP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) hoàn tất nhận giải ngân gói tín dụng 600 triệu USD (gần 15.000 tỷ đồng) từ 37 bên cho vay. Đây là khoản huy động hợp vốn nước ngoài kỳ hạn 5 năm giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Khoản vay bằng USD có lãi suất 2,9%, cộng với lãi suất tham chiếu SOFR (tương đương lãi suất khoảng 6,7% mỗi năm). Biên độ trên lãi suất tham chiếu giảm 35 điểm cơ bản so với khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD từng hoàn thành vào năm 2020.
Việc tăng vay bằng USD có dẫn đến rủi ro ngoại hối lớn hơn trong bối cảnh lãi suất tăng; song Masan cho biết sẽ chủ động theo dõi và đánh giá thời điểm thích hợp để thực hiện các giao dịch phái sinh nhằm giảm thiểu rủi ro thị trường và vẫn duy trì chi phí vốn một cách tối ưu.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác cũng nhận được khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế. Chẳng hạn hồi tháng 10 vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCOM: LTG) tiếp cận thành công gói tín dụng 100 triệu USD từ Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cùng với 6 ngân hàng quốc tế.
Gói tín dụng có kỳ hạn 3 năm này sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho các đơn hàng trong thời gian tới.
Hay đầu năm, Công ty CP Kinh doanh F88 đã huy động được 70 triệu USD từ nguồn vốn quốc tế. Còn Công ty CP Be Group vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank (Đức). CTCP Chứng khoán Bản Việt vay 105 triệu USD từ nhóm ngân hàng nước ngoài.
Tình cảnh “khó trong nhà” đã khiến nhiều doanh nghiệp phải “trông ngoài ngõ”, tìm đến dòng vốn ngoại để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh hoạ |
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cũng đã tìm kiếm được nguồn vốn vay, trái phiếu từ các tổ chức tài chính quốc tế. Có thể kể đến trường hợp Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vương (VPBank) - ngân hàng này đã ký kết thoả thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính lớn vào tháng 11/2022. Trước đó, tháng 4/2022, VPBank được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD của các định chế tài chính lớn của châu Á. Trong năm 2021, VPBank 2 lần huy động được 300 triệu USD.
Cũng trong tháng 11, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 150 triệu từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Còn Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) huy động được 200 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC). Trước đó, vào đầu năm, SeABank được IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế mở rộng gói tín dụng từ 150 triệu USD lên 220 triệu USD.
Đáng chú ý, một hình thức gọi vốn ngoại khác được ngân hàng hướng đến là phát hành trái phiếu quốc tế. Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã hoàn thành việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư quốc tế và nâng room ngoại từ 18% lên 20%. Đầu năm nay, ngân hàng này cũng được IFC và DEG (Đức) đầu tư 165 triệu USD vào trái phiếu chuyển đổi cấp 2.
Hay Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG), Tập đoàn Vingroup - CTCP (HOSE: VIC) cũng đã huy động được hàng trăm triệu USD từ việc phát hành trái phiếu quốc tế.
Giải "cơn khát" vốn
Trong bối cảnh vốn tín dụng ngân hàng gặp khó, kênh trái phiếu tắc nghẽn, thị trường chứng khoán liên tục biến động,… thì việc huy động nguồn vốn nước ngoài giải quyết được bài bài toán khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp.
FiinRatings đánh giá việc huy động vốn quốc tế thành công của các tổ chức trong nước thời gian qua với các khoản vay hàng trăm triệu USD mang đến tín hiệu tích cực. Hãng xếp hạng tín nhiệm thống kế hơn 2 tỷ USD đã được các doanh nghiệp trong nước thông báo huy động thành công đã - không những chứng tỏ vị thế của các doanh nghiệp trong mắt các định chế tài chính nước ngoài mà còn giúp doanh nghiệp trong nước huy động được nguồn vốn với chi phí cạnh tranh hơn so với vốn trong nước.
"Điều này cho thấy niềm tin của các tổ chức tài chính nước ngoài vào sự tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam nếu như thông tin và hồ sơ tín dụng rõ ràng... Các khoản vay ngoại tệ cũng đã góp phần giải quyết vấn đề áp lực đáo hạn nợ và nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp", FiinRatings nhận định.
Tuy nhiên, FiinRatings lưu ý với diễn biến tỷ giá hối đoái như hiện nay, chi phí vốn thực tế bằng ngoại tệ (bao gồm lãi suất danh nghĩa, chi phí bảo hiểm tỷ giá, chi phí bảo lãnh và phí giao dịch) có thể dao động ở mức 13-17%/năm tùy theo kỳ hạn.
Mặt khác, dù nguồn vốn quốc tế hiện rất dồi dào nhưng việc vay tín dụng từ nước ngoài không phải vô hạn bởi chịu sự giới hạn trong quy định về quản lý vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Thêm nữa, để huy động dòng vốn ngoại, doanh nghiệp phải có uy tín, năng lực tài chính vững mạnh, số liệu công khai minh bạch, được kiểm toán bởi các tổ chức quốc tế, có phương án sử dụng vốn khả thi,…
Thời gian qua, nhiều tổ chức xếp hạng quốc tế đồng loạt nâng mức xếp hạng quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn quốc tế với lãi suất hợp lý. Hồi tháng 9/2022, Moody’s đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định. Trước đó, S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+. Theo đánh giá của FiinRatings, việc nâng xếp hạng tín nhiệm giúp giảm chi phí huy động vốn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường nợ quốc tế. Chẳng hạn việc S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam, thông lệ quốc tế cho thấy nếu vươn lên mức xếp hạng BBB, chênh lệch trung bình của các khoản vay sẽ là 150 đến 300 điểm cơ bản về lãi suất. "Điều này đồng nghĩa với chi phí huy động của doanh nghiệp sẽ giảm đi đáng kể, đơn cử như lô trái phiếu quốc tế 525 triệu USD của Vingroup, theo tính toán của chúng tôi, chi phí vốn hàng năm có thể giảm được từ 8 đến 16 triệu USD nếu như lãi suất vay được xác định dựa trên mức xếp hạng ở mức BBB của Việt Nam", hãng xếp hạng tín nhiệm giải thích. |
Yến Thanh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|