Khó khăn nhất đã qua đi, cổ phiếu ngân hàng hứa hẹn sẽ tỏa sáng

(Banker.vn) Cổ phiếu ngân hàng có tháng 6 đầy tích cực và khởi sắc khi thị giá và thanh khoản đều tăng đáng kể, triển vọng ngành cũng theo đó mà tươi sáng hơn...

Cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn trong tháng 6

Kết thúc tháng 6 năm 2023, VN-Index đóng cửa ở mức 1.120,18 điểm, tăng hơn 112 điểm so với đầu năm. Thanh khoản bình quân/phiên tháng 6/2203 vào khoảng 17.021 tỷ, tăng hơn 62% so với đầu năm.

Sự tích cực hơn của thị trường cũng được nhìn thấy ở các cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, tính đến 30/06/2023, có đến 23/27 cổ phiếu ngân hàng được giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng điểm so với đầu năm. Đồng thời có đến 18/27 mã chứng khoán của các nhà băng tăng trưởng trên 10%. Chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 30/06 cũng tăng 28,09 điểm so với cuối phiên 31/05, lên mức 594.8 điểm.

Khó khăn nhất đã qua đi, cổ phiếu ngân hàng hứa hẹn sẽ tỏa sáng
Nhìn chung, cổ phiếu dòng bank có diễn biến tích cực trong tháng qua nhờ chất xúc tác từ câu chuyện ngân hàng phát hành cổ phiếu để tiếp tục tăng vốn

Trong tháng 06, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng tăng 104.137 tỷ đồng, lên mức gần 1,72 triệu tỷ đồng (tính đến 30/06/2023), tỷ lệ tăng tương đương 6% so với mức 1,61 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 5.

Ba ông lớn ngân hàng gốc Nhà nước ghi nhận mức tăng vốn hóa khiêm tốn với Vietcombank (VCB) và VietinBank (CTG) lần lượt tăng 6% và 5%, còn BIDV (BID) lùi nhẹ 1% vốn hóa.

Trong khi đó, vốn hóa của nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân có sự phân hóa mạnh nhưng xu hướng tăng là chủ yếu. Cụ thể, với mức tăng 39%, cổ phiếu TPB trở thành ngân hàng có vốn hóa tăng mạnh nhất trong tháng qua, từ 28.423 tỷ đồng lên mức 39.629 tỷ đồng.

Tuy nhiên, động lực thúc đẩy vốn hóa TPB tăng không do thị giá mà là khối lượng cổ phiếu lưu hành tăng gần 620 triệu cổ phiếu trong tháng qua, tương đương tỷ lệ tăng gần 39% sau khi nhà băng này hoàn tất phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Các ngân hàng còn lại có thị giá tăng đẩy vốn hóa tăng theo là KLB (tăng 19%), NAB (tăng 16%), MBB (tăng 11%) và VIB (tăng 10%).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VAB có thị giá giảm mạnh nhất trong tháng 6, với mức giảm 4% kéo theo vốn hóa giảm tương ứng.

Nhìn chung, cổ phiếu dòng bank có diễn biến tích cực trong tháng qua nhờ chất xúc tác từ câu chuyện ngân hàng phát hành cổ phiếu để tiếp tục tăng vốn. Như Nam A Bank (NAB) có kế hoạch phát hành gần 212 triệu cp thưởng cổ đông với tỷ lệ 25%. MBB sẽ trả cổ tức tiền mặt 5%. VIB dự kiến phát hành gần 422 triệu cp thưởng, tỷ lệ thực hiện quyền là 20%.

Tháng 6 này có hơn 176 triệu cổ phiếu ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, tăng 26% so với tháng 5, tương đương tăng 36,43 triệu cp/ngày. Giá trị giao dịch tăng 31%, đạt hơn 3.619 tỷ đồng/ngày.

NVB là cổ phiếu có thanh khoản tăng mạnh nhất trong tháng qua, với 374,303 cổ phiếu được chuyển giao mỗi ngày, gấp 3,3 lần so với tháng trước. Các ngân hàng cũng có thanh khoản tăng mạnh là SGB (gấp 2,3 lần), BVB (gấp 2,1 lần), VPB (tăng 92%), MBB (tăng 81%) và CTG (tăng 80%).

Ở chiều ngược lại, VBB có thanh khoản giảm mạnh nhất trong tháng qua, chỉ còn 19.898 cp/ngày, giảm 79% so với tháng trước.

Tháng này, thanh khoản cổ phiếu SHB tiếp tục dẫn đầu với hơn 27 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh mỗi ngày và gần 3 triệu cp/ngày được sang tay, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 30 triệu cổ phiếu, tăng 17% so với tháng trước.

SGB tiếp tục là nhà băng có thanh khoản thấp nhất chỉ với 9.951 cp được giao dịch mỗi ngày, giá trị chỉ gần 139 triệu đồng/ngày.

Trong tháng 6, khối ngoại đã bán ròng hơn 50 triệu cp ngành ngân hàng. Giá trị bán ròng đạt gần 1.072 tỷ đồng, giảm 55% so với tháng trước.

Cổ phiếu SHB được khối ngoại mua mạnh nhất với hơn 7 triệu cổ phiếu (68 tỷ đồng). Trái lại, VPB là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng lớn nhất, với hơn 31 triệu cổ phiếu, giá trị tương đương 491 tỷ đồng.

Triển vọng tích cực những tháng cuối năm

Chia sẻ tại Hội thảo "Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2023: Thách thức & Cơ hội" do Chứng khoán HSC tổ chức ngày 5/7 vừa qua, bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính của Chứng khoán HSC cho rằng cơ hội lớn nhất đối với ngành ngân hàng trong nửa cuối năm là lãi suất.

Theo đó, lãi suất giảm tương đối nhanh và mạnh trong nửa đầu năm, lãi suất điều hành đã thấp hơn giai đoạn trước dịch, lãi suất liên ngân hàng tương đương trước dịch. Việc lãi suất huy động giảm sẽ tác động giảm chi phí vốn của ngân hàng. Xu hướng giảm lãi suất tiếp diễn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nửa cuối năm cũng như 2024.

Về khó khăn, chuyên gia của HSC cho rằng thách thức lớn nhất với ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm là vấn đề nợ xấu. Ở thời điểm cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu chính thức tăng lên mức 3%, tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức 5%. Với Thông tư 02, tỷ lệ nợ xấu chính thức có thể được kiểm soát. Tuy vậy, cơ cấu nợ vẫn tăng lên do còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, cần ngân hàng hỗ trợ, gây áp lực lên việc trích lập dự phòng.

Cũng theo bà Hà, một thách thức lớn khác đối với ngành ngân hàng là bảo hiểm – đây là kênh mang lại nguồn thu phí quan trọng cho ngành ngân hàng trong những năm qua. Tăng trưởng doanh thu phí từ mảng bảo hiểm của các ngân hàng đã sụt giảm trong 6 tháng đâu năm sau giai đoạn tăng trưởng nóng và các sai phạm trong ngành bảo hiểm.

Đánh giá triển vọng của ngành ngân hàng, bà Phạm Liên Hà cho biết HSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức 12 - 14% và công ty chứng khoán đang thiên về con số 12%. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức 3%. HSC dự báo chỉ tiêu này đạt 3% trong quý III và 6% trong quý IV, nghĩa là tăng mạnh nhất vào quý cuối năm.

Theo Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quan hệ nhà đầu tư của HDBank, trong thời gian qua, thị trường chứng khoán đã có cái nhìn bi quan về ngành ngân hàng do các vấn đề liên quan đến trái phiếu, nợ xấu, bất động sản. Khi các vấn đề này được tháo gỡ, niềm tin trở lại thì nhiều khả năng cổ phiếu ngân hàng sẽ biến động tích cực.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, ông Tùng cho rằng khối ngoại luôn hào hứng mỗi khi thị trường biến động. Ví dụ như giai đoạn Covid, các nhà đầu tư nước đã đẩy mạnh mua ròng khi P/B của nhiều ngân hàng xuống dưới 1 lần.

"Chúng tôi nhận định cổ phiếu ngành ngân hàng có triển vọng tốt trong thời gian tới. Nếu không mua bây giờ sẽ phải hối tiếc", ông Tùng chia sẻ. Dù vậy, ông Tùng cũng cho rằng các nhà đầu tư cần lựa chọn thời điểm phù hợp để có được hiệu quả tối đa.

Lộ diện ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất tháng 7/2023

Theo khảo sát đầu tháng 7, biểu lãi suất tiền gửi cao nhất đang nằm trong khoảng 6,3 - 10,9%/năm tại 30 ngân hàng thương ...

Lãi suất ngân hàng BIDV tháng 7/2023: Cao nhất là bao nhiêu?

Theo khảo sát mới nhất trong tháng 7, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) niêm yết lãi suất tiền gửi ...

Lãi suất ngân hàng VietinBank tháng 7/2023: Tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn

Theo ghi nhận mới nhất trong tháng 7/2023, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã công bố khung lãi suất tiết kiệm trong ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán