Khó khăn chồng chất, Thép Pomina triệu tập ĐHĐCĐ bất thường bàn phương án tái cấu trúc

(Banker.vn) Trong bối cảnh thua lỗ kéo dài, nợ quá hạn cao ngất ngưởng, cộng với áp lực bán tháo cổ phiếu, Thép Pomina sẽ tiến hành họp ĐHĐCĐ để bàn việc tái cấu trúc.

Vừa qua, ngày 22/1/2024, Công ty CP Thép Pomina (HOSE: POM) đã công bố nghị quyết về việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 nhằm thông qua phương án tái cấu trúc công ty. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự vào ngày 16/2/2024. Thời gian và địa điểm tổ chức ĐHĐCĐ bất thường chưa được công bố.

Khó khăn chồng chất, Thép Pomina triệu tập ĐHĐCĐ bất thường bàn phương án tái cấu trúc
Thép Pomina đang phải đối mặt những khó khăn chồng chất

Đáng nói, động thái này diễn ra trong bối cảnh Thép Pomina đang phải đối mặt những khó khăn chồng chất: kinh doanh thua lỗ, nợ quá hạn cao ngất ngưởng, người nhà lãnh đạo liên tục thoái vốn.

Về tình hình kinh doanh, tính tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính quý IV. Theo báo cáo tài chính gần nhất, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 2.948 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 647 tỷ đồng, cao hơn nhiều do so với kế hoạch chỉ lỗ 150 tỷ đồng trong cả năm 2023 của hãng thép này.

Với kết quả bết bát này, chuỗi thua lỗ của Thép Pomina đã kéo dài 6 quý liên tiếp, “bào mòn” khoản lãi luỹ kế tích luỹ được trước đó. Tính đến ngày 30/9/2023, doanh nghiệp lỗ luỹ kế hơn 868 tỷ đồng, bằng 31% vốn điều lệ. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ yếu, giá thép giảm sâu và chi phí cố định của dự án lò cao mới đi vào hoạt động còn ở mức cao.

Cần biết, năm 2022, Thép Pomina đã lỗ kỷ lục 1.168 tỷ đồng. Đây cũng mức lỗ nặng nhất trong số các doanh nghiệp ngành thép niêm yết trên sàn chứng khoán.

Bên cạnh kết quả kinh doanh ảm đạm, tình hình tài chính của Thép Pomina cũng “bất ổn”. Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/9/2023, quy mô tài sản của doanh nghiệp này đạt 10.689 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu năm. Trong đó, chi phí xây dựng cơ bản chiếm quá nửa, với gần 5.800 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận ở mức 1.800 tỷ đồng, chiếm 16,8% tổng tài sản. Hàng tồn kho giảm 30%, còn gần 833 tỷ đồng.

Trong khi đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền chỉ đạt vỏn vẹn 14 tỷ đồng, “bốc hơi” 93% so với đầu năm.

Bên phía nguồn vốn, tính tới cuối tháng 9, Thép Pomina đang có khoản nợ phải trả là 8.690 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là nợ vay, với 6.300 tỷ đồng, gồm 5.200 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.145 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Đáng nói, Thép Pomina đang ôm một “núi nợ” cao “ngất ngưởng”. Cụ thể, tại báo cáo kiểm toán bán niên 2023, doanh nghiệp có 3.100 tỷ đồng nợ quá hạn, trong đó 2.200 tỷ đồng nợ vay và 922 tỷ phải trả người bán.

Chính việc tồn tại nhiều khoản nợ quá hạn và thua lỗ nặng nề liên tiếp đã khiến kiểm toán viên của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nêu lên nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Thép Pomina.

Trên thị trường chứng khoán, ngoài ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh, cổ phiếu POM của Thép Pomina còn chịu áp lực từ làn sóng bán tháo của người thân liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp.

Tính tới ngày 15/01/2024, những người liên quan tới Chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái đã bán ra hơn 31 triệu cổ phiếu POM, tương đương hơn 11% vốn điều lệ công ty. Hiện tại, vẫn còn gần 4 triệu cổ phiếu POM đang được đăng ký bán ra và chưa hoàn tất giao dịch.

Trước đó, Pomina cho biết các giao dịch của người liên quan chủ yếu là để cấn trừ nợ với nhà cung cấp. Theo thỏa thuận với các nhà cung cấp, tổng số lượng cấn trừ lên đến 21 triệu cổ phiếu POM, tương đương giá trị cấn trừ gần 188 tỷ đồng. Trong đó, Pomina chủ yếu cấn trừ với giá 10000 đồng/cp (gấp đôi thị giá). Sau khi cấn trừ, các nhà cung cấp sẽ trở thành cổ đông của Pomina.

Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu đã bán và đăng ký bán của nhóm người liên quan đã lên đến 36 triệu cổ phiếu, cao hơn mức 21 triệu cổ phiếu mà doanh nghiệp công bố. Hiện tại, vẫn chưa rõ lý do cho động thái này, nhưng cũng có thể nguyên nhân xuất phát từ lý do cấn trừ nợ.

Khó khăn chồng chất, Thép Pomina triệu tập ĐHĐCĐ bất thường bàn phương án tái cấu trúc
Diễn biến cổ phiếu POM thời gian gần đây

Thép Pomina sẽ làm gì để vượt khó?

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 hồi tháng 7/2023, Chủ tịch HĐQT Thép Pomina Đỗ Duy Thái từng nhận định, đầu năm 2024, thị trường thép có thể khởi sắc nhờ đầu tư công, nhưng “tiêu thụ tăng nhiều lắm là chỉ 15-20% vì nhu cầu thép ở Việt Nam chủ yếu đến từ bất động sản. Nhìn bất động sản cũng có thể biết được diễn biến của ngành thép, nhất là thép xây dựng”.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính hiện nay, sức cầu sử dụng thép sẽ chỉ hồi phục chứ không có sự bứt phá, khiến giá thép năm nay sẽ chỉ biến động nhẹ theo giá nguyên vật liệu đầu vào và khó có thể bật tăng mạnh trở lại. Lãnh đạo Thép Pomina cũng cho biết, khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào khả năng tạo dòng tiền trong tương lai và sự hỗ trợ về mặt tài chính của ngân hàng cũng như nhà đầu tư chiến lược.

Trước đó, Thép Pomina đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu (hơn 20% vốn điều lệ) cho hãng thép Nhật Bản là Nansei Steel với giá 10.000 đồng/cp.

Bên cạnh phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Thép Pomina cũng dự tính chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty TNHH Pomina 3, đồng thời vay vốn tại ngân hàng BIDV với hạn mức tín dụng hơn 699 tỷ đồng. Để được vay vốn, doanh nghiệp này sẽ thế chấp quyền sử dụng đất (thuê 30 năm và có diện tích 42.890 m2) tại lô M, Khu công nghiệp Sóng thần II, tỉnh Bình Dương, quyền sở hữu văn phòng, căn tin và nhà xưởng tại khu đất này, cùng với máy móc thiết bị và các tài sản khác.

Với số tiền thu về, Thép Pomina sẽ khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho công ty và kỳ vọng phục hồi trong thời gian tới.

Trong quá khứ, đã từng có lúc Thép Pomina kinh doanh “bùng nổ”, với lãi ròng mỗi năm lên tới 400-650 tỷ đồng như giai đoạn năm 2008-2011 và 2016-2018.

Cổ phiếu Thép Pomina (POM) vừa "hồi sức", em gái Chủ tịch lại mạnh tay "thoát hàng"

Đây là lần thứ hai trong khoảng thời gian cuối năm em gái Chủ tịch Thép Pomina bán ra cổ phiếu.

Thep Pomina: Kinh doanh sa sút, người nhà Chủ tịch liên tục thoái vốn khỏi công ty

Bà Đỗ Thị Kim Cúc, em gái ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Pomina (HOSE: POM) vừa đăng ký bán 2 ...

Hai cha con Phó Chủ tịch Thép Pomina đăng ký thoái toàn bộ cổ phiếu

Ước tính, tổng giá trị giao dịch bán gần 1,7 triệu cổ phiếu POM của 2 cha con ông Đỗ Văn Khánh là hơn 9 ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục