Khi các "siêu cổ phiếu" trở lại "đường đua"

(Banker.vn) Theo phân tích của giới chuyên gia, sau những đợt chiết khấu sâu, cổ phiếu bật tăng mạnh là điều không quá khó hiểu, nhưng sau đó có giữ được đà tăng hay không lại là câu chuyện khác.

Tiếp nối đà tăng mạnh phiên trước, thị trường chứng khoán phiên 29/11 bứt phá lên trên mốc 1.030 điểm. Dù áp lực chốt lời có lúc nhấn chìm những nỗ lực tăng điểm, song dòng tiền bắt đáy ở phiên chiều trở lại tích cực hơn giúp giải toả tâm lý nhà đầu tư. Thanh khoản được "cởi trói" cùng sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu trụ giúp VN-Index đóng cửa ở mốc cao nhất phiên.

Khi các

Sắc xanh tím quay trở lại thị trường trong bối cảnh thị trường liên tục đón nhận những tin vui mới. Đơn cử là những động thái hỗ trợ từ Chính phủ, dòng vốn ngoại giải ngân mạnh mẽ và bối cảnh vĩ mô ổn định hơn khi tỷ giá dần hạ nhiệt, hay việc có ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho vay.

Cùng với sự khởi sắc của thị trường chung, hàng loạt cổ phiếu một thời “nổi loạn” như L14, CEO, L18 hay “họ” Apec đều có mức tăng vượt trội từ đáy. Đây cũng là những cái tên có mức giảm đến 80-90% khi thị trường chung trồi sụt, thậm chí có những cổ phiếu điều chỉnh về mức giá không bằng một cốc trà đá.

Sau khi bị mức chiết khấu quá sâu, sự hồi phục của những cổ phiếu này cũng không quá khó hiểu.

Dẫn đầu đà tăng phải kể đến L14 của Công ty Cổ phần LICOGI 14 . Sau 10 phiên liên tiếp tăng hết biên độ, L14 đã khi bứt phá 153% so vùng đáy để leo lên mức 46.900 đồng (phiên 29/11). Ngay cả trong những phiên giao dịch ảm đạm của nhóm cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu L14 vẫn “phát sáng” với sắc tím bao phủ. Dù bứt phá mạnh, song thị giá L14 vẫn “bốc hơi” 86% so với mức thiết lập hồi đầu năm.

Khi các
Dù bứt phá mạnh, song thị giá L14 vẫn “bốc hơi” 86% so với mức thiết lập hồi đầu năm

Cổ phiếu L14 từng được xem là “hiện tượng lạ” trên thị trường với đà tăng phi mã từ mức 78.000 đồng (tháng 10/2021) lên xấp xỉ 400.000 đồng/cổ phiếu để chiếm ngôi vương cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán vào hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, sau thời gian tăng sốc, L14 đổ đèo giảm sâu đến 95% so với đỉnh trước khi có những nhịp phục hồi trong thời gian gần đây.

Trước chuỗi tăng kịch trần liên tiếp của cổ phiếu, ban lãnh đạo L14 cho rằng các hoạt động kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường và khẳng định doanh nghiệp không bao giờ có tác động lên biến động tăng, giảm cổ phiếu khiến ảnh hưởng đến thị trường, lợi ích Nhà nước và quyền lợi của nhà đầu tư.

Tương tự, cổ phiếu CEO của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O cũng đã bật tăng mạnh từ mức 8.100 đồng/cổ phiếu lên 16.600 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 104% sau 9 phiên tăng hết biên độ. Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn cách đỉnh hồi đầu năm hơn 82%.

Còn nhớ hồi cuối năm ngoái, “cơn sốt” cổ phiếu bất động sản kéo thị giá cổ phiếu CEO đã tăng gấp 8 lần lên gần tiệm cận mốc 100.000 nghìn đồng/cp chỉ sau 2 tháng. Cũng giống như L14, sau khi đạt đỉnh, cổ phiếu CEO bắt đầu chuỗi ngày lao dốc không phanh khi bốc hơi 91% so với đỉnh, trước khi có chuỗi phục hồi trong thời gian gần đây.

Nhắc đến những cổ phiếu từng “làm mưa làm gió” trên thị trường chắc chắn không thể thiếu bộ ba cổ phiếu APS (Chứng khoán Apec), API (Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương) và IDJ (Đầu tư IDJ) thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Apec. Sở dĩ bộ ba này được chú ý bởi màn tăng giá thần tốc bằng lần trong năm 2021.

Không những vậy, ban lãnh đạo những doanh nghiệp này cũng từng gây chú ý với màn hô hào cổ đông “quyết tâm gồng lãi” trong buổi họp ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, sau khi đà thăng hoa, những cổ phiếu này đồng loạt lao dốc 80-90% kể từ đỉnh với mức giá chưa bằng cốc trà đá.

Sau thời gian bị ngó lơ, những cổ phiếu này cũng bắt đầu dậy sóng trở lại khi đồng loạt tăng kịch trần 9 phiên. Theo đó, API, APS đồng loạt phục hồi 112% từ đáy, IDJ cũng lấy lại 95% chỉ sau chục phiên giao dịch.

Không phải cái tên quá nổi bật, song cổ phiếu CSC của Công ty CP Contana cũng gây chú ý với mức tăng nóng trong thời gian gần đây. Dù điều chỉnh nhẹ trong phiên 29/11 để về vùng 50.000 đồng/cp, song cũng tăng 102% chỉ sau chục phiên giao dịch. Tuy vậy, CSC cũng mới chỉ đi được 1/3 trên chặng đường hồi phục nếu so với mức đỉnh 130.000 đồng thiết lập hồi cuối năm ngoái.

Trong quý 3 vừa qua, CSC cũng là một trong những doanh nghiệp có đồ thị tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhất khi lãi ròng đột biến 102 tỷ đồng - mức lãi kỷ lục trong một quý. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, CSC chỉ lãi ròng 8 tỷ. Luỹ kế 9 tháng, Cotana đạt 1.507 tỷ doanh thu và 346 tỷ LNST - lần lượt cao gấp 5 và 30 lần 9 tháng đầu năm ngoái .

Cẩn trọng với những cổ phiếu vừa "thoát sàn"

Theo phân tích của giới chuyên gia, sau những đợt chiết khấu sâu, cổ phiếu bật tăng mạnh là điều không quá khó hiểu, nhưng sau đó có giữ được đà tăng hay không lại là câu chuyện khác.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập FinPeace cũng từng dự đoán, khi những cổ phiếu giảm sàn liên tiếp được “giải cứu” và được vớt hết giá sàn, nhiều người sẽ có tâm lý FOMO lao vào bắt đáy. Bởi họ nghĩ giá cổ phiếu có thể bật tăng trở lại sau thời gian chiết khấu mạnh. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng trường hợp này “cửa thua” vẫn là 50/50, bởi cổ phiếu ngừng rơi không có nghĩa là có thể bật tăng trở lại.

Đồng quan điểm trên, nhưng ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt nam vẫn nhấn mạnh việc bắt đáy còn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người.

Đối với những nhà đầu tư lướt sóng thì có thể mạo hiểm, song chỉ xem như là “đánh bạc” vì rủi ro vẫn rất cao. Riêng với những nhà đầu tư dài hạn thì không nên vội vàng bắt đáy, vì khi những yếu tố rủi ro chưa được giải quyết triệt để thì giá cổ phiếu vẫn có thể rẻ hơn nữa.

Về bối cảnh chung toàn ngành bất động sản, chuyên gia cho rằng vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn về thanh khoản khi các kênh dẫn vốn đều bị siết chặt. Mặc dù, hiện ngành bất động sản vẫn đang chờ đợi một số giải pháp hỗ trợ thanh khoản của Chính phủ. Tuy vậy, dòng tiền có được chảy vào ngành bất động sản không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Về riêng doanh nghiệp, dù đã đưa ra nhiều biện pháp, song áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn tồn tại. Hiện tại, dòng tiền vào nhóm này đầu cơ cao, nên rủi ro lớn. Nhìn lại phiên giải cứu NVL bất thành vào 22/11 cũng có rất nhiều nhà đầu tư FOMO bắt đáy và bị “mắc kẹt” với khoản lỗ lớn.

“Tính đến hiện tại, Book value/ giá trị sổ sách của nhiều cổ phiếu đều đã rơi xuống dưới mức 1 lần, nhưng có thể giá cổ phiếu vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Để hấp thụ lực cầu, giá trị sổ sách của những cổ phiếu này có thể xuống 0,5 lần, có nghĩa chiết khấu thêm 50% nữa. Bởi trước nhiều yếu tố bất định thì định giá cổ phiếu có thể bị định giá lại, cổ phiếu giá rẻ vẫn có thể rẻ hơn”, chuyên gia Yuanta nêu quan điểm.

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán